|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người Thái tăng tốc mở rộng, các ông lớn Việt dựng phòng tuyến giành lại thị phần bán lẻ

07:00 | 28/11/2024
Chia sẻ
Ngành bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng giữa các ông lớn nội địa và đại diện từ Thái Lan. Trong khi người Thái không ngừng mở rộng mạng lưới, các doanh nghiệp Việt dồn lực bứt phá để giữ vững ưu thế trên sân nhà.

Trên những con phố sáng rực ánh đèn của đô thị hay trong các ngõ hẻm đông đúc của vùng quê, từng dòng người đang nối nhau bước vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Đây không chỉ là hình ảnh thường nhật của đời sống Việt Nam, mà còn là chiến trường của một cuộc đua khốc liệt - nơi mà Central Retail từ Thái Lan, Bách Hoá Xanh và WinCommerce của Việt Nam, đang so tài quyết liệt để chinh phục người tiêu dùng.

Không có tiếng ồn ào của máy móc như một công trường hay sự giằng co trong các cuộc đàm phán chính trị, nhưng cuộc chiến bán lẻ tại Việt Nam lại gay gắt theo cách riêng. Đó là những con số doanh thu, số lượng cửa hàng, tỷ lệ tăng trưởng lặng lẽ viết nên thành công hay thất bại của mỗi ông lớn. 

Đồ hoạ: Đức Huy.

Ông lớn Thái Lan gặp thách thức tại Việt Nam

Central Retail, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan, dù ghi nhận doanh thu tăng nhẹ 0,9% lên 27.628 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024, nhưng kết quả này vẫn kém chuỗi Bách Hoá Xanh (30.300 tỷ đồng). So với WinCommerce, Central Retail chỉ nhỉnh hơn khoảng 3.224 tỷ đồng.

Ngành thực phẩm tiếp tục là động lực chính, mang về 24.115 tỷ đồng, tăng 4,2% nhờ sự mở rộng của các đại siêu thị GO!, Tops Market và cửa hàng mini go!. 

Tuy nhiên, các ngành khác lại lao dốc. Doanh thu từ ngành công nghệ, gia dụng, tiêu biểu là Nguyễn Kim, giảm 17% xuống còn 3.452 tỷ đồng, cùng với số lượng cửa hàng giảm từ 53 xuống 49 điểm bán. Ngành thời trang cũng không khả quan khi chỉ đạt 60,4 tỷ đồng, giảm 15%.

Trong bối cảnh này, Central Retail đã mở mới đại siêu thị GO! tại Bạc Liêu với vốn đầu tư 432 tỷ đồng và lên kế hoạch mở rộng thêm tại Ninh Thuận, Hưng Yên, Yên Bái. Nhưng sức ép từ tiêu dùng thận trọng, cùng những biến động như lũ lụt miền Bắc, đã khiến doanh thu quý III giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên trong một đại siêu thị bán lẻ của Central Retail. (Ảnh: Đức Huy).

Thế lực mới gọi tên Bách Hoá Xanh

Không giống Central Retail, Bách Hoá Xanh - chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thuộc tập đoàn Đầu tư Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài - đang chứng tỏ sự tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 30.300 tỷ đồng, tăng gần 36% so với cùng kỳ. Đây là chuỗi duy nhất trong nhóm đạt lãi ròng đều đặn hai quý liên tiếp.

Quý III ghi nhận lợi nhuận sau thuế 90 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận lũy kế 9 tháng lên mức dương, cải thiện rõ rệt từ mức lỗ 98,4 tỷ đồng trong báo cáo bán niên. 

CEO Phạm Văn Trọng cho biết, sự tăng trưởng đến từ việc tối ưu hóa logistics và vận hành, tập trung vào cải thiện doanh thu cửa hàng cũ, cung cấp sản phẩm giá hợp lý và gia tăng tỷ lệ bán hàng thực phẩm tươi sống.

Mô hình “siêu thị mini” thay thế “chợ hiện đại” đã giúp tăng sức cạnh tranh. Với 1.726 cửa hàng, Bách Hoá Xanh mở mới 28 điểm bán trong năm nay, dự kiến sẽ bổ sung thêm 50-100 cửa hàng vào cuối năm 2024. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt 2,1 tỷ đồng/tháng, nhưng chuỗi này thừa nhận sẽ khó tăng cao hơn vì giới hạn diện tích chỉ 150-200 m².

Ban lãnh đạo đang kỳ vọng vào sự ổn định của doanh thu cửa hàng hiện hữu (LFL) và chiến lược mở rộng điểm bán, vốn là hai yếu tố quan trọng để duy trì tăng trưởng.

Đồ hoạ: Đức Huy.

WinCommerce tìm lại cảm giác chiến thắng

Chuỗi WinMart và WinMart+ của WinCommerce, thuộc tập đoàn Masan, cũng đang hồi phục tích cực sau giai đoạn tái cấu trúc. Lợi nhuận sau thuế quý III đạt 20 tỷ đồng, đánh dấu quý lãi đầu tiên kể từ đại dịch. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 24.404 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ.

Sự cải thiện đến từ việc ra mắt các mô hình cửa hàng đặc thù cho thành thị (Win) và nông thôn (WinMart+ Rural), với tăng trưởng LFL lần lượt đạt 12,5% và 11,5%. Tổng số điểm bán đã tăng lên 3.733 cửa hàng, với 60 cửa hàng mới trong quý III.

Bên cạnh đó, WinCommerce cũng tối ưu hóa tỷ lệ hao hụt hàng hóa, giúp tăng biên lợi nhuận hoạt động (EBIT). Tuy nhiên, ban lãnh đạo vẫn phải đối mặt với thách thức về mở rộng trong khi đảm bảo hiệu quả vận hành, bởi mô hình này phụ thuộc lớn vào chi phí logistics và vận chuyển.

Bên trong siêu thị WinMart củaWinCommerce tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Cuộc chiến giữa Central Retail, Bách Hoá Xanh và WinCommerce không phải là một cuộc đua ngắn hạn. Từ góc nhìn của người tiêu dùng, đây là một giai đoạn đầy thú vị. Chúng ta không chỉ chứng kiến những thay đổi lớn trong cách mua sắm – từ những đại siêu thị rộng lớn đến các cửa hàng mini tiện lợi – mà còn được hưởng lợi từ sự cạnh tranh khốc liệt này.

Những chiếc xe giao hàng vẫn ngày đêm chạy qua các con đường, mang theo hàng hóa và cả khát vọng của ba ông lớn. Một ngày nào đó, liệu chúng ta sẽ gọi tên ai là kẻ chiến thắng? Điều đó còn phụ thuộc vào cách họ không ngừng đổi mới, chinh phục và định hình lại thói quen mua sắm của hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam. 

Đức Huy