|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bloomberg: Không phải chiến thuật nào của ông Trump với Trung Quốc cũng khôn ngoan

06:09 | 02/06/2020
Chia sẻ
Bloomberg lập luận, trong khi các biện pháp trả đũa về thương mại của Mỹ có thể gây thiệt hại cho Trung Quốc thì những hạn chế về đầu tư có thể đẩy Mỹ rơi vào một chiếc bẫy tai hại.
Bloomberg: Không phải chiến thuật nào của ông Trump với Trung Quốc cũng khôn ngoan - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Wall Street Journal)

Mối quan hệ Mỹ - Trung vẫn đang tiếp tục xấu đi. Tháng trước, chính quyền Tổng thống Trump đã siết chặt qui định nhằm làm gián đoạn chuỗi cung ứng chất bán dẫn của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies.

Cụ thể, vào ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch sửa đổi Qui định Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài, theo đó các sản phẩm bên ngoài nước Mỹ nhưng sử dụng công nghệ Mỹ cũng sẽ thuộc danh mục "sản phẩm trực tiếp" của Mỹ và do đó phải tuân theo qui định xuất khẩu của Mỹ.

Với thay đổi mới, Huawei không còn có thể mua chip từ nhà cung ứng chất bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC vì TSMC sản xuất chip cho Huawei bằng các thiết bị mua của các công ty Mỹ như Applied Materials và Teradyne.

Ngoài ra, Washington còn thêm 33 công ty Trung Quốc vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, hạn chế các công ty này tiếp cận công nghệ Mỹ.

Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật có thể hủy niêm yết các công ty Trung Quốc trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, Tổng thống Trump thì yêu cầu quĩ hưu trí chính của chính phủ liên bang không đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc.

Trong khi các hạn chế về thương mại của Washington có thể gây hại cho Bắc Kinh thì những động thái về đầu tư lại không được như thế.

Trung Quốc không có nhiều cơ hội chống đỡ về thương mại

Theo Bloomberg, Trung Quốc không ngay lập tức trả đũa các lệnh hạn chế thương mại vì một lí do: Bắc Kinh không có quyền thương lượng. Hiện tại, đất nước tỉ dân vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn chip nhập khẩu, còn trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu.

Năm ngoái, thâm hụt thương mại của Trung Quốc về bảng mạch tích hợp đạt 200 tỉ USD, cao hơn hai lần so với một thập kỉ trước đó.

Qui định mới của chính phủ Mỹ có thể cản trở tham vọng giành ngôi vương công nghệ của Bắc Kinh, trong đó đáng chú ý nhất là kế hoạch đầu tư khoảng 1.400 tỉ USD trong vòng 6 năm để triển khai cả mạng 5G lẫn trí tuệ nhân tạo (AI) mà Quốc hội Trung Quốc công bố tuần trước.

Chẳng hạn, công ty FiberHome Technologies Group - bị liệt vào danh sách đen ngày 22/5, là nhà cung ứng thiết bị mạng 5G quan trọng ở đất nước tỉ dân. Dữ liệu từ công ty môi giới CLSA cho hay FiberHome hiện đã giành được 31% hợp đồng cơ sở hạ tầng mạng 5G từ China Mobile - nhà cung cấp dịch vụ mạng di động lớn nhất Trung Quốc.

56% hợp đồng còn lại của China Mobile đã về tay Huawei. Nhà cung ứng chip lớn nhất thế giới TSMC được cho là đã hoãn các đơn hàng mới cho Huawei.

Thay đổi mới buộc Huawei phải chuyển sang dùng linh kiện của các hãng sản xuất kém tiên tiến hơn hoặc thậm chí là từ các hãng thiết kế chip di động ngay tại quê nhà Trung Quốc.

Lĩnh vực đầu tư là một câu chuyện khác

Mặt khác, buộc doanh nghiệp Trung Quốc hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ là không hiệu quả.

Vấn đề là Bắc Kinh không muốn cho phép Ủy ban Giám sát Hoạt động Kiểm toán Công ty Đại chúng (PCAOB) điều tra các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. PCAOB được lập ra nhằm quản lí hoạt động của các công ty kiểm toán sau vụ bê bối Enron năm 2001.

Tạp chí Fortune từng xếp hạng công ty năng lượng Enron (đặt trụ sở tại Texas) là công ty sáng tạo nhất nước Mỹ trong 6 năm liên tiếp (1995 - 2000). Tuy nhiên, đến tháng 11/2001, giá cổ phiếu của tập đoàn này bất ngờ lao dốc xuống còn chưa đầy 1 USD sau khi khoản nợ hàng tỉ USD bị bại lộ.

Enron đành phải tuyên bố phá sản và kéo theo đó là sự sụp đổ của Arthur Andersen - một trong 5 đại gia kiểm toán và kế toán lớn nhất thế giới. Không chỉ là vụ phá sản liên doanh lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ vào thời điểm đó, bê bối Enron còn được coi là thất bại kiểm toán lớn nhất mọi thời đại.

Theo Bloomberg, Trung Quốc đã thể hiện quan điểm của mình thành luật: Khoản 177 trong luật chứng khoán Trung Quốc (có hiệu lực vào tháng 3 năm nay) nêu rõ các cơ quan quản lí nước ngoài không thể trực tiếp kiểm tra các công ty Trung Quốc hoặc thu thập bằng chứng trên lãnh thổ Trung Quốc.

Bắc Kinh đang tìm mọi cách thu hút các công ty công nghệ hàng đầu trở về quê nhà. Tương tự tại thị trường Mỹ, các tài sản chất lượng cho lợi nhuận tốt đang ngày càng khan hiếm tại Trung Quốc sau nhiều năm duy trì môi trường lãi suất thấp.

Chẳng hạn, quĩ thị trường tiền tệ YuE Bao trị giá 1.300 tỉ nhân dân tệ (182 tỉ USD) của Alibaba Group Holding hiện nay chỉ cho lợi suất 1,55%, trong khi năm ngoái là 2,3%.

Tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng hạn chế cho các công ty muốn niêm yết chéo, mở rộng vòng tay chào đón các doanh nghiệp Mỹ sở hữu vốn hóa trung bình và lợi thế công nghệ đến thị trường tỉ dân.

Cho phép các công ty chất lượng quay trở về thị trường Trung Quốc là một cái bẫy mà Mỹ không nên rơi vào, Bloomberg nhấn mạnh.

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.