|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gương mặt 'diều hâu' mới trong đàm phán thương mại cho thấy Trung Quốc đang mất dần hứng thú thỏa thuận với Mỹ

15:33 | 17/07/2019
Chia sẻ
Trung Quốc phải đề cao "tinh thần đấu tranh" để bảo vệ lợi ích quốc gia trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc - người vừa tham gia đàm phán, cho biết.
2018-09-24-china

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc muốn Mỹ chịu trách nhiệm cho cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nước

Theo South China Morning Post, Bộ trưởng Thương mại Zhong Shan, người vừa tham gia cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thuộc nhóm đàm phán Mỹ cuối tuần qua, đã làm rõ rằng phía Mỹ phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột thương mại giữa hai nước.

Theo ông Zhong, thương chiến Mỹ - Trung đã kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống.

Nhận xét của ông được đưa ra khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc đàm phán tiếp theo.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer có thể đến Bắc Kinh để đàm phán sâu hơn nếu các cuộc điện đàm trong tuần này có hiệu quả.

Ngoài ra, phía Mỹ còn hi vọng Trung Quốc sẽ tuyên bố mua một khối lượng đáng kể nông sản Mỹ, cố vấn kinh tế Larry Kudlow chia sẻ với phóng viên vào hôm 15/7. Theo đó, ông Kudlow ngụ ý rằng đây là bước cần thiết để các cuộc đàm phán thương mại tiến triển.

"Chúng tôi kì vọng Trung Quốc sẽ sớm thông báo mua hàng hóa và dịch vụ nông nghiệp của Mỹ với qui mô lớn", cố vấn kinh tế Nhà Trắng nói.

"Diều hâu" Zhong Shan: "Chúng ta phải thể hiện tinh thần đấu tranh..."

Trong một cuộc phỏng vấn công bố hôm 15/7 với tờ People's Daily để thảo luận về một chiến dịch toàn quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm nhấn mạnh lòng trung thành chính trị, ông Zhong Shan - người thuộc phe "Diều hâu" (thuật ngữ để chỉ các cá nhân ủng hộ chính sách gây hấn và hiếu chiến, đặc biệt là trong vấn đề đối ngoại) đã phác thảo một kế hoạch tác chiến "Sáu Cộng Một" cho Bộ Thương mại.

"Phương án Một chính là chúng ta cần phải hoàn thành tốt công việc xử lí xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ", ông Zhong nói. "Mỹ đã bắt đầu cuộc tranh chấp kinh tế và thương mại với chúng ta, vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới".

"Chúng ta phải thể hiện tinh thần đấu tranh theo cách tốt nhất và giữ vững lập trường trong việc bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc và hệ thống thương mại đa phương", Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh.

Sáu phương án còn bao lại bao gồm các sáng kiến được ưu tiên khác. Trong số đó, ông Zhong cho biết Bắc Kinh sẽ tăng cường thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, tăng tiêu thụ nội địa và vận hành Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế vào tháng 11 tới thành công.

Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển các khu thương mại tự do ở Trung Quốc đại lục.

Giới chuyên gia đánh giá Trung Quốc đang mất dần hứng thú đàm phán

Ông Zhong đưa ra nhận xét trên vài ngày sau khi tham gia cuộc điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Đây là lần đầu tiên ông tham dự cuộc trò chuyện trực tiếp với các nhà đàm phán của Washington.

Theo quan sát viên, sự tham gia của ông Zhong cho thấy quyết tâm bổ sung nhiều chuyên gia thương mại vào phái đoàn đàm phán của Chính phủ Trung Quốc, khi mà các cuộc trao đổi song phương đã trở nên khó khăn hơn.

Từng làm việc dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình trong thời gian ông Tập công tác tại tỉnh Chiết Giang, ông Zhong Shan được bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng Thương mại từ năm 2017.

Theo quan sát viên Zhang Lifan (Bắc Kinh), bình luận của ông Zhong cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ.

"Bình luận này chủ yếu dành cho khán giả trong nước, tuy nhiên nó cho thấy rõ ràng rằng Trung Quốc không vội đạt thỏa thuận với Mỹ và đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán kéo dài", ông Zhang nói.

"Dường như Trung Quốc đang chờ đợi diễn biến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020".

Trong khi đó, theo ông Scott Kennedy, sự hiện diện nổi bật của ông Zhong cho thấy Trung Quốc đang mất hứng thú trong việc giải quyết các mối quan tâm của Mỹ trong đàm phán.

Ông Kennedy hiện là nhà kinh tế công tác tại Viện chính sách Centre for Strategic and International Studies (có trụ sở ở Washington).

Bên cạnh đó, ông còn khuyên rằng những ai đang hi vọng về một thỏa thuận có thể giúp mối quan hệ song phương Mỹ - Trung ổn định thì nên từ bỏ những ảo tưởng này, vì thỏa thuận sẽ không đến sớm như mong đợi.

Khả Nhân

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.