Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) là gì? Thực trạng hiện nay
Hình ảnh minh họa (Nguồn: philosophy.vass.gov.vn)
Chỉ số phát triển con người (Human Development Index)
Khái niệm
Chỉ số phát triển con người trong tiếng Anh là Human Development Index, viết tắt là HDI.
Chỉ số phát triển con người (Human Development Index) là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỉ lệ biết chữ (học vấn) và tuổi thọ của các quốc gia trên thế giới.
Công thức
HDI chứa đựng ba yếu tố cơ bản: Thu nhập (GNI/người), tri thức (thông qua chỉ số học vấn) và sức khỏe (thể hiện qua tuổi thọ bình quân kì vọng tính từ thời điểm mới sinh):
Công thức tính HDI
Trong đó:
HDI1: Chỉ số thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương.
HDI2: Chỉ số học vấn
HDI3: Chỉ số tuổi thọ bình quân
HDI nhận giá trị từ 0 đến 1. HDI càng gần 1 có nghĩa là trình độ phát triển con người càng cao, trái lại càng gần 0 có nghĩa là trình độ phát triển con người càng thấp.
HDI >= 0,8: Nước phát triển con người cao
0,51 <= HDI <= 0,79: Nước phát triển con người trung bình;
HDI <= 0,50: Nước phát triển con người thấp
Thực trạng hiện nay
Bản đồ số liệu về chỉ số phát triển con người trên thế giới (dựa trên dữ liệu năm 2017, công bố vào ngày 14 tháng 9 năm 2018). (Nguồn: upload.wikimedia.org)
Theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), HDI của Việt Nam đã không ngừng tăng lên. Với chỉ số 0,694 trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 116 trong tổng số 189 nước được đánh giá về chỉ số HDI, thuộc nhóm trung bình cao và Việt Nam chỉ cần đạt thêm 0,006 điểm để nâng hạng lên mức phát triển con người cao.
Bảng xếp hạng chỉ số HDI của một số nước thuộc khu vực Châu Á năm 2018 (Nguồn: UNDP Việt Nam)
Trong chỉ số HDI, Việt Nam cũng thực hiện tốt các lĩnh vực y tế và giáo dục. Tuổi thọ kì vọng của Việt Nam là 76,5 năm, đứng thứ hai ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, sau Hàn Quốc. Số năm đi học trung bình của Việt Nam là 8,2 – cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê nghèo đa chiều toàn cầu năm 2018 cũng cho thấy, Việt Nam có những tiến bộ quan trọng trong việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 1 về giảm nghèo (1 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030) với chỉ số Nghèo đa chiều của Việt Nam là 0,0197 và đứng thứ 31 trong tổng số 105 nước.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế phát triển, NXB Tài chính; Báo Kinh tế và dự báo http://kinhtevadubao.vn)