|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhà khoa học ‘bất dắc dĩ’ nhận một triệu USD trong Shark Tank Việt Nam

20:34 | 26/07/2018
Chia sẻ
Mặc dù ông chủ Nhiệt Mặt Trời định giá phi lý, bức tranh tài chính không rõ ràng, nhà đầu tư Nguyễn Thanh Việt vẫn xuống tiền 1 triệu USD trong Shark Tank Việt Nam vào tối 25/7.
 
nha khoa hoc bat dac di nhan mot trieu usd trong shark tank viet nam Lời gọi vốn 1 triệu USD sẽ xuất hiện trong tập đầu tiên của Shark Tank mùa thứ hai

Nguyễn Văn Khỏe, 53 tuổi, là nhà sáng lập Công ty Cổ phần Công nghệ Nhiệt Mặt Trời. Tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam vào tối 25/7, ông kêu gọi số vốn 1 triệu USD cho 25% cổ phần doanh nghiệp.

Ông Khỏe từng là chủ doanh nghiệp sản xuất miến dong, bún tàu. Sau 10 năm nghiên cứu nguồn năng lượng làm khô sản phẩm, ông trở thành nhà khoa học bất đắc dĩ.

“Trong quá trình làm khô nông sản, tôi phát hiện ra công nghệ sấy nhiệt mặt trời, áp dụng cho nông sản, trái cây, quần áo ở khách sạn và bệnh viện”, ông trình bày.

nha khoa hoc bat dac di nhan mot trieu usd trong shark tank viet nam
Ông Nguyễn Văn Khỏe trong chương trình Shark Tank Việt Nam vào tối 25/7.

Nhiệt Mặt Trời được áp dụng sấy khô sản phẩm nông sản chế biến như bánh tráng, hủ tiếu, bún miến tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Khỏe cho biết, công nghệ này tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng cao với chi phí giảm một nửa. Đặc biệt, xu thế xanh, thân thiện môi trường là hướng bền vững cho doanh nghiệp có tầm nhìn rộng.

Công ty chính thức ra mắt vào năm 2014, nhưng ba năm đầu chưa có doanh thu vì không ai biết tới. Năm 2017, công ty thu về 5 tỷ đồng, đã ký kết một loạt hợp đồng.

“Vua chảo” Nguyễn Xuân Phú thắc mắc cơ sở định giá của nhà sáng lập. Theo ông Khỏe, 100 tỷ đồng là giá trị tương lai. Hiện tại, doanh nghiệp chưa có gì ngoài máy móc, thiết bị. Nhưng đến năm 2021, Nhiệt Mặt Trời dự kiến đạt doanh số 50 - 80 tỷ đồng, khoảng 80 - 100 tỷ đồng vào năm 2022.

Nhà đầu tư Phú nhận định nếu bức tranh tài chính mà ông Khỏe vẽ ra đúng, thì Nhiệt Mặt Trời cũng không có giá 100 tỷ đồng. “Một công ty mới, chưa có gì mà định giá vô căn cứ khoa học, gọi vốn quá cao, nên tôi quyết định không đầu tư”, ông nói.

Trong hành trình khởi nghiệp, công ty thường phải trải qua ba bước: tạo sản phẩm, tìm khách hàng mục tiêu và tăng trưởng. Nữ doanh nhân Thái Vân Linh đánh giá ba năm là khoảng thời gian quá dài mà ông Khỏe sử dụng chỉ để giải thích cho khách hàng hiểu sản phẩm. Bởi vậy, nhà sáng lập chưa sẵn sàng để nhận 1 triệu USD giúp công ty tăng trưởng rất nhanh trong giai đoạn này. Vì thế bà Linh từ chối rót vốn.

Cho rằng nhiệt mặt trời là nguyên tắc vật lý xuất hiện từ rất lâu, trong khi sản phẩm ông Khỏe chưa đặc biệt, mô hình kinh doanh không rành mạch, bức tranh tài chính lờ mờ và định giá công ty gấp 200 lần, nên doanh nhân bất động sản Phạm Thanh Hưng từ chối.

“Tôi không đầu tư vì đây không phải lĩnh vực tôi quan tâm, mà dù quan tâm tôi cũng không giúp được gì”, ông Dzung Nguyễn nói.

nha khoa hoc bat dac di nhan mot trieu usd trong shark tank viet nam
Nhà đầu tư trong Shark Tank Việt Nam.

Trước 4 cái “lắc đầu” từ các nhà đầu tư, doanh nhân Phú góp ý với nhà sáng lập: Ông Khỏe đang hiểu sai vốn hoạt động kinh doanh. Khác với vốn chủ tính trên giá trị công ty, vốn hoạt động phải dựa vào vốn vay. Đa phần startup gọi số vốn tương đương số tiền họ cần, định giá công ty không dựa trên căn cứ khoa học. Đó là nguyên nhân khiến họ thất bại khi tham gia chương trình.

“Cá mập” khách mời Nguyễn Thanh Việt gây bất ngờ khi cho biết, ông rất quan tâm đến lĩnh vực này. Năng lượng sạch là con đường ông chủ Intracom đang theo đuổi và ông nhận thấy nhiệt mặt trời có lợi cho nông dân.

Đồng thời, ông Việt cũng chỉ ra những yếu điểm của Nhiệt Mặt Trời như công nghệ dễ sao chép, thậm chí nhân viên có thể trở thành đối thủ trong tương lai. Ông Việt đề nghị ban đầu ông rót vốn 5 tỷ đồng đổi lấy 50% cổ phần, rồi giải ngân 20 tỷ đồng còn lại trong vòng 10 năm cùng điều kiện nhà sáng lập phải chỉ rõ người kế nhiệm doanh nghiệp sau 5 năm.

Nhà khoa học "bất đắc dĩ" Nguyễn Văn Khỏe phân vân trước con số ông Việt đưa ra, bởi ông chỉ còn 40% cổ phần sau khi chia sẻ cho nhà đầu tư. Sau thời gian suy nghĩ, ông chủ Nhiệt Mặt Trời chấp nhận gói vốn của doanh nhân Việt.

Xem thêm

Bùi Mến