|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhờ Fed bơm tiền, chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục khởi sắc bất chấp bạo loạn?

10:15 | 03/06/2020
Chia sẻ
Các chuyên gia Phố Wall cho rằng một trong những động lực lớn giúp thị trường tiếp tục đi lên là hàng nghìn tỉ USD mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đổ vào thị trường.
Nhờ vào hỗ trợ từ Fed, chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục khởi sắc bất chấp bạo loạn? - Ảnh 1.

Một cửa hàng Best Buy ở New York phải gia cố cửa ra vào bằng các tấm gỗ lớn để ngăn chặn bị hôi của. Ảnh: CNBC

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đà tăng điểm, được dẫn dắt bởi nhóm những cổ phiếu công nghệ, hàng không, tài chính và năng lượng.

Các chương trình kích thích tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ đang giữ giá cổ phiếu ở mức cao. Các nhà đầu tư đang dần phân bổ vốn sang những cổ phiếu mà họ tin là sẽ được lợi trong quá trình nền kinh tế mở cửa trở lại.

Cho đến thời điểm hiện tại, chứng khoán Mỹ vẫn chưa phản ứng đối với các cuộc biểu tình bạo loạn nổ ra trên khắp nước Mỹ sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd.

Biểu tình đã kéo theo nạn hôi của, cướp phá tại nhiều nơi, nhưng thị trường vẫn đang phớt lờ hiện trạng này.

Nhờ vào hỗ trợ từ Fed, chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục khởi sắc bất chấp bạo loạn? - Ảnh 2.

Ông Steven DeSanctis, chuyên gia đầu tư của ngân hàng đầu tư Jefferies giải thích: "Thị trường chứng khoán là cỗ máy luôn nhìn về phía trước. Các nhà đầu tư đang chú ý đến 6 tháng sau, 9 tháng sau, tình hình sẽ ổn định hơn trong tương lai. Nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ khôi phục trở lại".

"Thị trường có được sự trợ giúp toàn lực từ Cục dự trữ liên bang (Fed)… dòng tiền chảy vào thị trường tín dụng thật đáng kinh ngạc. Thị trường vốn đang rộng mở. Doanh nghiệp đang dần hoàn thành các đợt phát hành công khai lần đầu (IPO) và chào bán thêm cổ phiếu ra thị trường", ông DeSanctis nói thêm.

Theo CNBC, kể từ khi thị trường tín dụng gặp khó khăn vào tháng 2, Fed đã liên tục tung các chương trình để giữ cho thị trường hoạt động trôi chảy, bao gồm: cấp thêm vốn cho thị trường cho vay ngắn hạn, mua trái phiếu Kho bạc, thương phiếu, trái phiếu địa phương và lên kế hoạch mua trái phiếu doanh nghiệp.

Fed đã hạ lãi suất điều hành xuống 0 và hứa sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp đỡ thị trường, bất chấp bảng cân đối kế toán của cơ quan này đã phình to đến 7.100 tỉ USD.

Nhờ vào sự can thiệp của Fed trên thị trường, doanh nghiệp Mỹ đã phát hành hơn 1.000 tỉ USD nợ mới với tốc độ nhanh gấp đôi so với năm ngoái, và chỉ cần phải trả lãi suất tương đối thấp.

Nhờ vậy, giới doanh nghiệp đã có thể tái cấu trúc các khoản nợ hiện tại và tích trữ tiền mặt để chống chọi với cuộc khủng hoảng COVID-19. Ví dụ, Amazon đã phát hành 10 tỉ USD trái phiếu mới hôm 1/6, trong đó lợi suất trái phiếu kì hạn ba năm là 0,4%.

Chuyên gia đầu tư Desanctis nói: "Sự hỗ trợ của Fed có tác động vượt trội hơn hẳn những gì đang xảy ra. Bất ổn xã hội chỉ có thể gây ra tác động lớn tới thị trường sau hai tuần nữa nếu các cuộc biểu tình khiến số ca nhiễm COVID-19 tăng lên và làm chậm tiến trình cửa".

