|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lợi thế cạnh tranh quốc gia (National Competitive Advantage) là gì? Đặc điểm của lợi thế cạnh tranh

18:21 | 20/09/2019
Chia sẻ
Lí thuyết về lợi thế cạnh tranh quốc gia do Michael Porter đưa ra vào những năm 1990. Mục đích của lí thuyết này là giải thích tại sao một số quốc gia lại có được vị trí dẫn đầu trong việc sản xuất một số sản phẩm, hay nói cách khác đi tại sao lại có những quốc gia có lợi thế cạnh tranh về một số sản phẩm. Vậy lợi thế cạnh tranh quốc gia là gì?
Lợi thế cạnh tranh quốc gia (National Competitive Advantage) là gì? Đặc điểm của lợi thế cạnh tranh - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Red.com.vn)

Lợi thế cạnh tranh quốc gia (National Competitive Advantage)

Lợi thế cạnh tranh quốc gia trong tiếng Anh gọi là National Competitive Advantage.

Lợi thế cạnh tranh quốc gia được thể hiện ở sự liên kết của 4 nhóm yếu tố: điều kiện các yếu tố sản xuất (factor of production); điều kiện về cầu (demand conditions); các ngành công nghiệp hỗ trợ và có liên quan (related and supporting industries); chiến lược, cơ cấu và mức độ cạnh tranh của ngành (strategies, structures and competition).

Mối liên kết của 4 nhóm này tạo thành mô hình kim cương, các yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau và hình thành nên khả năng cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, còn có 2 yếu tố khác là chính sách của Chính phủ và cơ hội.

Đặc điểm của lợi thế cạnh tranh quốc gia

- Điều kiện các yếu tố sản xuất: một quốc gia có thể duy trì lợi thế cạnh tranh dựa trên đầu vào khi quốc gia có các đầu vào cần thiết cho cạnh tranh ngành cụ thể nào đó là các đầu vào cao cấp và chuyên ngành. Các đầu vào có thể được tạo ra bởi các đơn vị tư nhân hoặc Chính phủ.

Khu vực Chính phủ thường tập trung đầu tư tạo ra các đầu vào cơ bản và phổ biến. Trừ khi có mối quan hệ chặt chẽ với các ngành, khu vực Chính phủ nói chung thường không thành công trong việc đầu tư tạo ra các đầu vào chuyên ngành và cao cấp.

- Điều kiện nhu cầu trong nước: ba khía cạnh của nhu cầu trong nước ảnh hưởng lớn tới lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là bản chất của nhu cầu, dung lượng và quy mô tăng trưởng của nhu cầu và cơ chế lan truyền nhu cầu trong nước ra các thị trường quốc tế. Bản chất nhu cầu tác động tới lợi thế cạnh tranh thông qua cấu trúc nhu cầu, mức độ đòi hỏi của người mua và tính hướng dẫn của nhu cầu.

- Các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan: một quốc gia có lợi thế cạnh tranh trong nhiều ngành hỗ trợ và nhiều ngành liên quan sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Lợi thế cạnh tranh của các ngành hỗ trợ và liên quan sẽ tạo ra lợi thế tiềm tàng cho các doanh nghiệp như cung cấp trong thời gian ngắn và với chi phí thấp, duy trì quan hệ hợp tác liên tục…

- Chiến lược, cơ cấu và môi trường cạnh tranh: toàn bộ ngành công nghiệp sẽ tiến bộ nhanh hơn do những ý tưởng mới được phổ biến và ứng dụng nhanh hơn. Tình trạng có nhiều đối thủ cạnh tranh có thể khắc phục được một số điểm bất lợi là thiếu đối thủ cạnh tranh tạo ra sức ép buộc Chính phủ phải đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ như trợ cấp, bảo hộ sản xuất trong nước thiếu hợp lý…

Vai trò của Chính phủ đối với lợi thế cạnh tranh quốc gia

- Thứ nhất, định hướng phát triển thông qua chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế. Định hướng phát triển phải đóng vai trò như là một kim chỉ nam hướng dẫn các quyết định, hành động và quan niệm của tất cả các đối tượng trong nền kinh tế.

- Thứ hai, tạo môi trường pháp lý và kinh tế cho các chủ thể kinh tế hoạt động và cạnh tranh lành mạnh.

- Thứ ba, điều tiết hoạt động và phân phối lợi ích một cách công bằng thông qua việc sử dụng các công cụ ngân sách, thuế khóa, tín dụng…

- Thứ tư, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh tế theo đúng pháp luật và chính sách đề ra…

Vai trò của cơ hội

- Cơ hội tạo ra sự thay đổi bất ngờ cho phép dịch chuyển vị thế cạnh tranh, chúng có thể xóa đi lợi thế của những công ty thành lập trước đó và tạo ra tiềm năng mà các công ty mới có thể khai thác để có được lợi thế đáp ứng những điều kiện mới và khác biệt.

- Cạnh tranh theo cơ hội có thể nâng cao mức độ và tính khẩn cấp của các khoản đầu tư khoa học trong nước và thay đổi quan hệ khách hàng.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Ngoại thương, NXB Lao động – Xã hội)

Đức Nhượng