|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc chiến ngoại giao thời dịch bệnh: Trung Quốc chiếm thế thượng phong nhưng Mỹ còn cơ hội lật ngược thế cờ

06:23 | 24/04/2020
Chia sẻ
Trung Quốc đang tạm thời dẫn trước trong cuộc chiến ngoại giao thời COVID-19 bằng cách gửi thiết bị y tế và y bác sĩ để hỗ trợ các quốc gia chống dịch. Nhưng Mỹ vẫn có thể đảo ngược tình thế bằng cách tận dụng và tăng cường các mạng lưới nghiên cứu chống đại dịch với các nước Đông Nam Á.
Mỹ có thể thắng Trung Quốc trong cuộc chiến ngoại giao y tế - Ảnh 1.

Hình minh họa: Nikkei Asian Review

Các nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19 đã mở ra một cuộc đấu tranh quyền lực mới giữa Mỹ và Trung Quốc: ngoại giao y tế.

Mặc cho những sai lầm ban đầu về cách ứng phó và sự thiếu minh bạch, Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua ngoại giao y tế nhờ vào việc gửi khẩu trang, thiết bị y tế và bác sĩ tới những quốc gia bị ảnh hưởng nặng vì COVID-19.

Nhưng Mỹ chưa hoàn toàn thua cuộc: cường quốc số một thế giới vẫn còn các biện pháp khác để tái khẳng định ảnh hưởng ở châu Á và củng cố ngôi vị lãnh đạo toàn cầu.

Giờ đây, khi tình hình đại dịch COVID-19 ở trong nước đã phần nào được kiểm soát, Trung Quốc đang khai thác những thiếu sót trong năng lực lãnh đạo và hỗ trợ các quốc gia khác của Mỹ.

Theo Nikkei Asian Review, trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã gửi bác sĩ, máy thở và hàng trăm nghìn khẩu trang tới châu Âu (mặc dù một số nước đã khiếu nại về chất lượng đồ viện trợ).

Tỉ phú Jack Ma quyên góp 500.000 bộ xét nghiệm và 1.000.000 khẩu trang cho Mỹ. Tỉ phú Robert Kraft gửi máy bay của đội bóng đá Mỹ của mình đến Trung Quốc để mang về 1,2 triệu khẩu trang cho Boston.

Ý đồ ngoại giao của Trung Quốc là khá rõ ràng. Lối biểu diễn quyền lực mềm này, dù ban đầu được coi là trò phô trương quan hệ công chúng, đã cho phép Trung Quốc che lấp các thất bại ban đầu trong cách xử lí COVID-19, khoác lên mình bộ dạng của một người làm ơn đối với các quốc gia khác. Trong khi đó, Mỹ lại có vẻ vô trách nhiệm và không đáng tin cậy.

Nhưng Mỹ và các quốc gia hàng đầu trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã có một mạng lưới hợp tác từ trước. Quan hệ hợp tác chặt chẽ không chỉ giúp các quốc gia này dẫn đầu trong các biện pháp y tế - ngoại giao, mà còn tạo ra thế chủ động trong việc đối phó với các đại dịch trong tương lai.

Trong nhiều thế kỉ, Mỹ và các đối tác Đông Nam Á đã bắt tay nhau để nghiên cứu, khảo sát và phát triển các biện pháp can thiệt để giảm thiểu mối nguy hại của bệnh truyền nhiễm.

Cả Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Thái Lan và quân đội nước này để tăng cường năng lực phát hiện, phòng ngừa và kiểm soát các căn bệnh có thể nhanh chóng lan ra khỏi biên giới Đông Nam Á.

Trung tâm nghiên cứu y tế hải quân Mỹ - châu Á là một cơ sở hợp tác mới giữa Mỹ và các nhà khoa học Singapore nhằm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm. Những nỗ lực này có thể góp phần nhanh chóng xác định nguy cơ tiếp theo, ngăn chặn nó bùng phát thành một đại dịch như COVID-19.

