|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

4 lí do khiến ngành bán lẻ của Mỹ khó hồi phục được như của Trung Quốc

06:27 | 25/04/2020
Chia sẻ
Ngành bán lẻ của Mỹ đang quan sát Trung Quốc để tìm cách kích thích người tiêu dùng rút ví mua sắm sau khi đại dịch COVID-19 lắng dịu, tuy nhiên lấy thị trường tỉ dân làm hình mẫu có lẽ không phải là ý tưởng khôn ngoan cho Mỹ.

Khởi phát tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), đại dịch COVID-19 đã buộc vô số cửa hàng kinh doanh trên khắp thế giới phải đóng cửa và khiến hàng triệu người lao động trong ngành bán lẻ mất việc.

Theo cập nhật mới nhất từ Đại học Johns Hopkins tính đến tối ngày 24/4 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 2,7 triệu ca nhiễm và hơn 192.000 ca tử vong do COVID-19.

Bà Deborah Weinswig - Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập của công ty nghiên cứu Coresight Research, cho biết người tiêu dùng Trung Quốc đang "mua sắm bù" sau một thời gian dài nhu cầu bị dồn nén.

Tuy nhiên, sự tái xuất của ngành bán lẻ Mỹ có thể diễn ra theo hướng khác, vì tình trạng thất nghiệp đang gia tăng, các cửa hàng không thiết yếu tiếp tục đóng cửa và du lịch quốc tế còn hạn chế.

"Nước Mỹ có 50 tiểu bang, vận hành như 50 quốc gia nhỏ", bà Weinswig nói. "Tỉ lệ thất nghiệp lên đến 11% là điều chưa bao giờ xảy ra ở Trung Quốc".

CNBC đã tổng hợp 4 lí do tại sao doanh nghiệp bán lẻ tại Mỹ không nên kì vọng ngành này sẽ "tái sinh" như tại Trung Quốc.

Người dân Trung Quốc chưa được hưởng một cái Tết trọn vẹn, nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén

Mỹ muốn học Trung Quốc cách phục hồi ngành bán lẻ nhưng có 4 lí do khiến việc bất thành - Ảnh 1.

Đèn lồng treo đỏ rực trên phố và mua sắm Tết là điều mà người dân Trung Quốc không thể trải nghiệm trong năm nay. (Ảnh: EPA)

Khách mua sắm đeo khẩu trang kín mặt đang xếp hàng quay trở lại các cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc. Họ mua nhiều mĩ phẩm và quần áo mới tinh, mang đến cho các nhà bán lẻ một tia hi vọng rằng xu hướng tương tự sẽ xuất hiện trên khắp nước Mỹ.

Tuy nhiên, hoạt động tiêu dùng tại thị trường tỉ dân tăng vọt sau đại dịch phần lớn là do nhiều người tiêu dùng đã phải hoãn mua sắm quà Tết khi COVID-19 ập đến vào cuối tháng 12 năm ngoái.

Người dân Trung Quốc thường lì xì cho nhau để mừng năm mới đến. Tuy nhiên, đại dịch bùng phát, buộc nhiều tỉnh thành trên cả nước phải phong tỏa ngay trước khi kì nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu.

Cho nên, người tiêu dùng Trung Quốc đã phải dành suốt kì nghỉ để cách li trong nhà, tay cầm tiền và mong mỏi khi các cửa hiệu mở cửa trở lại, CNBC dẫn lời Giám đốc Jian Li của AlixPartners cho hay.

Ông Jian Li nói: "Người tiêu dùng ở đất nước tỉ dân đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ nên mua gì".

Dù vậy, câu chuyện đối với nhiều người tiêu dùng ở Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới lại không như thế.

"Khi quan sát thị trường bán lẻ Trung Quốc, có một điều chúng ta nên đặc biệt thận trọng. Cụ thể, Trung Quốc đang nhận ra rằng nhu cầu của người tiêu dùng bị dồn nén vì nhiều người chưa được trải nghiệm kì nghỉ Tết Nguyên đán 2020", ông Steve Barr - Giám đốc quản lí mảng bán lẻ và tiêu dùng tại Mỹ của PwC cho hay.

"Tết Nguyên đán là một trong các dịp mua sắm mạnh tay nhất của người tiêu dùng Trung Quốc, thậm chí có thể là dịp chi tiêu lớn nhất trong năm", ông Barr nói thêm.

Người dân Trung Quốc bó gối ở nhà vì chưa thể đi du lịch

Sau khi đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc lắng dịu, ngành bán lẻ hàng xa xỉ đang vực dậy mạnh mẽ.

