Nguồn vốn xã hội (Social Capital) là gì? Vai trò của nguồn vốn xã hội
Hình minh họa (Nguồn: vietnamplus)
Nguồn vốn xã hội (Social Capital)
Khái niệm
Nguồn vốn xã hội trong tiếng Anh gọi là Social Capital.
Nguồn vốn xã hội được hiểu là những qui định phi chính thức, những chuẩn mực và các mối quan hệ lâu dài giúp thúc đẩy các hành động tập thể và cho phép mọi người thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh cùng có lợi.
Đặc điểm của nguồn vốn xã hội
Đây là một loại hình vốn vậy nên có các đặc tính như: tính sinh lợi, tính có thể hao mòn, tính sở hữu, tính có thể đo lường tích lũy, chuyển giao. Thuộc tính sinh lợi cho biết vốn xã hội phải có khả năng sinh ra một nguồn lợi nào đó cả về mặt vật chất và tinh thần.
Tính hao mòn là thuộc tính hệ quả của tính sinh lợi, một điểm khác biệt quan trọng của vốn xã hội với các loại vốn khác là ngày càng sử dụng càng tăng. Cũng chính vì vậy mà vốn xã hội có thể bị suy giảm và triệt tiêu nếu không được sử dụng có thể bi phá hoại một cách vô tình hay cố ý khi vi phạm qui luật tồn tại và phát triển của loại hình vốn này.
Là loại hình vốn nên vốn xã hội cũng sẽ thuộc sở hữu của một cộng đồng xã hội nào đó, là một loại hình vốn nên nó có thể được đo lường, tích lũy và chuyển giao. Một đặc điểm khác nữa của vốn xã hội là nó được làm tăng lên trong quá trình chuyển giao.
Vốn xã hội có tính hai mặt: nó có thể hướng đến sự phát triển hoặc thiên về tính bảo tồn, kìm hãm sự phát triển.
Vốn xã hội phải thuộc về một cộng đồng nhất định là sự chia sẻ những giá trị chung, những qui tắc và ràng buộc chung của cộng đồng đó.
Vai trò của vốn xã hội đối với tăng trưởng kinh tế
Do có nhiều cách hiểu về vốn xã hội khác nhau nên những tác động của vốn xã hội đến tăng trưởng kinh tế cũng được xem xét từ nhiều khía cạnh. Vốn xã hội có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế thông qua nhiều kênh trực tiếp và gián tiếp khác nhau.
- Kênh quan trọng nhất là vốn xã hội có thể thay thế các thể chế chính thức một cách hiệu quả. Vốn xã hội cho dù đó là vốn xã hội co cụm vào nhau hay vốn xã hội vươn ra ngoài bao hành sự tin tưởng lẫn nhau và các chuẩn mực phi chính thức có thể thay thế cho các thể chế chính thức để điều chỉnh các giao dịch kinh tế và do vậy giảm thiểu các chi phí giao dịch.
- Kênh thứ hai là vốn xã hội tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa mọi người thúc đẩy sự lưu chuyển, lan tỏa của các nguồn lực, thông tin, các ý tưởng và công nghệ.
- Kênh thứ ba là vốn xã hội tạo điều kiện cho sự phát triển của các hoạt động đổi mới, sáng tạo.
- Kênh thứ tư là vốn xã hội có tác động tích cực làm gia tăng vốn con người.
Tuy nhiên, không phải vốn xã hội luôn có vai trò tích cực đối với tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh những lợi ích mà vốn xã hội đem lại, sự tồn tại của vốn xã hội luôn kèm theo những chi phí mà các cá nhân và xã hội phải chi trả.
Không phải trong mọi trường hợp vốn xã hội luôn ưu việt hơn các thể chế chính thức khi mà tiến bộ công nghệ, như công nghệ thông tin, có thể giúp giảm chi phí thiết lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thể chế chính thức.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế phát triển, NXB Lao động)