Nền kinh tế phát triển (Developed Economy) là gì?
Nền kinh tế phát triển
Khái niệm
Nền kinh tế phát triển trong tiếng Anh là Developed Economy.
Nền kinh tế phát triển là đặc trưng của một quốc gia phát triển với mức độ tăng trưởng kinh tế và an ninh tương đối cao. Tiêu chí để đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia là thu nhập bình quân đầu người hoặc tổng sản phẩm quốc nội, mức độ công nghiệp hóa, mức sống cơ bản và cơ sở hạ tầng công nghệ.
Các yếu tố phi kinh tế, như chỉ số phát triển con người (HDI), trình độ giáo dục, tỉ lệ biết chữ và sức khỏe của một quốc gia cũng có thể được sử dụng để đánh giá nền kinh tế hoặc mức độ phát triển.
GDP và tiêu chí nền kinh tế phát triển
Chỉ tiêu phổ biến nhất được sử dụng để xác định xem một nền kinh tế phát triển hay đang phát triển là tổng sản phẩm quốc dân (GDP) bình quân đầu người. Mặc dù, không có tiêu chuẩn nghiêm ngặt nào tồn tại để xác định với một nền kinh tế được coi là phát triển hay không.
Một số nhà kinh tế coi mức GDP bình quân từ 12.000 đến 15.000 $ trên đầu người có thể coi là một nền kinh tế phát triển. Trong khi, những người khác không coi một quốc gia là phát triển trừ khi GDP bình quân đầu người của họ trên 25.000 $ hoặc 30.000 $. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Mỹ năm 2018 là 62.641 $.
Đối với các quốc gia khó phân loại, các nhà kinh tế sẽ xem xét các yếu tố khác để xác định tình trạng phát triển. Các thước đo về mức sống tối thiểu, chẳng hạn như tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và tuổi thọ, có thể hữu ích mặc dù cũng không có ranh giới nào cho các thước đo này. Tuy nhiên, hầu hết các nền kinh tế phát triển có ít hơn 10 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong trên 1.000 ca và trung bình công dân của họ sống từ 75 tuổi trở lên.
Một nền kinh tế phát triển sẽ không chỉ dựa trên GDP bình quân đầu người mà luôn phải đi kèm các yếu tố khác. Chẳng hạn, Liên Hợp Quốc vẫn coi Qatar, quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới năm 2018 ở mức 69.026 $, là nền kinh tế đang phát triển vì quốc gia này có sự bất bình đẳng thu nhập lớn, thiếu cơ sở hạ tầng và cơ hội giáo dục hạn chế cho công dân.
Chỉ số phát triển con người
Chỉ số phát triển con người (HDI) đánh giá về ba tiêu chuẩn sống: Tỉ lệ biết đọc biết viết, Tiếp cận giáo dục và Tiếp cận với chăm sóc sức khỏe. Các tiêu chí này được lượng hóa thành mức điểm từ 0 đến 1. Hầu hết các nước phát triển có chỉ số HDI trên 0,8. Trong Báo cáo Phát triển Con người năm 2017 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Na Uy có chỉ số HDI cao nhất thế giới với 0,953. Mỹ xếp thứ 13 với 0,924.
Ví dụ thực tế về nền kinh tế phát triển
Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc chỉ ra rằng các quốc gia kém phát triển nhất thế giới thiệt thòi rất nhiều trong quá trình phát triển của họ. Nhiều người trong số họ vì lí do địa lí, và nhiều các quốc gia khác có nguy cơ không thoát được nghèo. Ví dụ về các quốc gia có nền kinh tế phát triển bao gồm Mỹ, Canada và hầu hết các quốc gia Tây Âu.
(Theo Investopedia)