|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ thêm 33 tổ chức Trung Quốc vào danh sách cấm vận kinh tế

13:58 | 23/05/2020
Chia sẻ
Ngày 22/5, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ cấm vận kinh tế 33 doanh nghiệp và tổ chức Trung Quốc với cáo buộc giúp đỡ Bắc Kinh trong giám sát người Duy Ngô Nhĩ hoặc có liên quan tới vũ khí hủy diệt hàng loạt và quân đội Trung Quốc.

Theo Reuters, lệnh cấm vận mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra là bước đi mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump trong việc trừng phạt các tổ chức hỗ trợ hoạt động quân sự của Trung Quốc và bị cho là vi phạm nhân quyền của người Hồi thểu số.

Lệnh cấm vận với 33 tổ chức này được Mỹ công bố đúng lúc quốc hội Trung Quốc đang họp và thảo luận về dự luật an ninh quốc gia mới dự kiến áp dụng cho Đặc khu hành chính Hong Kong.

7 doanh nghiệp và 2 tổ chức Trung Quốc được cho là "đồng lõa trong vi phạm nhân quyền" của người Duy Ngô Nhĩ. 24 doanh nghiệp, định chế nhà nước và tổ chức thương mại còn lại bị Mỹ cấm vận với cáo buộc cung cấp hàng hóa cho quân đội Trung Quốc sử dụng.

Mỹ thêm 33 tổ chức Trung Quốc vào danh sách cấm vận kinh tế - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters.

Các doanh nghiệp bị cấm vận tập trung chủ yếu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và nhận diện khuôn mặt – những lĩnh vực mà các công ty Mỹ như Nvidia hay Intel đều đã đầu tư rất lớn.

Một trong các công ty bị thêm vào danh sách đen đợt này là NetPosa – cái tên nổi tiếng trong làng AI (trí tuệ nhân tạo) Trung Quốc. Công ty con trong lĩnh vực nhận diện khuôn mặt của NetPosa bị cho là có liên quan đến hoạt động giám sát người Hồi thiểu số.

Một công ty khác bị cấm vận là Qihoo360 – hãng an ninh mạng lớn từng niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Tuy nhiên vào năm 2015, Qihoo360 đã hủy niêm yết và chuyển từ công ty đại chúng thành doanh nghiệp tư nhân.

Gần đây, Qihoo360 tuyên bố đã tìm được bằng chứng cho thấy các công cụ đột nhập mạng của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã được dùng để tấn công lĩnh vực hàng không Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết các hàng hóa sản xuất tại Mỹ hoặc tại nước ngoài nhưng sử dụng công nghệ Mỹ sẽ không được phép bán cho các doanh nghiệp trong danh sách cấm vận.

Các doanh nghiệp có thể nộp đơn xin phép giao dịch với công ty trong danh sách đen nhưng phải trải qua quá trình xem xét ngặt nghèo và phải chứng minh được giao dịch không gây tổn hại tới an ninh quốc gia Mỹ.

Công ty CloudMinds do tập đoàn SoftBank của Nhật Bản góp vốn cũng bị thêm vào danh sách cấm vận đợt này. CloudMinds vận hành một dịch vụ dựa trên thuật toán đám mây để chạy các robot.

Năm ngoái, CloudMinds đã bị cấm chuyển giao công nghệ hay thông tin kĩ thuật từ chi nhánh ở Mỹ về văn phòng ở Bắc Kinh. Hiện Reuters chưa nhận được bình luận nào từ Qihoo, NetPosa và CloudMinds.

Công ty bán dẫn Xilinx của Mỹ cho biết ít nhất một khách hàng của hãng này đã bị cấm vận tuy nhiên tin tưởng rằng ảnh hưởng tới hoạt động là không lớn.

"Xilinx đã nắm được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ mới thêm nhiều tổ chức vào danh sách cấm vận và đang đánh giá ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. Chúng tôi sẽ tuân thủ các qui định mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra", thông cáo của Xilinx viết.

Tháng 5/2019, Mỹ từng ban hành lệnh cấm vận tương tự với tập đoàn công nghệ Huawei với cáo buộc gián điệp, ăn cắp bí mật thương mại, đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Đến tháng 10/2019, Mỹ tiếp tục thêm 28 tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen với cáo buộc vi phạm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ. Đây là lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Trump áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế với lí do nhân quyền.

Trong số 28 tổ chức này này có 8 doanh nghiệp gồm 2 hãng sản xuất thiết bị giám sát là Hikvision và Dahua Technology, 6 công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là iFlytek, Megvii Technology, Sense Time, Yitu Technologies, công ty an ninh mạng Xiamen Meiya Pico Information và hãng cung cấp thiết bị chế tạo vi mô Yixin Science and Technology.

Đức Quyền

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.