Làn sóng 'mua sắm bù' hàng xa xỉ khó vực dậy được nền kinh tế Trung Quốc
Theo Bloomberg, doanh thu tăng vọt tại các cửa hàng của những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Hermes hay LVMH đã nhóm lên hi vọng rằng nhu cầu của người tiêu dùng sẽ bật tăng trở lại nhờ vào việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Đây là một tín cực trong bối cảnh dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm 15,8% trong tháng 3 so với một năm trước đó.
Tuy nhiên, thật đáng tiếc, các khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu của Trung Quốc không bị cuốn vào cơn lốc "mua sắm bù" (revenge spending). Họ chỉ đơn giản là chuyển sang mua hàng trong nước.
Thay vì bay sang Hong Kong, Paris hay Milan để mua túi xách da cá sấu và đồng hồ kim cương như trước, giờ đây khách hàng Trung Quốc lại ưu tiên mua sắm ở các cửa hàng nội địa.
Dù một phần nguyên nhân là do các lệnh hạn chế đi lại nhằm kiểm soát COVID-19, xu hướng này đã được khởi xướng từ trước khi đại dịch bùng phát – được thúc đẩy bởi sự thay đổi của thuế suất.
Chính phủ Bắc Kinh cũng khuyến khích người dân chuyển sang mua hàng trong nước. Năm ngoái, người Trung Quốc đóng góp khoảng một phần ba doanh thu hàng xa xỉ toàn cầu.
Sau khi Trung Quốc cắt giảm thuế đánh vào hàng xa xỉ, khoảng cách giữa giá hàng hóa cao cấp trong và ngoài nước đã giảm xuống 15% vào năm ngoái, thấp hơn nhiều so với con số 30% từ ba năm trước.
Các cuộc biểu tình tại Hong Kong, điểm dừng chân yêu thích của người mua sắm sản phẩm cao cấp, cũng giúp thúc đẩy doanh số bán hàng trong nước của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nỗ lực chuyển dịch xu hướng mua sắm của Bắc Kinh vẫn còn một chặng đường dài phía trước: Năm ngoái, chỉ 30% giao dịch mua hàng xa xỉ của người Trung Quốc diễn ra tại thị trường nội địa.
Nhiều khả năng, sự nhảy vọt của doanh số hàng xa xỉ sẽ khó có thể được duy trì như mức độ hiện nay. Lượng mua sắm của khách hàng Trung Quốc sẽ không thể cứu vãn cho toàn bộ ngành hàng xa xỉ trên toàn cầu.
Các cửa hàng thực đóng góp hơn 90% doanh số của các mặt hàng xa xỉ. Đây là điều dễ hiểu: nếu định bỏ ra hàng nghìn USD để mua một món đồ thủ công, lẽ dĩ nhiên bạn sẽ muốn chạm vào nó trước khi mua hàng, thay vì chỉ click chuột đặt mua trên một trang bán hàng trực tuyến.
Ngoài ra, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đang lo lắng về công việc và khả năng bị cắt giảm lương. Theo khảo sát của Morgan Stanley, hầu hết người Trung Quốc không có ý định tăng cường chi tiêu cho hàng hóa cao cấp. Kết quả khảo sát này chỉ ra rằng hiện tượng doanh số tăng đột ngột của LVMH, Hermes và L'Oreal SA có thể sẽ nhanh chóng phai nhòa.
Khảo sát của Morgan Stanley được thực hiện trên 19 tỉnh của Trung Quốc, với sự tham gia của 2.000 người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18 – 49. Khoảng 29% người tham gia cho biết họ sẽ giảm bớt chi tiêu cho hàng xa xỉ trong tháng tiếp theo. 40% người được hỏi trả lời rằng họ sẽ chi nhiều nhiều hơn cho hàng tạp phẩm.
Bà Lucia Li, đối tác tại công ty tư vấn Bain & Co, cho rằng sự nhảy vọt của doanh số bán hàng xa xỉ sẽ giảm dần, chuyển thành sự tăng trưởng chậm chạp nhưng bền vững.
Bain & Co chia các sản phẩm tiêu dùng của Trung Quốc thành 6 loại, từ những hàng hóa và dịch vụ mà doanh thu sẽ tăng trưởng vĩnh viễn nhờ vào COVID-19, chẳng hạn chăm sóc sức khỏe kĩ thuật số, cho tới những sản phẩm sẽ phải đối mặt với khó khăn kéo dài, như các nhà bán lẻ truyền thống.
Hãng tư vấn này đặt hàng hóa xa xỉ ở vị trí giữa trong xếp hạng, bằng với đồ uống có cồn và thiết bị gia dụng.
Trung Quốc sẽ cần phải trông chờ vào những lĩnh vực khác để đưa giúp nền kinh tế hồi sinh.