Kiểm soát tiêu thụ (Consumption Control) là gì? Mục tiêu kiểm soát tiêu thụ
Kiểm soát tiêu thụ (Consumption Control) (Nguồn: PPT Backgrounds)
Kiểm soát tiêu thụ (Consumption Control)
Kiểm soát tiêu thụ - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Consumption Control.
Kiểm soát tiêu thụ là hoạt động kiểm tra, đôi chiếu giữa thực tế với các chỉ tiêu, tiêu chuẩn có liên quan để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo cho hoạt động tiêu thụ thực hiện được mục tiêu bán hết sản phẩm với doanh thu cao nhất và chi phí tiêu thụ thấp nhất, góp phần đưa doanh nghiệp phát triển có hiệu quả trong môi trường biến động.
Mục tiêu của kiểm soát tiêu thụ
Kiểm soát tiêu thụ thường hướng vào mục tiêu chính sau:
- Đảm bảo các chính sách tiêu thụ là hợp lí, hiệu quả, có tác dụng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm;
- Đảm bảo các hoạt động tiêu thụ đang được tiến hành có hiệu lực, hiệu quả;
- Đảm bảo các kiểm soát được qui định cho hoạt động tiêu thụ là phù hợp, được duy trì có hiệu quả và được tuân thủ;
- Giảm thiểu rủi ro phát sinh ở khâu tiêu thụ.
Kiểm soát tiêu thụ cần tập trung giảm thiểu các loại rủi ro:
- Rủi ro trước tiêu thụ: rủi ro kênh phân phối không phù hợp: nơi thừa, nơi thiếu; kênh ở khu vực thị trường này thì thừa, kênh ở khu vực thị trường khác thì thiếu; rủi ro các chính sách sản phẩm, phân phối, giá cả, tiếp thị, khuyến mại không phù hợp; rủi ro không có lượng khách mua hàng như dự kiến kế hoạch; rủi ro không đủ sản phẩm theo yêu cầu của khách mua hàng; rủi ro sản phẩm không phù hợp với yêu cầu của khách mua hàng...
- Gian lận, rủi ro thường xuất hiện trong khâu bán hàng gồm rủi ro khâu xét duyệt bán hàng. Đây là loại gian lận thường xảy ra, nhân viên bán hàng thường bán cho khách với giá thấp hơn giá niêm yết, cho khách hàng hưởng chiết khấu không đúng hay bán chịu cho những khách hàng không có khả năng thanh toán để đạt được lợi ích cá nhân. Biển thủ tiền bán hàng xảy ra khi nhân viên bán hàng chiếm đoạt số tiền thu từ khách hàng và không ghi chép nghiệp vụ bán hàng vào sổ sách.
Một loại gian lận khác cũng rất thường gặp khi nhân viên bán hàng được phép nhận tiền mặt hay séc từ khách hàng: Nếu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt, nhân viên bán hàng nhận tiền và xuất phiếu thu; còn nếu khách hàng trả bằng séc thì nhân viên bán hàng không xuất phiếu thu hay hóa đơn. Khoản doanh thu do khách hàng trả bằng séc sẽ không được ghi nhận vào sổ sách.
Cũng có những rủi ro do nhân viên bán hàng ghi nhận số tiền trên thấp hơn số tiền khách thực trả. Chiếm đoạt tiền khách hàng trả trong trường hợp bán hàng theo phương thức trả chậm.
Một dạng gian lận khác cũng khá phổ biến là chiếm đoạt tiền khách hàng trả trong trường hợp bán hàng theo phương thức trả chậm. Đối tượng thực hiện hành vi này phải tìm cách che dấu bằng một số thủ thuật thay đổi số nợ, giả thư nhắc nợ, xóa nợ không đúng... (Theo Giáo trình Kiểm soát, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)