|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ông Trump ra hạn chót 60 ngày để siết chặt kiểm soát công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ

07:09 | 06/06/2020
Chia sẻ
Nikkei Asian Review đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các cơ quan quản lí trong nước đề xuất phương án mới nhằm siết chặt kiểm soát đối với các công ty Trung Quốc niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán New York trong vòng 60 ngày tới.
Ông Trump 'hẹn giờ' 60 ngày để Washington nghĩ cách kiểm soát các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump ra lệnh cho chính phủ Mỹ nghiên cứu phương án siết chặt kiểm soát với các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. (Ảnh minh họa: Digital Image)

"Trung Quốc đạt được không ít lợi ích từ thị trường tài chính Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại liên tục ngăn cản các công ty nội địa lẫn doanh nghiệp quốc tế có hoạt động mạnh tại nước này tuân thủ các biện pháp bảo vệ nhà đầu đang áp dụng cho tất cả các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ", Tổng thống Trump nêu rõ trong một bản ghi nhớ mà Nhà Trắng công bố hôm 4/6.

Trong vài tuần qua, quan hệ Mỹ - Trung liên tục leo thang vì luật an ninh quốc gia đối với đặc khu hành chính Hong Kong, đại dịch COVID-19 và thương mại.

Khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường vốn của Mỹ đã trở thành điểm nóng mới nhất trong cuộc đối đầu giữa hai siêu cường này.

Theo Nikkei, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đang tìm đến thị trường Hong Kong để niêm yết chéo sau khi Thượng viện Mỹ hồi tháng trước phê duyệt dự luật có thể buộc các công ty Trung Quốc hủy niêm yết nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán và kiểm soát của Mỹ trong ba năm liền.

Hiện tại, các công ty nước ngoài không bị cơ quan tài chính Hong Kong kiểm soát gắt gao bằng, Nikkei lưu ý.

Hôm 5/6, NetEase - công ty game lớn thứ hai của Trung Quốc, đã định giá cổ phiếu ở mức 123 HKD/cp (tương đương 15,86 USD/cp). Mức định giá này cho thấy NetEase có thể thu về 2,7 tỉ USD sau giai đoạn chính của kế hoạch chào bán cổ phiếu.

Nikkei đánh giá 2,7 tỉ USD là con số mà cho đến thời điểm này trong năm chưa công ty nào có thể huy động được tại thị trường Hong Kong. Đồng thời, đây còn là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư vẫn thèm muốn các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ đã chĩa mũi dùi vào các công ty Trung Quốc vì có các hành vi kế toán đáng ngờ và thiếu minh bạch. Nỗ lực của Washington gia tăng sau một số vụ bê bối kế toán gần đây như trường hợp làm giả doanh thu của kì lân Luckin Coffee.

Trong một phát biểu riêng ngày 4/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thúc giục các sàn giao dịch chứng khoán trên toàn thế giới siết chặt qui định và tăng cường giám sát đối với các công ty Trung Quốc.

Theo bản ghi nhớ của Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho nhóm làm việc về thị trường tài chính (do Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin chủ trì) trong vòng 60 ngày tới phải đề xuất khuyến nghị để bảo vệ nhà đầu tư trước hành vi gian lận của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.

"Chúng ta phải có hành động kiên quyết và có tuần tự nhằm chấm dứt hành vi luồn lách qui định minh bạch mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang làm tại Mỹ nhưng không gây ảnh hưởng tiêu cực cho nhà đầu tư và thị trường tài chính Mỹ", ông Trump nhấn mạnh.

Bản ghi nhớ trên cho biết chính phủ Trung Quốc đã ngăn cản các công ty kiểm toán có đăng kí với Ủy ban Giám sát Hoạt động Kiểm toán Công ty Đại chúng (PCAOB) điều tra doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.

Giới quan sát đang theo dõi chặt chẽ kế hoạch niêm yết tại Hong Kong của NetEase khi mà một loạt các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đại lục dường như đang sẵn sàng nối gót Alibaba Group Holdings niêm yết chéo tại đặc khu hành chính này giữa lúc áp lực từ giới chính trị gia Mỹ gia tăng. NetEase hiện chủ yếu giao dịch ở New York, Nikkei lưu ý.

Hãng bán lẻ trực tuyến JD.com - đối thủ hàng đầu của Alibaba ở thị trường tỉ dân, sẽ chào bán cổ phiếu niêm yết chéo tại Hong Kong vào ngày 8/6 tới. Gã khổng lồ này hi vọng huy động khoảng 3 tỉ USD.

"2020 sẽ là năm ghi nhận nhiều thương vụ IPO, trong đó tính cả các kế hoạch IPO của doanh nghiệp Trung Quốc đại lục lẫn các công ty 'hồi hương' từ Mỹ trở về", ông Charles Li - Giám đốc điều hành Hong Kong Exchanges & Clearing, cho hay.

Ông Li nhận thấy tác động kết hợp khi giới chính trị gia Mỹ gia tăng áp lực lên doanh nghiệp Trung Quốc và qui định niêm yết thông thoáng hơn tại Hong Kong đã góp phần tạo ra xu hướng trên.

"Hiện giờ, môi trường đầu tư tại Mỹ đang trở nên kém thân thiện hơn, trong khi đó Hong Kong về cơ bản đã thay đổi rất nhiều qui định niêm yết nên thị trường tài chính đặc khu đang ngày càng dễ chịu hơn", ông Li lí giải.

Yên Khê