|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế thời dịch biến ảo khôn lường, thước đo truyền thống không còn hữu dụng: Tìm đâu ra bộ số liệu mới?

12:29 | 27/04/2020
Chia sẻ
Nước Mỹ luôn đặt niềm tin vào số liệu thống kê. Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19, số liệu thống kê đã phụ lòng người Mỹ.

Bài học kép từ đại dịch COVID-19 dành cho Mỹ

Kiểm tra số liệu thống kê mới nhất về đại dịch COVID-19 đã trở thành thói quen thường ngày của nhiều người dân Mỹ. Số liệu khiến họ nửa an tâm nửa lo lắng. Tỉ lệ lây nhiễm dần chững lại đối với người này là một sự an ủi, trong khi với người khác là hồi chuông báo động về tình trạng thiếu hụt năng lực xét nghiệm.

Tuy nhiên, nhìn chung mọi người đều nhất trí rằng không có bộ dữ liệu nào chính xác hoàn toàn ở thời điểm hiện tại.

Trong bối cảnh đó, các chỉ số truyền thống mà giới chuyên gia dùng để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế Mỹ đột nhiên không còn phù hợp. Từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đến Phố Wall, giới phân tích đang chật vật tìm kiếm một bộ dữ liệu tần số cao để mô phỏng thiệt hại kinh tế theo thời gian thực và giúp điều hướng nỗ lực giải cứu nền kinh tế.

Cho nên, một bài học rút ra được từ COVID-19 chính là nước Mỹ không nên chỉ chuẩn bị tốt hơn để chống đỡ đại dịch mà còn cần phải đối phó với các cuộc suy thoái diễn ra nhanh chóng trong dịch bệnh.

Suy thoái đến nhanh và mạnh như vũ bão, Mỹ cần bộ dữ liệu kinh tế kịp thời hơn để chèo lái chính sách vượt qua khủng hoảng - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Đồ họa: César Pelizer/Bloomberg Businessweek

Tại cuộc họp định kì hai tháng một lần của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) hồi đầu tháng 3, các quan chức NHTW hàng đầu thế giới đã phải thừa nhận rằng mình đang mù tịt thông tin vì độ trễ trong thu thập dữ liệu kinh tế.

Bloomberg lấy ví dụ về báo cáo việc làm hàng tháng của Cục thống kê Lao động Mỹ - một tài liệu được nhà đầu tư theo dõi sát sao và có thể tác động mạnh đến thị trường. Do chỉ thu thập dữ liệu tính đến giữa tháng, trước khi nhiều thành phố và tiểu bang bắt đầu phong tỏa, báo cáo này cho biết trong tháng 3 Mỹ chỉ mất 710.000 việc làm.

Trong khi đó, một bộ dữ liệu khác là số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần cho thấy có hơn 17 triệu người Mỹ nộp hồ sơ để hưởng phúc lợi thất nghiệp từ đầu tháng 3 đến ngày 4/4.

Bản thân các số liệu xin trợ cấp thất nghiệp cũng có nhiều thiếu sót. Trên khắp nước Mỹ báo cáo nhiều trường hợp trang web bị sập và đường dây nóng liên tục quá tải vì có quá nhiều người nộp đơn xin hỗ trợ do mất việc làm.

Ngoài ra, tại các tiểu bang như Massachusetts và Oregon, lao động tự do cũng như người lao động trong nền kinh tế gig đều được yêu cầu tạm thời không nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp.

Lo ngại xoay quanh chất lượng báo cáo việc làm đã thúc đẩy một nhóm nhà kinh tế của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tự xây dựng chỉ số việc làm riêng bằng cách sử dụng dữ liệu từ công ty nghiên cứu ADP. Theo Bloomberg, ADP có thể bao quát số liệu hàng ngày của khoảng 20% doanh nghiệp Mỹ.

Theo tính toán của nhóm nhà kinh tế trên, Mỹ đã mất ròng 13 triệu việc làm chỉ trong hai tuần cuối tháng 3. Tuy nhiên, nhóm này cũng thừa nhận rằng nếu sử dụng một phương pháp thống kê khác, kết quả cuối cùng có thể lên đến 23 triệu việc làm.

Các chuyên gia phân tích của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng phải rất sáng tạo khi đưa ra dự báo kinh tế năm 2020. Theo báo cáo cập nhật công bố vào đầu tháng 4, IMF ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay.

Để ra được con số đó, IMF giả định các nền kinh tế bị đại dịch quấy phá nghiêm trọng nhất sẽ mất khoảng 8% số ngày làm việc do các lệnh yêu cầu làm việc tại nhà cũng như do một số biện pháp ngăn dịch khác.

