Bloomberg: Mỹ dẫn đầu đà giảm kinh tế toàn cầu năm 2020, Trung Quốc đẩy tăng trưởng đi lên năm 2021
Mỹ kéo tụt kinh tế thế giới trong năm 2020
Là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới, Mỹ được dự đoán sẽ chiếm 31% mức sụt giảm trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế toàn cầu năm nay, Bloomberg tính toán dựa theo dữ liệu của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Con số trên cao gấp hơn hai lần tỉ trọng của nền kinh tế Mỹ trong sản lượng kinh tế toàn cầu. Về tổng thể, IMF dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ giảm tốc 3% trong năm 2020 - mức sụt giảm mạnh nhất trong gần một thế kỉ, và sau đó tăng vọt gần 6% vào năm 2021.
"Mặc dù kiểm soát đại dịch là rất cần thiết, các lệnh phong tỏa và hạn chế di chuyển đang gây hậu quả tương đối nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế. Từ đó, tâm lí tiêu cực nhiều khả năng sẽ đè nặng lên triển vọng kinh tế hơn nữa", IMF phát biểu về báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố trong tuần này.
Theo Bloomberg, Đức và Nhật Bản sẽ chiếm tỉ trọng cao thứ hai và thứ ba trong mức sụt giảm GDP của nền kinh tế toàn cầu năm nay, lần lượt chiếm 7,7% và 7,1%.
Nền kinh tế Mỹ đã bị đại dịch tàn phá nặng nề. Đến nay, Mỹ đang có hơn 667.000 ca xác nhận nhiễm COVID-19 và hơn 32.800 ca tử vong. Italy xếp thứ hai với khoảng 169.000 ca nhiễm và 22.000 ca tử vong.
Dữ liệu kinh tế cho thấy kịch bản tồi tệ nhất vẫn chưa xuất hiện. Trong tháng 3, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Mỹ đã ghi nhận mức sụt giảm kỉ lục và gần như mọi tiểu bang trên khắp đất nước đều yêu cầu người dân ở yên trong nhà.
Trong một nghiên cứu, JPMorgan Chase dự báo GDP quí II của nền kinh tế Mỹ sẽ giảm 40% so với cùng kì năm ngoái. Trong cả năm 2020, IMF dự đoán GDP sẽ giảm 5,9% tại Mỹ; 9,1% tại Italy; 7% tại Đức; và 5,2% tại Nhật Bản.
Bloomberg nhận định kết quả ảm đạm của 4 nền kinh tế nêu trên sẽ được bù đắp phần nào nhờ mức tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ - hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vào tháng 1, trước khi đại dịch COVID-19 lan rộng, IMF ước tính kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay và 3,4% trong năm 2021.
Dự báo này giảm nhẹ so với ước tính tăng trưởng 3,4% mà IMF công bố hồi tháng 10 năm ngoái dưới "những tác động tiêu cực và bất ngờ đối với hoạt động kinh tế ở một số thị trường mới nổi" và ảnh hưởng của tình trạng bất ổn xã hội gia tăng.
Trung Quốc sẽ là cỗ máy vực dậy nền kinh tế thế giới trong năm 2021
Vào năm 2021, IMF nhận thấy nền kinh tế thế giới có thể phục hồi đáng kể và tăng trưởng 5,8% - mức cao nhất trong thống kê của IMF kể từ năm 1980. Trung Quốc sẽ dẫn đầu, đóng góp 29,2% vào mức tăng trong tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Mỹ xếp thứ hai với 12,8%, Ấn Độ, Indonesia và Đức là ba nước còn lại của top 5.
Ông Bill Lee - nhà kinh tế trưởng tại Viện Milken, nói về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed): "Mặc dù giải ngân hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp chậm nhưng những nỗ lực phi thường của Fed sẽ đảm bảo cho thị trường tài chính hoạt động trơn tru và có đủ thanh khoản cho nền kinh tế Mỹ phục hồi sau cuộc khủng hoảng y tế".
IMF ước tính Trung Quốc sẽ tăng trưởng 9,2% trong năm 2021, trong khi mức tăng trưởng của năm 2020 chỉ là 1,2%. Kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm sau - mạnh nhất kể từ năm 1999.
Tăng trưởng kinh tế được dự đoán sẽ khá mạnh mẽ và diễn ra trên diện rộng, tuy nhiên "thiệt hại lũy kế cho GDP toàn cầu trong hai năm 2020 và 2021 mà đại dịch COVID-19 gây ra có thể rơi vào khoảng 9.000 tỉ USD, lớn hơn cả nền kinh tế Nhật Bản và Đức gộp lại", bà Gita Gopinath - nhà kinh tế trưởng của IMF, nhận định.
Dù vậy, một số chuyên gia cảnh báo rằng triển vọng kinh tế của IMF còn quá tươi sáng.
Ông Ehtisham Admad - cựu cố vấn cấp cao của IMF, cho hay: "Dự báo cho năm 2021 lạc quan quá đà khi mà nhiều nền kinh tế lớn chưa thấy đáy của cuộc khủng hoảng lần này".