|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lời 'kêu cứu' của ngành đường

12:53 | 07/06/2018
Chia sẻ
Trước nguy cơ thua ngay trên sân nhà, ngành đường lên tiếng "kêu cứu" các bộ ngành trong bối cảnh giá rớt thảm hại.
loi keu cuu cua nganh duong Bứt phá của ngành đường
loi keu cuu cua nganh duong Đường nội tìm cách chiến thắng đường ngoại
loi keu cuu cua nganh duong Triển vọng u ám ngành đường thế giới: Giá đường có thể giảm xuống mức dưới 10 cent/pound

Đường "đắng"

Năm 2017 - 2018 được coi là năm ngành đường phải nếm trải vị đắng khi giá liên tục rớt thảm hại. Thậm chí có thời điểm, giá đường giảm xuống dưới ngưỡng giá thành và gần bằng giá đường lậu, doanh nghiệp ngậm ngùi bán lỗ để có tiền thanh toán mía cho nông dân. Các tỉnh đồng bằng Cửu Long trước kia có 10 nhà máy đường thì có tới 4 nhà máy đóng cửa vì giá đường xuống quá thấp.

loi keu cuu cua nganh duong
Lời 'kêu cứu' của ngành đường. Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Hiệp hội Mía đường, tính từ đầu vụ đến giữa tháng 5, giá đường tinh luyện giảm khoảng 2.000 đồng/kg, đường trắng giảm khoảng 2.800 - 2.900 đồng/kg.

Giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại các nhà máy ở miền Bắc dao động từ 11.000 đến 12.000đ/kg; Miền Trung Tây Nguyên từ 10.500 đến 11.000đ/kg; Miền Nam từ 11.200 đến 11.800đ/kg. So với cùng kỳ năm trước, giá đường giảm mạnh từ 5.000 - 5.500đ/kg.

Trong khi đó, giá thành sản xuất đường tại các nhà máy hiện nay dao động khoảng 11.000 đồng/kg - 13.000 đồng/kg, giá đường lậu khoảng 11.000 đồng/kg.

Giá đường trong nước thấp đến mức, lượng đường lậu năm nay vào Việt Nam cũng chậm hơn so với mọi năm.

Để giải quyết tạm thời tình thế khó khăn, tỉnh Hậu Giang kêu gọi cán bộ ủng hộ tiêu thụ lượng đường tồn kho của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco). Theo đó, lượng đường mua ủng hộ dao động từ 5 đến 20 kg/người tùy từng ban, ngành. Động thái này nhằm hỗ trợ công ty mua mía và thanh toán kịp thời cho nông dân trong bối cảnh giá đường xuống quá thấp, lượng tiêu thụ chậm.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết theo kế hoạch sản xuất niên vụ 2017/2018, cả nước có 37 nhà máy hoạt động với tổng công suất thiết kế là 162.300 TMN (tấn mía ngày). Tuy nhiên, tính đến ngày 15/5 mới có 18 nhà máy kết thúc vụ.

Bên cạnh lượng tồn kho lớn của niên vụ 2016/2017, thì bước vào niên vụ mới, tính đến hết tháng 4, tồn kho đường đã lên tới 700.000 tấn.

Nguyên nhân mà Hiệp hội Mía đường đưa ra cho lượng đường tồn kho khổng lồ này này vẫn là câu chuyện đường lậu vào Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy chế biến thực phẩm, nhất là sản xuất nước giải khát có xu hướng nhập khẩu các loại đường khác (như đường fructose từ bắp) thay thế mía đường. Các doanh nghiệp dùng đường cho sản xuất đang chờ đợi ý kiến của Chính phủ về việc gia hạn thời điểm xóa bỏ hạn ngạch thuế quan mặt hàng đường theo Hiệp định thương mại hàng hóa các nước ASEAN (ATIGA).

Ngoài ra, thị trường đường thế giới cũng đang thừa cung càng gây áp lực lên ngành đường Việt Nam. Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) ước tính sản lượng thế giới trong năm 2017 – 2018 đạt 185,21 triệu tấn, vượt mức dự báo 178,7 triệu tấn trước đó, và tăng 10,3% so với mùa vụ trước ở 167,85 triệu tấn. Điều này khiến giá đường giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Nguyên nhân của sự gia tăng mạnh mẽ là mức sản xuất kỷ lục tại Ấn Độ và Thái Lan. ISO dự báo thặng dư đường toàn cầu trong năm 2017 – 2018 là 10,51 triệu tấn, tăng mạnh so với ước tính trước đó là 5,15 triệu tấn.

