[Phần 1] Doanh nghiệp châu Á giữa cuộc chiến thuế quan
Trung Quốc đáp trả thuế quan vào 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ 24/9 | |
Reuters: Trung Quốc sẽ đáp trả nếu Mỹ thẳng tay áp thuế quan mới lên 200 tỷ USD hàng hóa |
Khi Washington áp các quy định “chống bán phá giá” lên sản phẩm nhôm mà China Zhongwang sản xuất cho cửa sổ và khung cửa hồi năm 2009, công ty này bắt đầu xuất khẩu một sản phẩm khác vốn không thuộc diện chi phối của các quy định trên. Sau khi Mỹ nhắm vào các nhà sản xuất kim loại Trung Quốc lần nữa vào năm 2016, công ty này mua lại công ty nhôm Aluminiumwerk Unna của Đức và bắt đầu xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ từ Đức.
Ảnh minh họa. Nguồn: Eric Chow/Nikkei Asian Review. |
Tuy nhiên, China Zhongwang cuối cùng cũng hết cách vào ngày 1/6, thời điểm thuế quan 10% áp lên sản phẩm nhôm nhập khẩu vào Mỹ chính thức có hiệu lực. “Chúng tôi dừng gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu vào Mỹ”, giám đốc điều hành Amanda Xu Jing nói với Nikkei Asian Review vào ngày 27/8. Công ty nhôm lớn thứ hai thế giới này hiện đang tìm cách bù đắp thiệt hại do không thể xuất khẩu sang Mỹ bằng cách mở rộng tại thị trường châu Âu và nội địa.
Thuế quan đánh lên nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ của chính quyền Tổng thống Donald Trump là màn “khai hỏa” lớn đầu tiên trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và nền kinh tế thế giới đã “trúng đạn”. Thuế quan đã giúp các nhà sản xuất kim loại Mỹ tăng trưởng kinh doanh, đúng như Tổng thống Trump kỳ vọng, trong khi gây thiệt hại cho các đối thủ nước ngoài như China Zhongwang. Và kết quả là, nhiều sản phẩm sử dụng nguyên liệu nhôm, thép – từ xe hơi Toyota đến lon nước ngọt Coca-Cola – đều có thể trở nên đắt đỏ hơn.
Tổng thống Donald Trump đã áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng Trung Quốc từ tháng 3. Nguồn: J. Ernst/Reuters. |
Và giờ đến lượt một phát súng lớn hơn: Tổng thống Donald Trump ngày 17/9 tuyên bố ông có ý định áp thuế quan 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc và sẽ tăng lên 25% từ đầu năm tới. Ông cũng cho biết đã sẵn sàng đánh thuế “ngay lập tức” lên toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc trị giá đến 267 tỷ USD, nếu Bắc Kinh “có hành động trả đũa”.
Và đó là điều Trung Quốc đã làm, áp thuế lần lượt 5% và 10% lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. “Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng tôi, lợi ích của chúng tôi và trật tự thương mại tự do trên toàn cầu, Trung Quốc sẽ phải đáp trả”, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố vào ngày 18/9.
Các chuyên gia cho rằng hành động leo thang mới nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đủ lớn để làm rung chuyển thương mại toàn cầu, khiến giá cả hàng loạt sản phẩm tăng và tái định hình các chuỗi cung ứng phức tạp. Những gì mà tập đoàn nhôm China Zhongwang trải qua có thể là dấu hiệu của những thứ sắp ập lên nhiều nhà sản xuất khác của Trung Quốc.
“Tác động tức thời lên khối lượng thương mại sẽ đáng kể, trong đó có sự sụt giảm trong tổng giá trị thương mại và chệch hướng thương mại đối với khách hàng và nhà cung cấp thay thế. Tôi cho rằng các hiệu ứng này sẽ lớn hơn rất nhiều so với hậu quả của những thảm họa như Fukushima”, ông David Hummels – giáo sư kinh tế học tại Trường Quản trị Krannert thuộc Đại học Purdue, cho biết.
Một ngày sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, ông Fang Xinghai – phó chủ tịch Ủy ban Điều phối Chứng khoán Trung Quốc, cho biết nước này “đã chuẩn bị rất sẵn sàng” cho các loại thuế quan trừng phạt nặng nề nhất áp lên hàng hóa của mình. Ông Fang cho biết tác động lên tăng trưởng của Trung Quốc có thể chỉ giới hạn ở mức 0,7%.
Phát biểu sau khi thị trường chứng khoán trong nước lập đáy 4 năm mới vào ngày 17/9, ông nhấn mạnh hoàn toàn không có rủi ro hệ thống nào tại Trung Quốc, đồng thời cho rằng tuyên bố áp thuế mới của Mỹ đã “đầu độc” bầu không khí đàm phán.
còn tiếp...