|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc lộ thêm dấu hiệu hụt hơi

14:25 | 15/12/2021
Chia sẻ
Loạt số liệu mới cho thấy nền kinh tế Trung Quốc lại tiếp tục hụt hơi trong tháng 11, nguyên nhân là do thị trường bất động sản sụt giảm nghiêm trọng và chuỗi cung ứng vẫn đứt đoạn.

Số liệu đáng lo từ Trung Quốc

Đầu tuần này, chính phủ Trung Quốc vừa công bố một loạt dữ liệu kinh tế mới, bao gồm các số liệu về đầu tư, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ. Trong đó, tăng trưởng đầu tư vào tài sản số định trong 11 tháng đầu năm nay chỉ là 5,2%.

Cùng giai đoạn này, do các quy định tài chính nghiêm ngặt và doanh số bán nhà sụt giảm, đầu tư vào bất động sản tại Trung Quốc chỉ tăng khoảng 6%, chững lại đáng kể so với con số 7,2% của 10 tháng đầu năm.

Tính riêng tháng 11, đầu tư cơ sở hạ tầng, một mắt xích yếu khác của kinh tế Trung Quốc trong năm nay, tăng trưởng với tốc độ chậm hơn, khoảng 0,5%. Chính quyền địa phương đang tích cực đi vay và bắt đầu triển khai các dự án mới. Bắc Kinh cũng đã cho phép các tỉnh bán trái phiếu đặc biệt của năm 2022 từ ngày 1/1/2022 để tăng tốc chi tiêu.

Kinh tế Trung Quốc lộ thêm dấu hiệu hụt hơi - Ảnh 1.

Sản lượng công nghiệp tháng 11 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, nhích nhẹ so với mức 3,5% của tháng 10 và cao hơn ước tính 3,7% của các nhà kinh tế. Tăng trưởng doanh số bán lẻ chững xuống còn 3,9%, hụt so với dự báo tăng 4,7%.

Cũng trong tháng 11, doanh thu trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống giảm 2,7% do người tiêu dùng chủ yếu ở nhà trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tái bùng phát. Tóm lại, tiêu dùng tại Trung Quốc còn khá yếu dù được hỗ trợ bởi doanh số khả quan trong đợt mua sắm Ngày độc thân (11/11).

Ngoài ra, qua khảo sát, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã nhích lên 5% trong tháng 11, trong khi số giờ làm việc trung bình mỗi tuần giảm từ mức kỷ lục 48,6 của tháng 10 xuống còn 47,8. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16 - 24 tăng nhẹ từ 14,2% lên 14,3%.

Loạt dữ liệu mới nêu bật lên áp lực suy giảm của nền kinh tế tỷ dân dưới tác động của lĩnh vực bất động sản, đồng thời cho thấy các thách thức mà chính phủ Trung Quốc phải đối mặt trong quá trình ổn định kinh tế.

Bắc Kinh khó lòng ngồi im

Bình luận về dấu hiệu kinh tế đáng lo của Trung Quốc, hai nhà phân tích David Qu và Eric Zhu của Bloomberg Economics nhận định trong những tháng tới, Bắc kinh sẽ tăng cường chính sách tài khóa và tiền tệ để giúp đỡ nền kinh tế nói chung.

Giới phân tích kỳ vọng Bắc Kinh sẽ sớm bơm thêm tín dụng vào hệ thống tài chính và nới lỏng một số quy định đối với thị trường bất động sản để củng cố tính "ổn định" của nền kinh tế.

Tuy nhiên, tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương tuần trước, giới chức Bắc Kinh vẫn giữ nguyên lập trường rằng "nhà là để ở, không phải để đầu cơ", Bloomberg thông tin. Dẫu vậy, sự hụt hơi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã buộc chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình chuyển trọng tâm sang ổn định tăng trưởng.

Đầu tháng 12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và Bắc Kinh đã ra lệnh chi tiêu tài khóa nhiều hơn trong năm 2022.

Kinh tế Trung Quốc lộ thêm dấu hiệu hụt hơi - Ảnh 2.

Trong một tuyên bố, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay: "Môi trường quốc tế ngày càng phức tạp và khắc nghiệt. Hơn nữa, chặng đường phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc vẫn vướng phải rất nhiều hạn chế".

"Do đó, chúng ta cần phải kết hợp chính sách vĩ mô xuyên chu kỳ (cross-cyclical) và ngược chu kỳ (counter-cyclical) để ổn định nền kinh tế đất nước", cơ quan này nhấn mạnh.

Chính sách vĩ mô xuyên chu kỳ tập trung vào việc thúc đẩy khả năng phục hồi của nền kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời cho phép chính phủ nới lỏng chính sách để đương đầu với những bất ổn trong tương lai, thay vì phải dùng đến một loạt chính sách kích thích.

Chính sách vĩ mô ngược chu kỳ chỉ các biện pháp đi ngược định hướng của chu kỳ kinh tế hoặc kinh doanh. Chẳng hạn, trong thời kỳ suy thoái, chính phủ sẽ tăng chi tiêu và giảm thuế để tạo ra nhu cầu cho nền kinh tế.

Khả Nhân