|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cục Phòng vệ Thương mại: Chúng tôi điều tra CBPG đường Thái Lan nhanh nhất có thể

22:09 | 01/12/2020
Chia sẻ
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết cơ quan này đang đẩy nhanh tiến trình điều tranh chống bán phá giá đối với đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến kể từ khi mở thị trường đối với ngành này.

Lượng đường Thái Lan vào Việt Nam tăng đột biến

Tại Hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới”, ông Nguyễn Văn Lộc Quyền Tổng thư kí Hiệp hội Mía Đường cho hay Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho biết hiện Hiệp hội đã có đầy đủ bằng chứng xác định đường nhập khẩu từ Thái Lan được trợ cấp để bán ra nước nước ngoài. 

Ngoài ra, đường nhập lậu cũng gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. 

Để giải quyết vấn đề ngày, trước đóm hồi tháng 9, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN liên quan tới việc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo WTO, Việt Nam đã bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN kể từ ngày 1/1. 

Cục Phòng vệ Thương mại: Chúng tôi điều tra CBPG đường Thái Lan nhanh nhất có thể - Ảnh 1.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại. (Ảnh: Đức Quỳnh)

Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan cho ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh, trong 9 tháng đầu năm đạt gần 1.064.766 tấn, tăng hơn 5 lần so với cùng năm 2019 (khoảng 206.600 tấn). 

Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỉ lệ chủ yếu, chiếm 89,7% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam. 

Lượng nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 960.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2020 (trong khi lượng nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 chỉ là 182,132 tấn, cả năm 2019 là 300.000 tấn). 

Ông Dũng cho biết lượng đường trước kia nhập lậu nay chuyển sang nhập chính ngạch. Đây cũng là lí do chính khiến lượng đường nhập lậu giảm trong khi đường nhập chính ngạch tăng mạnh. 

Sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019/2020 ước tính chưa tới 800 nghìn tấn, sụt giảm so với 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018/2019. 

Bên cạnh đó, ngành sản xuất trong nước cũng đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.

Ngoài ra, hồi tháng 6, Bộ Công Thương cũng đã điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ông Dũng cho biết trước khi bãi bỏ hạn ngạch Cục Phòng vệ Thương mại đã trao đổi với Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Bộ Tài Chính rất kĩ để chuẩn bị các qui định và hồ sơ về phòng vệ. 

Theo qui định, muốn điều tra chống bán phá giá cơ quan quản lí đánh giá tác động của hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm trong một số trường hợp có thể là 6 tháng.

"Ngành mía đường mở cửa từ tháng 1. Trong tháng 6 sau khi có số liệu nhập khẩu đường, Hiệp hội Mía đường đã điền luôn vào hồ sơ sau đó gửi lên Bộ Công Thương và khởi sướng 21/9. Chúng tôi đang làm nhanh nhất có thể thể", ông Dũng cho biết. 

Giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới

Theo ông Lộc trong những năm qua, ngành mía đường Việt Nam đã triển khai công tác tái cơ cấu mạnh mẽ thông qua hiện đại hóa các nhà máy. Ngoài ra, một số doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh đã chủ động hoặc buộc phải đóng cửa dừng hoạt động. 

Một số vùng trồng mía không hiệu quả nhưng có thể sản xuất các loại cây trồng khác cho năng suất, chất lượng và thu nhập tốt hơn đã chuyển đổi cây trồng.

Với thực tế đa số các vùng trồng mía của Việt Nam không phải là đất bằng phẳng và thuận lợi cho việc cơ giới hóa và tưới tiêu, cần tiếp tục tìm nghiên cứu các mô hình trồng mía mới sử dụng công nghệ để áp dụng vào Việt Nam cho phù hợp.

Bên cạnh đó, cần tích cực trong công tác chống gian lận thương mại đường nhập lậu theo chỉ thị của Thủ tướng về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, trong đó có giao cho Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi buôn lậu đường.          

H.Mĩ