Khởi sự không vì mục tiêu lợi nhuận (Nonprofit startups) là gì? Đặc điểm
Hình minh hoạ (Nguồn: kaptanband)
Khởi sự không vì mục tiêu lợi nhuận
Khái niệm
Khởi sự không vì mục tiêu lợi nhuận trong tiếng Anh được gọi là nonprofit startups.
Khởi sự không vì mục tiêu lợi nhuận là khởi sự doanh nghiệp không vì lợi nhuận mà vì xã hội. Những doanh nghiệp này phát triển kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ nhưng không vì lợi ích cá nhân mình mà nhằm mục đích nhân đạo - các doanh nghiệp này được gọi là các doanh nghiệp xã hội.
Đặc điểm
Khác với doanh nhân kinh doanh, doanh nhân xã hội không có mục đích lợi nhuận mà họ hoàn toàn tự nguyện cống hiến cuộc đời mình cho hoạt động mang tính nhân đạo.
Xã hội đánh giá thành công của họ không phải qua lợi nhuận mà bằng những tiến bộ xã hội mà họ đóng góp cho cộng đồng.
Doanh nghiệp xã hội đã xuất hiện trong một thời gian khá dài nhưng gần đây mới được biết tới như là một cách tiếp cận sáng tạo và có định hướng thị trường để giải quyết các vấn đề xã hội.
Doanh nghiệp xã hội lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu chủ đạo, dùng mục tiêu kinh tế để đạt được mục tiêu xã hội/môi trường.
Doanh nghiệp xã hội có thể dưới dạng các tổ chức từ thiện, các tổ chức xã hội, các tổ chức vì cộng đồng phi lợi nhuận hoặc doanh nghiệp xã hội có lợi nhuận hoặc là kết hợp cả hai mô hình trên thành mô hình doanh nghiệp xã hội hỗn hợp.
Điều này tuỳ thuộc vào mục tiêu mà doanh nghiệp muốn đạt được và cách thức mà doanh nghiệp cho rằng hiệu quả nhất để đạt mục tiêu.
Ví dụ
Doanh nghiệp xã hội Tohe
Phan Thị Ngân tốt nghiệp khoa tiếng Trung – Đại học ngoại ngữ (thuộc Đại học quốc gia Hà Nội). Ban đầu, chị và người thân mở một công ty thiết kế và quảng cáo. Trong quá trình làm việc, chị và những người bạn có tham gia một số dự án xã hội của các tổ chức phi Chính phủ.
Một số dự án có vài hoạt động dành cho các em thiệt thòi, trẻ em vùng sâu vùng xa như hoạt động học vẽ. Lúc đó, họ băn khoăn bởi khi hết tiền dự án sẽ dừng lại và như vậy các em cũng chỉ có vài buổi vui chơi nên cũng sẽ có ít cơ hội được thể hiện sự sáng tạo của mình.
Năm 2009, sau một thời gian tìm hiểu tại các Trung tâm có trẻ em thiệt thòi, từ những bức vẽ đầy sáng tạo và hồn nhiên của trẻ cùng với kinh nghiệm trong nghề chị cùng chồng và bạn bè quyết định mở công ty với tên gọi là Tò he.
Tò he là một doanh nghiệp xã hội được thành lập dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh Việt Nam và Trung tâm sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP).
Khi ra đời công ty hoạt động ở hai mảng: xã hội và kinh doanh. Trong đó, Tò he mở ra sân chơi là các lớp học vẽ sinh hoạt miễn phí thường xuyên vào các ngày cuối tuần cho các em khuyết tật, thiệt thòi nhằm cải thiện đời sống tinh thần cho các em.
Đồng thời công ty tìm kiếm khách hàng giúp bán tranh của các em vẽ với thương hiệu Tò he để giúp các em có được chút thu nhập.
Một phần lợi nhuận từ bán tranh sẽ được chuyển lại cho các em hoặc cho trung tâm bảo trợ để cải thiện cuộc sống vất chất lúc nào cũng thiếu thốn của các em, một phần công ty sẽ giữ để chi trả cho các hoạt động cộng đồng mà công ty đứng ra tổ chức.
Sự khác biệt so với người hoạt động xã hội - từ thiện
Những người khởi sự doanh nghiệp xã hội có thể là doanh nhân, nhân viên xã hội, nhà hoạt động từ thiện,... tùy thuộc mô hình hoạt động của họ.
Tuy nhiên, doanh nhân xã hội khác với những người hoạt động xã hội - từ thiện kiểu truyền thống ở chỗ họ sở hữu những phẩm chất, kĩ năng như của một doanh nhân thực thụ.
Họ nhạy bén trong việc phát hiện, sử dụng các nguồn lực tiềm năng; đam mê, khát vọng tạo ra sự thay đổi; trực tiếp tạo lập, điều hành các tổ chức/doanh nghiệp xã hội; dám chấp nhận thách thức.
Doanh nhân xã hội là người có đầu óc sáng tạo mang lại những thay đổi cho cộng đồng.
Như thế, người lập ra doanh nghiệp xã hội lại hoàn toàn không nhằm mục đích kiếm tiền mà vì mục đích nhân đạo; doanh nghiệp do họ lập ra phát triển bất cứ sản phẩm/dịch vụ nào nền kinh tế cần để có lợi nhuận nhưng lợi nhuận không dành cho người tạo lập mà dành cho hoạt động từ thiện.
Như thế, doanh nghiệp xã hội lại tối đa hóa lợi ích xã hội nhưng bằng con đường kinh doanh.
(Tài liệu tham khảo: Khái lược về khởi sự kinh doanh, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)