Đối với Mỹ, điều đó có nghĩa là người lao động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chỉ làm việc trong khoảng 230 ngày thay vì mức tiêu chuẩn là 250 ngày hoặc hơn như trước. Trên thực tế, 20 ngày làm việc bị mất đã được tính ít đi so với số ngày thực hiện các biện pháp chống dịch dự kiến, vì một số doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động dù lệnh phong tỏa đang có hiệu lực. Nhưng nếu phong tỏa kéo dài 30 ngày hoặc hơn thì sao?

Tốc độ và qui mô chưa từng có của cuộc suy thoái lần này khiến các cơ quan dự báo gần như không thể đánh giá chính xác mức độ thiệt hại của đại dịch COVID-19. Fed chi nhánh Philadelphia gần đây đã tạm ngừng công bố các chỉ báo kinh tế sớm ở cấp tiểu bang vì "tác động cực đoan" của tình trạng thất nghiệp do COVID-19 khiến công tác dự báo cho 6 tháng tới không còn đáng tin cậy.

Một số cơ quan dự báo khác lại đang phụ thuộc nhiều vào các tài liệu trong quá khứ để đánh giá tác động của COVID-19. Vì vậy Bloomberg cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi các dự đoán mới nhất của các nhà phân tích tại nhiều ngân hàng và công ty xếp hạng tín dụng lại chênh lệch nhau một trời một vực.

Theo thống kê của Bloomberg, hiện có khoảng 20 ước tính cho tăng trưởng GDP quí II của Mỹ, dao động từ -65% đến +0,4%.

Khi thời gian không còn tính bằng quí mà theo "TCN và SCN"

Công việc dự đoán tương lai có thể sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta biết chắc chắn những gì vừa xảy ra trong quá khứ. Đo lường GDP của Mỹ là một bài toán cân não, và trong một năm bình thường, các quan chức tại Cục Phân tích Kinh tế Mỹ thường không có gì phải vội vàng.

Để nhận được ước tính GDP sơ bộ cho ba tháng đầu năm 2020, giới quan sát phải đợi cho đến ngày 29/4. Nhưng trong giai đoạn mà thời gian không còn tính theo quí mà theo TCN và SCN (trước corona và sau corona) thì việc phải đợi đến cuối tháng 4 mới biết tình hình quí I sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Ngoài ra, số liệu sơ bộ cho quí II mà thế giới đang rất quan tâm sẽ phải đến cuối tháng 7 mới được công bố, khi đó có lẽ đã quá muộn để hỗ trợ cho các nhà hoạch định chính sách.

Mong muốn có được dữ liệu kinh tế kịp thời của chúng ta đang thúc đẩy giới chuyên gia tìm hiểu các biện pháp thống kê tần số cao, hay các chỉ số thay thế. Các nhà kinh tế và giới đầu tư đang xem xét kĩ lưỡng mọi thứ từ lịch đặt chỗ nhà hàng, khách sạn và vé máy bay (đang trong xu hướng giảm) đến mức tiêu thụ điện năng (cũng giảm) và chi tiêu thẻ tín dụng (không nằm ngoài xu hướng đi xuống).

Hay nói cách khác, đó là lí do tại sao mọi người đều đang học theo kinh nghiệm của ông Lý Khắc Cường.

Một trong những thông tin mà thế giới biết được sau vụ lùm xùm dữ liệu WikiLeaks năm 2010 về mạng lưới ngoại giao của Mỹ là ông Lý Khắc Cường - hiện là Thủ tướng Trung Quốc, không tin tưởng vào dữ liệu kinh tế của đất nước tỉ dân, ít nhất là vào 3/2007.

Tháng 3/2007, ông Lý Khắc Cường - khi đó còn là lãnh đạo tỉnh Liêu Ninh, đã nói với đại sứ khách mời Clark Randt từ Mỹ đến thăm Trung Quốc rằng số liệu GDP của Bắc Kinh là do "con người bịa ra".

Ông Lý cho hay ông đã phát triển thước đo của riêng mình dựa trên dữ liệu mà ông xem là đáng tin cậy hơn, chẳng hạn như mức tiêu thụ điện năng, khối lượng hàng hóa vận chuyển theo đường sắt và vay vốn ngân hàng.

Chia sẻ với khách mời Clark Randt khi đó, ông Lý Khắc Cường mỉm cười: "Tất cả các số liệu khác, đặc biệt là GDP, chỉ dùng để tham khảo". Sau khi thông tin này bị rò rỉ, các hãng thông tấn và cung cấp dữ liệu bao gồm Bloomberg và The Economist đều học theo ông Lý Khắc Cường trong việc lập ra các chỉ số kinh tế mới.

Giờ đây trong đại dịch COVID-19, Bloomberg và các tổ chức khác cũng đang cố làm điều tương tự. Quan trọng hơn hết là các dữ liệu thay thế đều phải được xử lí cẩn thận, nếu không có thể dẫn đến đường lối chính sách sai lầm.

Yên Khê