Bỏ mục tiêu tăng trưởng,Trung Quốc chẳng mất gì mà còn được lợi
Trong những năm gần đây, giới quan chức Trung Quốc đã sử dụng những từ ngữ vòng vo khi nói về GDP mục tiêu. Điều này cho thấy có vẻ như họ khá mong muốn từ bỏ việc đề ra các mục tiêu xa vời rồi phải chật vật cố gắng hoàn thành.
Theo Bloomberg, báo cáo của của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước quốc hội có đoạn viết: "Đất nước chúng ta sẽ phải đối mặt với một số yếu tố khó lường trong quá trình phát triển, kết quả của những bất ổn lớn về đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới và môi trường thương mại".
Đại dịch COVID-19 đã mang đến cơ hội mà Bắc Kinh mong mỏi từ lâu. Trong những năm qua, Trung Quốc đã đặt các mục tiêu tăng trưởng GDP quanh mức 6%. Nhưng trong bối cảnh hoạt động kinh tế lao dốc như hiện nay, tốc độ tăng trưởng cao như vậy rõ ràng là xa vời, không thực tiễn.
Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu quá thấp sẽ làm suy yếu niềm tin vào khả năng đưa nền kinh tế hồi phục trở lại của giới lãnh đạo.
Từ bỏ mục tiêu GDP đồng nghĩa với việc Trung Quốc thừa nhận các hậu quả kinh tế của những nỗ lực kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, động thái này cũng giúp Bắc Kinh ngăn ngừa một vài sai lầm trong quá trình phục hồi.
Đáng chú ý, việc từ bỏ mục tiêu tăng trưởng giúp giảm bớt một số áp lực đòi hỏi nền kinh tế phải hồi phục nhanh chóng. Trung Quốc muốn thúc đẩy tăng trưởng sau khi GDP quí I lao dốc, nhưng cũng không muốn tung ra một gói kích thích khổng lồ.
Chi tiêu quá nhiều trong hiện tại có thể sinh ra rắc rối trong tương lai. Đây chính là bài học Trung Quốc đã rút ra sau cuộc Đại Suy thoái. Việc Bắc Kinh mạnh tay vung tiền để đưa đất nước tránh rơi vào khủng hoảng khiến các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước bị đè nặng với nợ nần.
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới đã chậm lại từ lâu trước khi COVID-19 bùng phát. Tăng trưởng GDP giảm dần từ 14,2% năm 2017 xuống còn 6,1% năm 2019.
Chừng nào mục tiêu còn tồn tại, các quan chức địa phương Trung Quốc sẽ cảm thấy họ bắt buộc phải đạt được hoặc thậm chí là vượt quá con số đề ra. Sự nghiệp của các quan chức gần như hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ tiêu này.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã bắt đầu cẩn trọng trong ngôn ngữ của mình. Vào năm 2019, Bắc Kinh đặt phạm vi tăng trưởng từ 6% đến 6,5%, đồng nghĩa với việc tạo ra một khoảng dao động để giúp các quan chức dễ điều chỉnh và xoay xở. Năm trước đó, mục tiêu là "khoảng" 6,5%.
Trong bối cảnh này, đại dịch có lẽ là chỉ đẩy nhanh một quá trình tất yếu. Theo ước tính của Bloomberg Economics, GDP Trung Quốc có thể sẽ chỉ tăng 2% trong năm nay.
Việc từ bỏ "nghi thức" chính sách này có thể còn mang lại lợi ích khác. Các quốc gia đối thủ của Trung Quốc đã nghi ngờ tính xác thực của các dữ liệu chính thức từ trước.
Có thể thấy rất rõ ràng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2020. So với năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc giảm 6,8% trong quí I, đánh dấu lần đầu tiên tăng trưởng âm kể trong 28 năm.
Bằng cách từ bỏ các ảo tưởng về mục tiêu tăng trưởng cao – hay chính xác hơn là từ bỏ hoàn toàn mục tiêu tăng trưởng - Bắc Kinh sẽ được rảnh tay để thực sự cứu vãn nền kinh tế.