|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch mía đường Sóc Trăng: 'Nếu không có Chỉ thị 28, công ty chúng tôi đã đóng cửa rồi'

16:27 | 02/12/2020
Chia sẻ
Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty mía đường Sóc Trăng cho biết trong suốt ba năm qua công ty gặp khó khăn do chịu tác động bởi nạn đường lậu và gian lận thương mại. Nếu không có chỉ thị 28 của Thủ tướng, công ty không còn đủ sức để hoạt động.

Diện tích mía giảm mạnh do đường lậu

Tại Hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới" ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty mía đường Sóc Trăng cho biết diện tích đất trồng mía tỉng Sóc Trăng trong giai đoạn 2017 - 2020 giảm tới 70% xuống còn 2.400 ha. 

Dự kiến trong năm 2021, diện tích trồng mía sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 2.000 ha. Điều này dẫn đến sản lượng mía của công ty giảm mạnh. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi đường nhập lậu, gian lận thương mại.

Ông Hiếu cho biết: “Thực trạng của công ty hiện tiền thì không có, chủ yếu vay từ các ngân hàng thuơng mại, hàng tồn kho cao. Thậm chí có lúc chúng tôi chỉ bán được 10% lượng đường trong niên vụ. 

Tuy nhiên, mỗi khi bắt được đường lậu, đường tồn kho của chúng tôi lại bán được. Có khi một ngày chúng tôi bán được hàng trăm tấn”.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp khi chịu tác động của đường lậu và gian lận thương mại. (Video: Đức Quỳnh)

Vị này cho biết để tăng thu nhập cho bà con, công ty đã xây dựng chính sách ưu đãi nhằm vực lại vùng mía tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, công ty có chính sách giá bảo hiểm niên vụ 2020 - 2021 và 2021 - 2022 là 850.000/tấn mía tại ruộng. Năm trước con số này chỉ khoảng 700.000 - 750.000 đồng/tấn.

"Nhiều vùng bị lỗ nên người dân thu hẹp diện tích trồng mía. Sắp tới, công ty chúng tôi sản xuất không nổi 3 tháng vì không có nguyên liệu. Trong đó chúng tôi phải giữ chân người lao động", ông Hiếu nói. 

"Hiện nay doanh nghiệp hoạt động chủ yếu nhờ vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, do tình hình làm ăn khó khăn nên ngân hàng siết chặt tín dụng. Chúng tôi kiến nghị các ngân hàng thương mại cho vay tín chấp và có lãi suất đãi đối với việc phát triển vùng nguyên liệu", ông Hiếu nói.

Trước tình hình khó khăn của ngành đường, Thủ tướng đã có Chỉ thị 28/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới nhằm đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng cho ngành đường và nông dân trồng mía.

Chia sẻ với người viết, ông Hiếu nói: "Nếu không có chỉ thị này công ty chúng tôi đã đóng cửa rồi và bản thân tôi cũng không tham dự hội nghị này"

Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, trong 9 tháng đầu năm lượng đường nhập khẩu đạt gần 1.064.766 tấn, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2019 (khoảng 206.600 tấn). 

Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, chiếm 89,7% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam. 

Lượng nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 960.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2020 (trong khi lượng nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 chỉ là 182,132 tấn, cả năm 2019 là 300.000 tấn). 

Sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019/2020 ước tính chưa tới 800 nghìn tấn, sụt giảm so với 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018/2019.

Ông Dũng cho biết kể từ khi thực hiện mở cửa ngành đường theo hiệp định ATIGA kể từ tháng 1, lượng đường nhập lậu giảm do chủ yếu chuyển sang hình thức nhập khẩu chính ngạch khi thuế chỉ còn 5%.

Tuy nhiên, ngành đường trong nước đã cung cấp bằng chứng rằng sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.

Ông Dũng cho biết hiện tại, Cục Phòng vệ Thương mại đang điều tra chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan. Dự kiến kiến trong 4 - 7 tháng tới sẽ có biện pháp tự vệ tạm thời.

Chấp nhận cạnh tranh nhưng cần công bằng

Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Hiếu cho biết các công ty mía đường hiện nay hầu hết xuất thân từ chương trình 1 triệu tấn cách đây 25 năm và là doanh nghiệp nhà nước. 

Khi chương trình hoàn thành đã đáp ứng được nhu cấu trong nước, không phải nhập nước ngoài, không tốn ngoại tệ. Kể từ đó, các doanh nghiệp nhà nước này dần thoái vốn.

"Với vai trò những nhà đầu tư, chúng tôi ưu tư nhiều khi nhà nước thoái vốn. Trong bình diện ngành mía đường có những doanh nghiệp lớn phát triển mạnh. Nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp còn tồn tại điểm yếu kém. 

Nhưng xét vào điều kiện thực tế, nhà nước cần giải quyết vấn đề gian lận thương mại, tự thân các doanh nghiệp có thể nỗ lực hết sức theo khả năng nguồn lực của mình. Chúng tôi chấp nhận cạnh tranh nhưng mong muốn cạnh tranh công bằng, lành mạnh", ông Hiếu nói.


H.Mĩ