Bà Lori Calvasina, Giám đốc đầu tư tại Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) cho rằng các cuộc biểu tình có thể trở thành vấn đề đối với cổ phiếu nếu chúng có tác động đáng kể đến niềm tin của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp, trong bối cảnh nền kinh tế đang mở cửa trở lại.

Thị trường cũng đang theo dõi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, nhưng phần lớn các tin tức tiêu cực cũng bị lờ đi.

Bà Calvasina nói: "Thị trường dường như đang nhận được sự hỗ trợ không ngừng nghỉ từ Fed. Liệu sự nâng đỡ từ Fed có đủ để bù đắp cho các tin tức tiêu cực không? Fed đã hành động với khả năng lãnh đạo tốt, nhanh chóng và mạnh mẽ. Fed đã làm mọi thứ có thể, và các động thái của họ đang phát huy tác dụng. Có lẽ mọi chuyện chỉ đơn giản như vậy thôi".

Một số nhà phân tích Phố Wall đã chỉ ra sự tương đồng giữa tình trạng bất ổn xã hội hiện nay và tình hình năm 1968. Trong năm 1968, biểu tình và bạo loạn cũng nổ ra khắp nước Mỹ, hai nhà lãnh đạo dân quyền là mục sư Martin Luther King và ứng viên tổng thống Robert Kennedy đều bị ám sát.

Sau khi chỉ số S&P 500 giảm 9% từ tháng 1 đến tháng 3, thị trường đã tăng 24% và kết thúc năm 1968 với mức tăng 7,6% so với đầu năm.

Tuy vậy, ông Barry Knapp, quản lí tại Ironsides Macroeconomics cho rằng năm 1958 hoặc 1980 sẽ là những sự so sánh chính xác hơn. "Trong cả hai năm, Mỹ đều trải qua cuộc suy thoái sâu nhưng ngắn. Nguyên nhân của cuộc suy thoái năm 1980 là chính sách của chính phủ. Tổng thống Jimmy Carter đã thiết lập kiểm soát tín dụng cho nền kinh tế".

"Đợt bán tháo trong năm 1980 kéo dài hơn 7 ngày so với đợt bán tháo năm 2020, nhưng thị trường đã phục hồi ngay trước cuộc bầu cử".

Hai chuyên gia đầu tư DeSanctis và Knapp đều đồng ý rằng vẫn có khả năng thị trường sẽ sụt giảm nhẹ. Nhưng cả hai đều kì vọng thị trường sẽ tiếp tục hồi phục, và tiền từ nhà đầu tư sẽ được đổ sang cổ phiếu theo chu kì mà chưa tăng giá mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/6, chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên 3.082 điểm. Tính từ đáy ngày 23/3, S&P 500 đã bật tăng hơn 40%. Chứng chỉ quĩ ETF theo dõi các nhóm cổ phiếu bán lẻ trên S&P 500 tăng nhẹ so với hôm trước, dù cho nhiều cửa hàng bán lẻ tại những khu vực xảy ra biểu tình đã bị cướp phá và buộc phải đóng cửa.

Cổ phiếu hàng không tăng khoảng 1,6%, nhà đầu tư kì vọng rằng mọi người sẽ tăng cường đi lại bằng máy bay khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Giá cổ phiếu ngân hàng thương mại tăng 2,4%.

Ông Barry Knapp, đối tác tại Ironsides Macroeconomics cho rằng: "Đây là khởi đầu của một chu kì kinh doanh mới. Bạn không nên nhận định tiêu cực, cũng không nên tập trung vào định giá".

Giá các cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng bật tăng cùng với các cổ phiếu theo chu kì.

Chuyên gia đầu tư DeSanctis cho biết: "Sự khác biệt lớn trong năm nay là các cổ phiếu đầu cơ và tăng trưởng vẫn giữ giá trong giai đoạn thị trường đi xuống. Thông thường, giá của chúng sẽ lao dốc khi thị trường sụt giảm". 

Giang