[Phần 2] Làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc
[Phần 1] Doanh nghiệp châu Á chống chọi với chiến tranh thương mại ra sao? | |
Những hệ lụy nặng nề của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung |
Khoảng 30% doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cho biết họ đang tìm mua linh kiện hoặc sản xuất bên ngoài Mỹ và Trung Quốc để tránh thuế quan, theo kết quả khảo sát gần đây do Phòng thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc và Thượng Hải thực hiện. Phần lớn các doanh nghiệp này sẽ chuyển đến Đông Nam Á hoặc tiểu lục địa Ấn Độ, trong khi chỉ có 6% cho biết sẽ cân nhắc quay về Mỹ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock/CNNMoney. |
Nhiều công ty châu Á cho biết chiến tranh thương mại đã khiến họ phải nhanh chóng rút khỏi Trung Quốc. Li & Fung, nhà cung cấp hàng may mặc và tiêu dùng chính cho các nhà bán lẻ gồm Walmart và Macy’s, cho biết tỷ lệ hàng mua từ Trung Quốc của công ty đã giảm còn 49%, so với 54% hồi năm 2016. Giám đốc điều hành Spencer Fung cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì.
“Trung Quốc vẫn đóng một vai trò nhất định và không thể thay thế. Các khách hàng sẽ không rời bỏ Trung Quốc ngay lập tức, nhưng họ đã lên kế hoạch đó từ lâu và chiến tranh thương mại chỉ là một trong những ngòi nổ”, ông Fung nói.
Công ty của ông hiện đang thu mua hàng may mặc từ các quốc gia như Bangladesh, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Philippines, trong khi hàng da giày chủ yếu từ Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và châu Âu.
“Đang có xu hướng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, và chúng tôi luôn khuyến nghị khách hàng đừng nên đặt hết trứng vào cùng một giỏ”, ông Fung cho biết.
Một nhà máy sản xuất hàng dệt may tại Bangladesh. Nguồn: Yumi Kotani/Nikkei Asian Review. |
Eclat Textile, nhà cung cấp trang phục hàng đầu cho Nike, Adidas, Under Amour, Lululemon và nhiều hãng thời trang khác, đang thu hút nhiều khách hàng mới vì công ty không còn sản xuất tại Trung Quốc. Công ty Đài Loan này đã rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc vào cuối năm 2016 để đến Việt Nam và Campuchia.
Các quan chức Campuchia, nơi có khoảng 630 nghìn lao động đang làm trong ngành may mặc, cho biết nước này đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại leo thang. Bộ trưởng Thương mại Sorasak Pan nói với Nikkei Asian Review rằng hiệu ứng từ chính sách của Tổng thống Donald Trump “có thể tốt hơn cho chúng tôi” khi nhiều công ty rút lui khỏi Trung Quốc.
“Chúng tôi nhận nhiều yêu cầu thông tin từ các công ty nước ngoài, đặc biệt là từ EU, Trung Quốc và thậm chí là Mỹ. Không chỉ hàng may mặc”, ông nói trong buổi phỏng vấn ngày 12/9, đồng thời cho biết các đơn hàng đang tăng đối với túi du lịch, giày dép và xe đạp.
Quá trình dịch chuyển sản xuất này dường như diễn ra nhanh hơn trong lĩnh vực công nghệ cao. Delta Electronics, công ty Đài Loan chuyên cung cấp linh kiện cho các sản phẩm iPhone và MacBook của Apple, cho biết đang mua lại Delta Electronics Thái Lan để có thể tiếp cận tốt hơn các trung tâm sản xuất tại nước này, cũng như Ấn Độ và Slovakia.
“Môi trường địa chính trị đang đầy rẫy biến động sau khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu. Làn sóng thuế quan đánh lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc đã tác động đến Delta”, ông Yancey Hai – chủ tịch Delta Electronics, cho biết.
Pegatron, công ty Đài Loan đang lắp ráp iPhone cho Apple, cũng đang cân nhắc chuyển các địa điểm sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục đến Đài Loan, Mexico, Cộng hòa Czech và Ấn Độ. Quanta Computer, nhà sản xuất Apple Watch và MacBook, cho biết công ty đã sẵn sàng trong trường hợp các khách hàng lớn muốn sản xuất sản phẩm bên ngoài Trung Quốc để tránh thuế. Đồng hồ thông minh nằm trong số 300 sản phẩm thoát khỏi danh sách hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi hàng rào thuế quan mới nhất của Mỹ.
“Chúng tôi có một vài địa điểm bên ngoài Trung Quốc để mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tạm thời nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang”, một quan chức của Quanta nói với Nikkei Asian Review.
Di dời dây chuyền sản xuất là điều khó khăn, tuy nhiên mối đe dọa từ chiến tranh thương mại cũng tốt cho hoạt động kinh doanh vì nó giúp các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi cung ứng vững chắc. Kerry Logistics Network, công ty dịch vụ hậu cần Hong Kong có mạng lưới rộng khắp châu Á, đang hưởng lợi từ việc di chuyển ra khỏi Trung Quốc. Xu hướng này bắt đầu trở nên rõ ràng từ năm 2016 khi chi phí nhân công tại đại lục tăng, nhưng chiến tranh thương mại đã “đẩy nhanh tốc độ” của nó, giám đốc điều hành William Ma Wing-kai cho biết.
Xu hướng này đang phổ biến đối với các doanh nghiệp điện tử, may mặc, đồ dùng gia đình, đồ chơi và một số ngành khác. “Khách hàng Mỹ đang yêu cầu một giải pháp. Nếu không, họ phải trả giá cho thuế quan”, ông Ma nói.
Nhờ xu hướng này, doanh thu của công ty trong nửa đầu năm nay tăng 27% lên 17,46 tỷ dollar Hong Kong (2,22 tỷ USD), trong khi lợi nhuận ròng tăng vọt 20% lên 948 triệu USD. “Chúng tôi là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi” từ chiến tranh thương mại, ông Ma cho biết.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/