|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khó khăn bủa vây nhiệm kì tổng thống của ông Trump, đe dọa cơ hội tái đắc cử năm 2020

11:54 | 02/11/2019
Chia sẻ
Nhiệm kì tổng thống của ông Trump đang trong giai đoạn bất ổn nhất sau khi Hạ viển bỏ phiếu vào hôm 31/10, thông qua quyết định tiến hành các bước tiếp theo trong cuộc điều tra luận tội chống lại ông.
2732_2-1546663885553209120568-crop-1546663893867659495881

Tổng thống Donald trump đang đối mặt với nhiều áp lực lớn, trong đó phải kể đến cuộc điều tra luận tội và thỏa thuận thương mại sơ bộ với Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Với 232 phiếu thuận và 196 phiếu chống, nghị quyết trên không chỉ đặt ra lộ trình cho giai đoạn công khai của cuộc điều tra mà còn phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng cuộc bỏ phiếu luận tội ông Trump ở Hạ viện và phiên tòa tại Thượng viện là gần như không thể tránh khỏi.

Ông Trump là tổng thống Mỹ thứ 4 phải đối mặt với cuộc điều tra luận tội chính thức. Hai trong số này, cựu Tổng thống Bill Clinton và cựu Tổng thống Andrew Johnson, đã bị luận tội ở Hạ viện nhưng không bị kết tội ở Thượng viện.

Còn cựu Tổng thống Richard Nixon đã từ chức trước khi Hạ viện có thể bỏ phiếu thông qua điều khoản của cuộc luận tội.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump có thể trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội và sau đó phải tìm cách tái đắc cử. Điều này đặt ra một thách thức mới cho ông Trump, khi mà ông phải nỗ lực để giữ cho Đảng Cộng hòa thống nhất không chỉ nhằm ngăn chặn Thượng viện buộc ông rời Nhà Trắng mà còn duy trì lòng tin của cử tri Mỹ.

Các động thái gần đây cho thấy ông Trump hiểu được mối nguy hiểm này. Sau khi phản đối lời kêu gọi thêm nhân viên vào Nhà Trắng, ông Trump nhiều khả năng sẽ bổ sung một chuyên gia quan hệ công chúng nổi tiếng nhằm giúp hỗ trợ công tác truyền thông về cuộc điều tra.

Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của ông cũng đã trả tiền cho một quảng cáo trên truyền hình quốc gia trong thời gian phát sóng chương trình World Series vào hôm 30/10, trong đó nhấn mạnh thành tựu của Tổng thống Mỹ và cùng lúc chỉ trích các đối thủ về "cuộc điều tra giả mạo".

Cuộc bỏ phiếu của Hạ viện và đoạn quảng cáo triệu USD

Theo một quan chức chính phủ, ông Trump đang tập trung cao độ trong việc duy trì tính thống nhất của Đảng Cộng hòa. Trong hai tuần qua, ông đã gặp mặt trực tiếp hơn 60 thành viên Hạ viện.

Không có Hạ nghị sĩ nào thuộc Đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết luận tội. Ông Justin Amash, một cựu thành viên Đảng Cộng hòa thường xuyên phê phán ông Trump và rời đảng này trong năm nay đã bỏ phiếu thuận.

Khó có khả năng Tổng thống Trump hoặc Nhà rắng sẽ đột nhiên trở nên hợp tác hơn với cuộc điều tra luận tội, ngay cả sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đáp ứng yêu cầu của luật sư Nhà Trắng Pat Cipollone và tiến hành bỏ phiếu để chính thức hóa qui trình.

Đồng thời, với nguồn tài chính dư giả, chiến dịch tái tranh cử của ông Trump đang tích cực mô tả các đối thủ của ông là những chính trị gia rảnh rỗi và suốt ngày chỉ muốn ông bị cách chức.

Chiến dịch đã trả hàng triệu USD cho một quảng cáo trên chương trình World Series để kể lại những thành tựu của Tổng thống Trump và cho biết Đảng Dân chủ "chỉ muốn tập trung vào cuộc điều tra luận tội giả mạo và bỏ qua nhiều vấn đề thực tế khác".

Quảng cáo còn có đoạn: "Ông Trump không phải là người dễ mến nhưng đôi khi phải có một người như ông ấy để thay đổi nước Mỹ".

Thuê cựu phát ngôn viên Bộ Tài chính về làm truyền thông

Mặc dù Tổng thống Trump liên tục bác bỏ nhu cầu thuê thêm nhân viên để chống lại nỗ lực luận tội của Đảng Dân chủ, ông có khả năng đưa cựu phát ngôn viên của Bộ Tài chính, ông Tony Sayegh, vào Nhà Trắng để hỗ trợ khâu truyền thông liên quan đến cuộc luận tội.

Vị trí của ông Sayegh sẽ chỉ mang tính tạm thời và ông cũng dự định giải quyết các vấn đề khác bên cạnh cuộc luận tội, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho hay.

Ông Sayegh được Nhà Trắng tin tưởng vì đã giúp thông qua thành tựu lập pháp lớn nhất của ông Trump là chính sách cải cách thuế năm 2017. Việc thuê cựu phát ngôn viên này còn nhận được sự ủng hộ từ con rể kiêm cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump - ông Jared Kushner.

Trước khi Hạ viện bỏ phiếu, cố vấn Nhà Trắng Kellyyanne Conway cho biết chính quyền ông Trump có thể chiêu mộ thêm một số luật sư và nhân viên truyền thông.