Mỹ cũng có các chương trình hợp tác nghiên cứu tương tự với Campuchia, Lào và Việt Nam. Sự cộng tác giữa Mỹ và những quốc gia Đông Nam Á sẽ giúp tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ tiên tiến và dịch vụ chẩn đoán bệnh truyền nhiễm. Tất cả các yếu tố này sẽ đóng vai trò quan trọng trong trường hợp xảy ra một đại dịch trong tương lai.

Mỹ nên ưu tiên và mở rộng các mối quan hệ với các nước Đông Nam Á, để có thể công khai thể hiện sức mạnh và cho thế giới thấy những gì Mỹ đang làm trong khu vực.

Nhiều khả năng, Đông Nam Á sẽ trở thành nơi khởi phát của một đại dịch trong tương lai không xa. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 6 loại virus corona chủng mới trong dơi ở Myanmar.

Việc Mỹ đẩy mạnh những nỗ lực hợp tác với các nước Đông Nam Á có thể sẽ giúp ngăn cản viễn cảnh thế giới gặp phải khủng hoảng y tế như hiện nay.

Ngoài ra, Mỹ có thể học hỏi từ các đối tác của mình, và áp dụng những biện pháp phòng chống dịch đã được triển khai tại Đài Loan và Hàn Quốc.

Nhờ vào những bài học từ đại dịch SARS năm 2003, Đài Loan đã bắt đầu kiểm tra du khách nhập cảnh từ Vũ Hán từ cuối tháng 12.  Đến tháng 1, Đài Loan thiết lập xong hệ thống để theo dõi những người tự cách li, và đẩy mạnh việc sản xuất thiết bị y tế. Hàn Quốc đã làm chậm sự lây nhiễm của COVID-19 mà không cần phải phong tỏa, nhờ vào việc xét nghiệm trên qui mô lớn.

Bằng cách học hỏi các đối tác và rút kinh nghiệm của những chiến lược chống dịch trước đây, Mỹ có thể tìm ra các chiến lược tốt hơn để ngăn chặn sự lây nhiễm, cũng như giảm thiểu sự gián đoạn kinh tế do một đại dịch trong tương lai gây ra.

Cuối cùng, nhiều công dân Mỹ sẽ đánh giá cao chính phủ khi biết rằng đất nước của họ có thể giúp ích cho những quốc gia khác, và đồng thời mang lại lợi ích hữu hình cho người dân trong nước.

Mỹ là đối tác tốt của nhiều quốc gia

Phần lớn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương dường như không biết đến những nỗ lực của Mỹ, và không nhận ra rằng nước này đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu với các đối tác trong khu vực để giảm thiểu bệnh tật.

Không phải ai cũng sẽ dành thời gian truy cập trang web của Bộ Ngoại giao để xem các bản tin về hoạt động của Mỹ. Ngoại giao công chúng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng niềm tin giữa người dân các nước, không kém gì các dịch vụ y tế mà Mỹ và đồng minh mang đến.

Mỹ có thể thắng Trung Quốc trong cuộc chiến ngoại giao y tế - Ảnh 2.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters

Nỗ lực hợp tác y tế của Mỹ với các đồng minh là một công cụ quyền lực mềm đơn giản và hiệu quả, có thể mang đến các mối quan hệ toàn cầu tích cực và cụ thể.

Có nhiều bằng chứng cho thấy Mỹ và các đối tác trong khu vực Đông Nam Á có khả năng, nguồn lực, sự khéo léo để xác định, phòng ngừa và tìm ra phương pháp chữa trị cho các căn bệnh sẽ xuất hiện sau COVID-19.

Mỹ và các nước đồng minh cần phải nhận ra rằng việc tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, tích cực học hỏi lẫn nhau và tập trung nguồn lực không chỉ mang lại lợi ích cho mọi bên, mà còn đã được qui định trong các hiệp ước và thỏa thuận an ninh với Mỹ từ nhiều thập kỉ trước. 

COVID-19 sẽ đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh để áp dụng các điều khoản này vào thực tế, và một lần nữa cho thấy Mỹ là một nhà lãnh đạo toàn cầu và đối tác tốt của các quốc gia. 

Giang

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.