|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hàng triệu người có thể mất việc, nhiều nước sẽ tổn thất khi ngành hàng xa xỉ khốn đốn vì COVID-19

16:16 | 09/04/2020
Chia sẻ
Ngành công nghiệp bán lẻ đã lao đao bởi đại dịch viêm phổi cấp COVID-19, và phần lớn tổn thất lớn nhất rơi vào các công ty sở hữu thương hiệu thời trang cao cấp và hàng xa xỉ.

Mọi người đã ngừng mua sắm tại các cửa hàng, và nhiều người mua sắm trực tuyến đang kiềm chế hành vi mua hàng ngẫu hứng vì dịch COVID-19. Thực tế đó đã khiến doanh thu của các thương hiệu thời trang và xa xỉ có thể giảm tới 30% trong năm nay, theo một báo cáo mới mà tạp chí Business of Fashion và công ty tư vấn McKinsey công bố hôm 8/4.

Báo cáo tổng hợp ý kiến của 1.400 chuyên gia thời trang, các nhà sản xuất và hãng bán lẻ hàng xa xỉ. Họ nhận định ngành thời trang cao cấp và hàng xa xỉ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với doanh số có thể giảm tới 40%.

Với thực tế u ám ấy, người lao động trong ngành thời trang và hàng xa xỉ đang đối mặt với tương lai bấp bênh. Hàng trăm ngàn nhân viên bán lẻ đã mất việc, các cửa hàng đóng cửa và căn bệnh viêm phổi cấp đã khiến các nhà đầu tư và người tiêu dùng sợ hãi.

Hàng triệu người có thể mất việc, nhiều nước sẽ tổn thất khi ngành hàng xa xỉ khốn đốn vì COVID-19 - Ảnh 1.

Hàng triệu người lao động trong ngành dệt may có thể mất việc nếu tình trạng đóng cửa hàng ở nhiều nước tiếp tục kéo dài thêm vài tháng nữa. Ảnh: PRI

80% chủ doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát dự báo họ sẽ gặp khó khăn tài chính trong năm nay và số vụ phá sản sẽ tăng mạnh trong vòng 18 tháng tới nếu các cửa hàng vẫn đóng cửa. Các nhà bán lẻ trên toàn cầu đã tạm thời ngừng bán vì chính quyền địa phương đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Việc đóng cửa hàng có thể sẽ gây "hiệu ứng domino" đối với phần còn lại của ngành hàng xa xỉ, bởi tình trạng các đơn đặt hàng hủy có thể khiến hàng triệu người trong ngành may mặc mất việc. Các quốc gia bao gồm Bangladesh, Ấn Độ và Campuchia có thể chịu ảnh hưởng nặng nề, theo báo cáo.

Imran Amed, giám đốc điều hành Business of Fashion, kêu gọi các công ty hợp tác để khôi phục ngành công nghiệp thời trang khi đại dịch lắng xuống.

"Chẳng doanh nghiệp nào có thể vượt qua đại dịch một cách đơn độc và các doanh nghiệp thời trang cần chia sẻ dữ liệu, chiến lược và hiểu biết về cách vượt qua thử thách", Amed nói trong báo cáo.

Đối với những nhà bán lẻ và công ty thời trang còn tồn tại, báo cáo khuyếnnghij họ sẽ phải thực hiện "những hành động can thiệp táo bạo và nhanh chóng" để ổn định bản thân nếu suy thoái xảy ra.

Những người trả lời khảo sát cũng dự đoán người tiêu dùng sẽ dành mức quan tâm lớn hơn đối với sản phẩm giảm giá và các nhà bán lẻ giá thấp. Những nỗ lực tiếp thị số của các thương hiệu cũng nên trở thành "ưu tiên cấp bách".

Mặc dù vậy, các chủ thương hiệu thời trang cao cấp và hàng xa xỉ kì vọng số lượng doanh nghiệp phá sản sẽ ở mức thấp.

"Khủng hoảng sẽ thanh lọc những doanh nghiệp yếu, củng cố vị thế của doanh nghiệp mạnh và tăng tốc độ sa sút của những thương hiệu đang lao đao trước khi dịch bùng phát. Số lượng vụ thâu tóm và sáp nhật sẽ tăng", báo cáo nhấn mạnh.

Song nhiều người vẫn thấy cơ hội trong khủng hoảng. Hãng H&M và Nike từng thông báo doanh thu của họ đã tăng trở lại ở châu Á sau khi họ mở lại các cửa hàng ở Trung Quốc. Ông John Donahoe, Tổng giám đốc Nike, nhận định rằng bài học ở Trung Quốc là kinh nghiệm quí báu để tập đoàn áp dụng ở các thị trường khác chịu ảnh hưởng của COVID-19.

Cửu Dương