|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ATIGA: Thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ đối với mặt hàng giày dép

14:04 | 31/10/2020
Chia sẻ
Các nước ASEAN đang hướng tới việc áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ mà không cần phải thông qua một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.

Thủ tục chung

ATIGA áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ truyền thống: Chứng nhận xuất xứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Nước xuất khẩu cấp.

Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), nhà xuất khẩu phải xin Chứng nhận xuất xứ form D tại một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.

Tại Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền là 18 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu thuộc Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương và 37 Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất do Bộ Công Thương ủy quyền.

Thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ

Các nước ASEAN đang hướng tới việc áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ mà không cần phải thông qua một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.

Hiện đã có hai dự án thí điểm về Tự chứng nhận xuất xứ đang được các nước ASEAN thực hiện, theo đó các nhà xuất khẩu đủ điều kiện sẽ được tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn thương mại cho hàng xuất khẩu.

- Dự án thí điểm 1: Ký ngày 30/8/2010 bởi ba nước Brunei, Malaysia và Singapore, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/11/2010. Thái Lan tham gia vào tháng 10/2011.

- Dự án thí điểm 2: Ký ngày 29/8/2012 bởi ba nước Lào, Indonesia và Philippines, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2014. Việt Nam tham gia vào tháng 9/2014.

Điểm khác biệt chính giữa hai dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ này là trong dự án thí điểm thứ nhất, thương nhân xuất khẩu hay thương nhân nhập khẩu có thể tự chứng nhận, trong khi trong dự án thí điểm thứ hai, chỉ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của mình được tự chứng nhận xuất xứ.

Ở Việt Nam, cơ chế thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN được quy định Thông tư số 28/2015/TT-BCT, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 27/2017/TT-BCT.

Theo các Thông tư này, doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ phải đáp ứng các điều kiện gồm:

(i) Là nhà sản xuất đồng thời là người xuất khẩu hàng hóa do chính thương nhân sản xuất; 

(ii) Không vi phạm quy định về xuất xứ trong hai năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký; 

(iii) Là doanh nghiệp nhỏ và vừa trở lên; có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo đã được Bộ Công Thương chỉ định theo quy định tại Thông tư số 28/2015/TT-BCT hoặc được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ định cấp.

(iv) Về loại hàng hóa: thương nhân được lựa chọn không được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với những lô hàng do cơ quan hải quan phân loại vào luồng vàng hoặc luồng đỏ khi khai báo xuất khẩu.

Trên thực tế, đến 2017, ở Việt Nam mới có hai doanh nghiệp được tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ (Vinamilk và Nestlé).

Ánh Dương