Nghiên cứu khoa học (Scientific research) là gì?
Hình minh họa. Nguồn: Medium
Nghiên cứu khoa học (Scientific research)
Định nghĩa
Nghiên cứu khoa học trong tiếng Anh là Scientific research. Có nhiều cách định nghĩa nghiên cứu khoa học:
Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một hoạt động tìm kiếm, xem xét, điều tra, hoặc thử nghiệm. Dựa trên những số liệu, tài liệu, kiến thức,… đạt được từ các thí nghiệm NCKH để phát hiện ra những cái mới về bản chất sự vật, về thế giới tự nhiên và xã hội, và để sáng tạo phương pháp và phương tiện kĩ thuật mới cao hơn, giá trị hơn.
Con người muốn làm NCKH phải có kiến thức nhất định về lãnh vực nghiên cứu và cái chính là phải rèn luyện cách làm việc tự lực, có phương pháp từ lúc ngồi trên ghế nhà trường.
Nghiên cứu khoa học là cách con người tìm hiểu các hiện tượng khoa học một cách có hệ thống, là quá trình áp dụng các ý tưởng, nguyên lí và phương pháp khoa học để tìm ra các kiến thức mới nhằm giải thích hay dự báo các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan.
(Babbie, 1986)
Nghiên cứu khoa học là quá trình thu thập, phân tích dữ liệu một cách có hệ thống nhằm khám phá các vấn đề liên quan. (Kothari, 2004)
Đặc điểm
- Nghiên cứu khoa học dựa trên công trình nghiên cứu của người khác.
+ Nghiên cứu trước dẫn dắt những nghiên cứu mới.
+ Nghiên cứu không phải là sao chép nghiên cứu của người khác.
- Nghiên cứu khoa học có thể được lặp lại.
+ Khả năng lặp lại là tín hiệu của nghiên cứu khoa học đáng tin cậy.
+ Sự lặp lại chỉ dẫn những nghiên cứu trong tương lai.
- Nghiên cứu khoa học có thể khái quát hóa. Nói cách khác, nghiên cứu có thể suy rộng ra tổng thể.
- Nghiên cứu khoa học không nên được thực hiện độc lập với lí thuyết.
+ Nghiên cứu dựa trên những lí do hợp lí.
+ Nghiên cứu phải gắn với lí thuyết.
- Nghiên cứu khoa học là quá trình liên tục.
+ Nghiên cứu tạo ra những câu hỏi nghiên cứu mới.
+ Nghiên cứu là sự hoàn thiện không ngừng.
- Nghiên cứu khoa học là phi chính trị, nghiên cứu nên xem sự cải thiện xã hội là mục tiêu cuối cùng.
- Nghiên cứu khoa học phải đảm bảo:
+ Tính mới
+ Tính tin cậy
+ Tính khách quan
+ Tính rủi ro
+ Tính kế thừa
+ Tính cá nhân
(Tài liệu tham khảo: Khoa học và khái niệm nghiên cứu khoa học, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM; Phương pháp nghiên cứu khóa học, Tổ hợp giáo dục Topica)