LVMH - chủ sở hữu thương hiệu Louis Vuitton, cho biết người tiêu dùng đã đổ xô đến các cửa hàng của họ tại Trung Quốc đại lục khi nhiều chi nhánh mở cửa trở lại vào tháng trước.

Trong nửa cuối tháng 3, doanh số của đa số thương hiệu LVMH tại Trung Quốc như Dior và Fendi đã chuyển biến tích cực so với cùng kì năm ngoái, Giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony thông tin hồi tuần trước.

Trong tháng này, một số thương hiệu của LVMH tại Trung Quốc đại lục ghi nhận doanh số tăng hơn 50%, ông Guiony nói thêm.

Tuy nhiên, CNBC nhận thấy ngành bán lẻ hàng xa xỉ của Mỹ có thể mất nhiều thời gian để phục hồi hơn, đặc biệt là khi hoạt động du lịch quốc tế đang đình trệ. Trong giai đoạn ổn định, du khách Trung Quốc thường chiếm lưu lượng cao nhất và chi tiêu mạnh tay nhất tại Mỹ.

Hàng loạt công ty như chuỗi cửa hàng Macy's đến thương hiệu trang sức cao cấp Tiffany & Co. đều phụ thuộc nhiều vào du khách Trung Quốc, đặc biệt là tại các trung tâm thương mại hàng đầu tại thành phố New York.

Tuy nhiên, khách du lịch Trung Quốc "đang không đi đâu cả", bà Weinswig của Coresight nói.

Các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ tiếp tục "cửa đóng then cài"

Ngành bán lẻ tại Mỹ phải ngưng hoạt động lâu hơn Trung Quốc. Tình trạng đó có thể kéo theo một số tác động dài hạn, chẳng hạn như nhiều cửa hiệu đóng cửa lâu hơn và người tiêu dùng hình thành thói quen mua hàng trực tuyến.

Theo thống kê của Coresight Research, các cửa hàng bán lẻ tại một số khu vực của Trung Quốc đã đóng cửa khoảng 4 tuần. Lululemon, Apple và Uniqlo bắt đầu mở lại một số chi nhánh ở Trung Quốc vào tuần bắt đầu từ ngày 16/2.

Tuy nhiên, nhiều cửa hàng bán lẻ không thiết yếu tại Mỹ hiện đã đóng cửa đến tuần thứ 6. Làn sóng đóng cửa bắt đầu vào ngày 13/3, khi thương hiệu Patagonia tuyên bố sẽ tạm thời đóng cửa toàn bộ cửa hàng của hãng.

Chính quyền các tiểu bang đang cân nhắc bước đi tiếp theo: Có quá sớm khi mở cửa trung tâm thương mại lại hay không? Liệu mọi người đã an toàn khi ra ngoài uống cà phê? Có nên mở cửa salon làm móng hay phòng tập thể dục chưa?

Đầu tháng này, Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ "ủy quyền" cho thống đốc các bang tự lên kế hoạch mở cửa nền kinh tế từng bang. Một số quan chức cho rằng còn quá sớm để làm như vậy khi mà năng lực xét nghiệm chưa tăng lên.

Coresight ước tính nhiều cửa hàng tại Mỹ sẽ phải đóng cửa ít nhất là cho đến ngày 10/5, dù vậy kịch bản này còn quá khả quan. Ở kịch bản khả thi nhất, phần lớn ngành bán lẻ sẽ đóng cửa cho đến tháng 6.

Tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng, người dân không có tiền mua sắm

Toàn bộ thành tựu việc làm mà nước Mỹ đạt được từ Đại suy thoái (2008 - 2009) đã bị quét sạch. Trong 5 tuần qua, tổng cộng 26,45 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Không có tiền lương, nhiều người tiêu dùng sẽ không muốn đến trung tâm thương mại. Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tháng 3 đã sụt giảm 8,7% so với cùng kì năm ngoái - mức giảm mạnh nhất kể từ khi chính phủ Mỹ bắt đầu thống kê số liệu vào năm 1992. Số liệu của tháng 4 dự kiến còn thê thảm hơn.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ ghi nhận khoảng 5 triệu người mất việc trong hai tháng đầu năm 2020. Mặc dù đều thiệt hại nặng nề, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã làm tốt trong việc giữ cho người dân có công ăn việc làm.

Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp thường giảm lương trước khi thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn như cắt giảm nhân sự.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.