|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nền kinh tế trưởng thành (Mature Economy) là gì? Nền kinh tế trưởng thành và cơ hội đầu tư

16:52 | 07/11/2019
Chia sẻ
Nền kinh tế trưởng thành (tiếng Anh: Mature Economy) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả một quốc gia có dân số ổn định và tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Jakarta_Skyline

Hình minh họa. Nguồn: acdn.list25.com

Nền kinh tế trưởng thành

Khái niệm

Nền kinh tế trưởng thành trong tiếng Anh là Mature Economy.

Nền kinh tế trưởng thành là thuật ngữ được sử dụng để mô tả một quốc gia có dân số ổn định và tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. 

Dân số ổn định hoặc đang suy giảm là tình trạng khi tỉ lệ sinh bằng hoặc thấp hơn tỉ lệ tử vong.

Nền kinh tế trưởng thành là một nền kinh tế đã đạt đến giai đoạn phát triển tiên tiến, GDP tăng trưởng chậm, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng giảm và chi tiêu tiêu dùng tăng.

Tăng trưởng dân số thấp và mức lạm phát chung thấp của nền kinh tế làm giảm bớt áp lực tạo việc làm mới vì lực lượng lao động và chi phí sinh hoạt không tăng nhiều. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế trưởng thành, cần có đủ sự tăng trưởng kinh tế để có thể hỗ trợ tài chính cho những người về hưu khi họ già đi và cần nhiều sự chăm sóc hơn.

Các quốc gia có nền kinh tế trưởng thành bao gồm Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản và một số quốc gia ở Tây Âu.

Địa vị nền kinh tế trưởng thành không phải luôn cố định. Năm 2013, Hy Lạp đã trở thành quốc gia có nền kinh tế trưởng thành đầu tiên bị hạ cấp xuống nền kinh tế thị trường mới nổi, sau khi các nhà cung cấp chỉ số xác định rằng rất ít cổ phiếu của nước này đáp ứng tiêu chí của một thị trường trưởng thành.

Nền kinh tế trưởng thành và cơ hội đầu tư

Những công ty ở các nền kinh tế trưởng thành thường tìm cách tận dụng tiềm năng tăng trưởng và chi phí hoạt động thấp hơn tương đối ở các nền kinh tế thị trường mới nổi. 

Chúng thường xuyên thiết lập các cơ sở sản xuất ở đó để tăng lợi nhuận và đưa ra các chiến lược để bán được nhiều hàng hóa hơn tại các thị trường mới nổi, nơi có một lượng lớn dân số thế giới, để tạo ra nhiều doanh thu hơn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn của các nền kinh tế mới nổi cũng đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, triển vọng lợi nhuận cao hơn có cái giá của nó. Các cổ phiếu ở các nền kinh tế mới nổi mang nhiều rủi ro hơn vì chúng có xu hướng biến động mạnh hơn nhiều so với cổ phiếu ở những nền kinh tế trưởng thành.

Áp lực lạm phát, lãi suất tăng, dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đều có thể khiến các thị trường mới nổi sụt giảm giá trị. Những rủi ro đặc trưng khác của việc đầu tư vào thị trường mới nổi bao gồm bất ổn chính trị, tham nhũng, biến động tiền tệ và thay đổi chính sách pháp luật.

(Theo investopedia)

Hằng Hà