|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lập ngân sách (Budgeting) là gì? Các phương thức lập ngân sách

09:56 | 13/01/2020
Chia sẻ
Lập ngân sách (tiếng Anh: Budgeting) là cơ sở cho việc phân bổ nguồn lực một cách có hiệu quả, nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lí của Nhà nước.
Lập ngân sách (Budgeting) là gì? Các phương thức lập ngân sách - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: moneyunder30.com)

Lập ngân sách

Khái niệm

Lập ngân sách trong tiếng Anh là Budgeting.

Lập ngân sách là công cụ quan trọng trong quản lí tài chính công, nó là cơ sở cho việc phân bổ nguồn lực một cách có hiệu quả, nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lí của Nhà nước.

Các phương thức lập ngân sách 

Trong thời gian qua, các nước đã rất nỗ lực trong tiến trình cải cách các phương thức quản lí tài chính công hướng tới một nền tài chính quốc gia lành mạnh, hiệu quả và đã trải nghiệm qua các phương thức lập ngân sách.

- Phương thức lập ngân sách theo khoản mục

Trong phương thức này, các khoản thu, chi ngân sách đã được khoản mục hóa. Những khoản mục này được chi tiết và phân định rõ số tiền cho mỗi cơ quan, đơn vị được hưởng là bao nhiêu hoặc đối với mỗi một tiểu mục cũng xác định rõ là tiểu mục đó được chi là bao nhiêu. 

Việc qui định cụ thể mức chi yêu cầu các đơn vị thụ hưởng ngân sách phải chi theo đúng khoản mục qui định và cần có cơ chế giải trình đối với những yếu tố đầu vào.

Phương thức lập ngân sách theo khoản mục có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện và dễ kiểm soát được các khoản chi bằng cách so sánh với những năm trước đó thông qua việc so sánh các yếu tố đầu vào của các năm.

Tuy nhiên, phương thức này còn có nhiều hạn chế: nhấn mạnh nhiều đến khoản chi có tính chất tuân thủ mà Nhà nước đưa ra, chưa trả lời được câu hỏi tại sao lại cần có khoản chi đó, ngân sách lập trong thời gian ngắn hạn là một năm, chưa có cơ chế phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, cứng nhắc trong phân bổ ngân sách cho các đơn vị thụ hưởng.

- Phương thức lập ngân sách theo công việc thực hiện

Lập ngân sách theo công việc thực hiện là việc phân bổ nguồn lực theo khối lượng công việc hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị trên cơ sở gắn kết công việc thực hiện với chi phí đầu vào.

Lập ngân sách theo công việc dựa vào khối lượng công việc được tiên đoán bằng cách nhân chi phí đơn vị với khối lượng công việc được yêu cầu trong những năm tiếp theo.

Ưu điểm của phương thức này là liên kết được kết quả tạo ra với nguồn lực được yêu cầu trong chu trình ngân sách của từng năm. Nhưng mặt khác, đây cũng chính là nhược điểm của nó vì đã không chú trọng đúng đến mức tác động hay ảnh hưởng dài hạn của chính sách.

- Phương thức lập ngân sách theo chương trình

Phương thức này tập trung vào sự lựa chọn của ngân sách trong số các chính sách, chương trình có tính cạnh tranh. 

Lập ngân sách theo chương trình thiết lập hệ thống phân phối nguồn lực, gắn kết được các kết quả của các chương trình với những chi phí cần bỏ ra để thực hiện chương trình đó.

Trong phương thức này, ngân sách được phân loại theo các khoản mục chương trình hơn là theo những mối quan hệ có tính tổ chức, đòi hỏi các mục tiêu chương trình là phải dài hơn một năm ngân sách. Lập ngân sách theo chương trình yêu cầu sự cần thiết phải đo lường tính hiệu lực, tác động của những yếu tố đầu ra tới mục tiêu.

Tuy nhiên phương thức này cũng còn bộc lộ những nhược điểm như khái niệm chương trình là khái niệm không hoàn hảo đối với ngân sách vì không thể tạo ra chương trình cho tất cả các cơ quan, tổ chức để thực hiện. 

Mặt khác, lập ngân sách theo chương trình không đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa phân phối ngành và những mục tiêu mang tính chiến lược cần phải ưu tiên.

- Phương thức lập ngân sách theo kết quả đầu ra

Lập ngân sách theo kết quả đầu ra là hoạt động quản lí ngân sách dựa trên cơ sở tiếp cận các thông tin đầu ra giúp cho Nhà nước thực hiện phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất.

Lập ngân sách theo kết quả đầu ra gồm nhiều công đoạn như thiết lập mục tiêu, lựa chọn các chỉ số và kết quả hướng tới, giám sát công việc thực hiện, phân tích và báo cáo các kết quả so với mục tiêu đã đề ra.

(Tài liệu tham khảo: Quản lí tài chính công ở Việt Nam, NXB Tài chính)

Đức Nhượng