|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ - Trung tiến hành đàm phán giữa bầu không khí bi quan về thỏa thuận

14:45 | 29/07/2019
Chia sẻ
Các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc sẽ di chuyển đến Thượng Hải trong tuần này để tham gia cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên kể từ thỏa thuận "đình chiến" tại hội nghị G20 vừa qua, tuy nhiên các chuyên gia không nhận thấy nhiều cơ hội để hai bên tìm được tiếng nói chung.
1

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 vừa qua. (Ảnh:Reuters)

Tổng thống Trump: Trung Quốc đang nuôi hi vọng đàm phán với Tổng thống Mỹ mới

Đây là một chuyển biến mới cho hai nền kinh tế đang phải vật lộn để giải quyết các khác biệt sâu sắc, nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn một năm.

Kì vọng rằng cuộc đàm phán thương mại sắp tới đạt được tiến bộ là rất thấp, do đó các quan chức và doanh nghiệp đang hi vọng Washington và Bắc Kinh chí ít có thể vạch ra chi tiết cam kết về các cử chỉ "thiện chí" và làm rõ hướng đi của các cuộc đàm phán trong tương lai.

Theo Reuters, các cử chỉ này bao gồm cam kết mua nông sản Mỹ của Trung Quốc và Mỹ cho phép doanh nghiệp nước này tiếp tục bán phần mềm và linh kiện cho gã khổng lồ công nghệ Huawei Technologies.

Vào ngày 26/7, Tổng thống Donald Trump nói rằng ông nghĩ Trung Quốc có thể không muốn kí thỏa thuận cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Theo đó, ông nhận định Trung Quốc đang nuôi hi vọng đàm phán các điều khoản có lợi hơn với một Tổng thống Mỹ khác.

"Tôi nghĩ có lẽ Trung Quốc sẽ nói 'cứ đợi đã'", ông Trump nói với báo giới tại Nhà Trắng. "Hãy cùng chờ đợi xem có ứng viên nào chấp nhận nhượng bộ và liệu họ có đắc cử hay không".

Trong hơn một năm qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp thuế quan trị giá hàng tỉ USD lên hàng hóa của nhau, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và làm rung chuyển thị trường tài chính.

Hai bên đã nhất trí nối lại đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng trước ở Osaka, Nhật Bản.

Theo đó, Ông Trump cho biết ông sẽ tạm ngưng áp thuế chính thức lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc cũng như nới lỏng một số giới hạn đối với Huawei nếu Trung Quốc đồng ý mua nông sản Mỹ.

Kể từ đó, Trung Quốc đã ra hiệu rằng họ sẽ cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện một số giao dịch mua nông sản Mỹ theo hình thức miễn thuế.

Washington đã khuyến khích nhiều công ty nộp đơn xin miễn trừ lệnh cấm an ninh quốc gia liên quan đến hoạt động bán hàng cho Huawei và cho biết họ sẽ phản hồi trong vài tuần tới.

Washington và Bắc Kinh hứa hẹn nhiều, nhưng chưa thực hiện bao nhiêu

Tuy nhiên, trước thềm đàm phán thương mại, không bên nào thực hiện các biện pháp nhằm thể hiện thiện chí của họ.

Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng giải quyết các vấn đề cốt lõi trong tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh là rất thấp. Trước đó, Mỹ đã khiếu nại về hành vi trợ cấp, chuyển giao công nghệ cưỡng bức và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Chính phủ Trung Quốc.

Quan chức Mỹ đã nhấn mạnh rằng việc nới lỏng lệnh cấm hợp tác với Huawei sẽ chỉ áp dụng cho các sản phẩm không liên quan đến an ninh quốc gia. Các quan sát viên trong ngành dự đoán lệnh miễn trừ trên sẽ chỉ cho phép Huawei mua các linh kiện phổ biến nhất của Mỹ.

Vào tuần trước, Reuters đưa tin rằng, bất chấp khả năng Trung Quốc miễn thuế nhập khẩu, các nhà máy nghiền đậu nành của nước này khó có thể mua số lượng lớn từ Mỹ ngay lúc này bởi họ đang gặp khó khăn với biên lợi nhuận kém và lo ngại kéo dài về mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Bộ trường Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong hai ngày 30 -31/7 tại Thượng Hải.

"Hai bên sẽ ít thảo luận về vấn đề chính trị, mà thay vào đó, đàm phán về vấn đề hợp tác kinh doanh", ông Tu Xinquan, một chuyên gia thương mại tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh, cho hay. Theo ông Tu, đó có thể là lí do tại sao Thượng Hải được chọn làm địa điểm đàm phán.

"Mỗi bên có thể thực hiện bước đi nhỏ để tạo niềm tin, sau đó là hành động nhiều hơn", chuyên gia thương mại này nói thêm.

Một phái đoàn gồm các giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ đã đến Bắc Kinh vào tuần trước để nhấn mạnh với quan chức Trung Quốc về tính cấp bách của một thỏa thuận thương mại, Reuters dẫn ba nguồn tin dấu tên.

Họ đã cảnh báo các nhà đàm phán Trung Quốc rằng nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, bối cảnh chính trị ở Trung Quốc và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp xảy ra sẽ khiến việc đạt được thỏa thuận trở nên cực kì khó khăn.

Nguồn tin thân cận còn cho biết trước thềm cuộc đàm phán, Trung Quốc vẫn yêu cầu Mỹ gỡ bỏ tất cả thuế quan như một trong những điều kiện cho một thỏa thuận.

Bắc Kinh phản đối việc thu hồi thuế quan theo từng giai đoạn, trong khi quan chức thương mại Mỹ lại xem việc loại bỏ thuế quan và đe dọa khôi phục chúng là đòn bẩy để thực thi thỏa thuận.

Trung Quốc cũng kiên quyết rằng bất kì thỏa thuận mua hàng hóa Mỹ nào cũng đều phải ở mức độ hợp lí, đồng thời, thỏa thuận phải cân bằng và tôn trọng chủ quyền pháp lí của Trung Quốc.

Có rất ít thông tin rõ ràng xoay quanh văn bản đàm phán mà hai bên sẽ sử dụng. Trong khi Washington muốn tuân thủ dự thảo được đưa ra trước tháng 5, Trung Quốc lại muốn bắt đầu cùng bản sao với nhiều chỉnh sửa và biên tập mà họ đã gửi cho quan chức Mỹ. 

Yên Khê

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.