Như vậy, ngành đường Việt Nam nói riêng và ngành đường thế giới nói chung khó lòng tìm được “điểm sáng” trong triển vọng từ nay đến cuối năm.

Cái chết đã được báo trước

Trao đổi với phóng viên, ông Đăng Kim Sơn, chuyên gia Chính sách Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng khó khăn của ngành đường hôm nay là “cái chết đã được báo trước”.

“Chúng ta đã bàn về những khó khăn này từ chục năm trước khi Việt Nam bắt đầu mở cửa hội nhập”.

Theo ông Sơn, các vùng chuyên canh chưa phát huy được hiệu quả nên năng suất, trữ đường và quy mô mía thấp so với thế giới.

Hiện nay, chất lượng mía Việt Nam vẫn còn thấp. Năng suất đường và mía bình quân lần lượt đạt 61,3 tấn/ha và 5,64 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hiệu suất thu hồi tấn mía/tấn đường vẫn ở mức cao, trên 10 tấn mía/1 tấn đường.

Vì vậy, đường Việt Nam khó lòng cạnh tranh với đường nước ngoài, ông Sơn nói. Ngay từ khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do đồng nghĩa với giảm dần hệ thống bảo vệ mậu dịch, thế yếu ngành đường dần được bộc lộ ra. 10 năm chính là quãng thời gian để ngành đường kịp thời khắc phục những điểm yếu này. Tuy nhiên, rất ít nhà máy đường thay đổi, đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng các vùng chuyên cạnh hiệu quả.

“Khi tiếng chuông giảm thuế đã reo, rõ ràng nhiều doanh nghiệp không thể chịu sức ép được từ bên ngoài”, ông Sơn nhận định.

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam khi ký hiệp định ATIGA, Thái Lan cũng tỏ rõ tham vọng chiếm lĩnh thị trường châu Á, đặc biệt là ASEAN. Năm ngoái, sản lượng đường của Thái Lan đạt 11 triệu tấn trong đó tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 2 triệu tấn còn lại dùng để xuất khẩu.

Trong khi đó, giá đường Việt rẻ hơn so với đường Thái Lan nên sức ép đè lên ngành đường trong nước càng lớn.

Lời “kêu cứu”

Trước nguy cơ “thua ngay trên sân nhà”, ngành đường kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sớm có ý kiến về thời điểm xóa bỏ hạn ngạch thuế quan mặt hàng đường theo hiệp định ATIGA. Hiệp hội Đường đồng thời đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng về việctiếp tục gia hạn thí điểm các cửa khẩu phụ tại các tỉnh biên giới; dành riêng một số cửa khẩu cho xuất khẩu hàng hóa nông sản, trong đó có mặt hàng đường; không cho phép hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất đi qua cửa khẩu phụ này. Hiệp hội đề nghị dừng việc thí điểm tạm nhập tái xuất các mặt hàng đường đi qua cửa khẩu phụ.

Đặc biệt, Hiệp hội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương xây dựng hàng rào kỹ thuật và kiểm soát chất lượng đường theo quy định về chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và đăng ký hợp quy sản phẩm đường phù hợp với Luật An toàn thực phẩm.

Đối với Bộ Tài chính, Hiệp hội kiến nghị Bộ xem xét áp dụng mức thuế trong hạn ngạch 5% không chỉ đường trong khu vực ASEAN, mà còn đối với Brazil, Úc, Ấn Độ để tăng tính cạnh tranh của nguồn cung, tránh tạo ra độc quyền nguồn cung từ Thái Lan.

“Thực hiện điều này có lợi cho việc nhập khẩu đường vào Việt Nam, giữ bảo hộ cho sản xuất trong nước như hiện nay trong khi vẫn bảo đảm cam kết trong các FTA”, Hiệp hội Đường nhận định.

Hiệp hội đồng thời khuyến cáo các công tác công ty, nhà máy đường nên chú trọng khách hàng truyền thống ổn định lâu dài, nhất là đối với khách hàng sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất công nghiệp, nước giải khát và các doanh nghiệp, cơ sở thương mại dịch vụ, kinh doanh, bán buôn bán lẻ đường.

Xem thêm

Đức Quỳnh