Ông Trump không có lịch trình chính thức nào vào sáng hôm 31/10 nên đã dành phần lớn thời gian của buổi sáng để đăng tweet, kênh thông tin ưa thích của ông để phản hồi về cuộc điều tra.

Ông đã đăng tải hơn 6 dòng tweet trước cuộc bỏ phiếu và tuyên bố cuộc luận tội đang gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.

"Cuộc thanh trừng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ!"

Tổng thống Trump viết trên Twitter khi Hạ viện bắt đầu bỏ phiếu.

Lập luận của Tổng thống Trump suy yếu

Việc thông qua nghị quyết của Hạ viện đã làm suy yếu lập luận chính của cả Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa, rằng cuộc điều tra luận tội là bất hợp pháp vì Hạ viện không tổ chức bỏ phiếu để phê chuẩn nó.

1

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi - người đi đầu trong cuộc điều tra luận tội ông Trump. (Ảnh: Bloomberg)

Việc thông qua qua nghị quyết còn buộc các thành viên Đảng Cộng hòa phải bảo vệ bản chất hành vi của ông Trump ở Ukraine, điều mà hầu hết họ đều không muốn làm.

Ngoài ra, việc từ chối tham gia vào giai đoạn công khai của cuộc điều tra luận tội có thể khiến ông Trump gặp bất lợi hơn nữa. Trong khi Đảng Dân chủ dự kiến sẽ gọi một loạt nhân chứng có thông tin bất lợi về hành vi của ông Trump với Ukraine, ông sẽ loại các luật sư và cố vấn sang một bên, mặc dù đây là những người có thể bào chữa cho ông.

"Tổng thống Trump không làm gì sai và Đảng Dân chủ biết điều đó", Thư kí Báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham tuyên bố. "Họ muốn đưa ra phán quyết mà không cho chính quyền ông Trump cơ hội bào chữa. Điều này không công bằng, vi phạm hiến pháp và không phải là cung cách của người Mỹ".

Trước đó, ông Trump từng ra lệnh cấm quan chức chính phủ làm chứng trước Quốc hội hoặc cung cấp hồ sơ cho các nhà điều tra, nhưng lệnh này phần lớn đã bị phớt lờ sau khi Đảng Dân chủ đưa ra trát đòi hợp tác.

Bên cạnh nghị quyết, các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện cũng ban hành một tài liệu riêng biệt, cho phép ông Trump cùng các cố vấn tham gia điều trần công khai bằng cách phản hồi cáo buộc và đưa ra nhân chứng của phía họ.

Tuy nhiên, Nhà Trắng và nhiều thành viên Đảng Cộng hòa ở Hạ viện cho biết các biện pháp bảo vệ theo thủ tục tố tụng không đủ mạnh mẽ.

Chiến tranh thương mại

Khi cuộc luận tội trở nên căng thẳng hơn tại Hạ viện, ông Trump còn phải đối mặt với áp lực phải cho Đảng Cộng hòa lẫn công chúng thấy ông vẫn còn khả năng quản lí đất nước.

Lập luận chính của Tổng thống Trump trong cuộc luận tội là ông đã tạo được một loạt thành tựu cho đất nước, đặc biệt là nền kinh tế đang trên đà đi lên - một khẳng định có thể mất đi tầm ảnh hưởng nếu ông bị sa lầy trong cuộc điều tra và không thể thực hiện nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử.

Một trong những nội dung lớn nhất trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là kí kết thỏa thuận thương mại sơ bộ với Trung Quốc. Mục tiêu này đã gặp trở ngại sau khi Chile tuyên bố hủy tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC, nơi hai nhà lãnh đạo dự định gặp mặt và đặt bút kí thỏa thuận.

Hôm 31/10, ông Trump đăng tweet khẳng định hai nước hiện đang tìm kiếm một địa điểm mới cho buổi lễ kí kết và sẽ sớm đưa thông báo.

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc lại bày tỏ thái độ nghi ngờ về một thỏa thuận thương mại lâu dài và toàn diện với Mỹ sau thỏa thuận giai đoạn một.

Ngoài ra, cuộc điều tra luận tội còn khiến nỗ lực thông qua bản sửa đổi hiệp định NAFTA của ông Trump trở nên phức tạp hơn, trong khi đây có thể là cơ hội duy nhất còn lại nhằm giúp ông đạt được một thành tựu lập pháp lớn trước thềm cuộc bầu cử năm 2020.

Cuộc khảo sát công khai do RealClearPolitics cho thấy đa số cử tri ủng hộ cuộc điều tra của Hạ viện.

Vụ luận tội còn nêu bật lên nhiều đặc điểm tính cách của ông Trump, trong đó điều mà các cử tri dao động (swing voter) quan tâm nhất là bản chất bốc đồng và sở thích đi ngược lại kì vọng thông thường về hành vi của một tổng thống Mỹ cũng như giới hạn quyền lực hợp pháp của ông.

Những tiết lộ mới trong cuộc điều tra luận tội có thể khiến những cử tri còn do dự chuyển sang xa lánh ông Trump, khi mà đây là nhóm cử tri sẽ quyết định cuộc bầu cử.

Điều đó có thể buộc ông và nhóm tranh cử tiếp tục theo đuổi chiến lược mà ông đang sử dụng: đẩy cơn giận dữ của các cử tri trung thành đối với Washington và đối thủ của ông lên cao, với hi vọng những cử tri này sẽ đi bỏ phiếu đông đảo vào tháng 11/2020, nhưng ông Trump cũng phải đánh đổi bằng việc thu hẹp lực lượng ủng hộ mình.

Yên Khê