|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguy cơ Tổng thống Trump đóng cửa chính phủ để đánh lạc hướng dư luận khỏi cuộc điều tra luận tội

14:37 | 31/10/2019
Chia sẻ
Hôm 29/10, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer cho biết ông lo ngại Tổng thống Donald Trump sẽ đóng cửa chính phủ liên bang để chuyển hướng chú ý của dư luận khỏi cuộc điều tra luận tội của Hạ viện.
161117095714-donald-trump-chuck-schumer-composite-cutout-super-tease

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer lo sợ ông Trump sẽ tranh thủ tình trạng chia rẽ xoay quanh dự luật chi ngân sách để đóng cửa chính phủ, chuyển hướng chú ý của dư luận khỏi cuộc điều tra luận tội. (Ảnh: CNN)

Theo CNBC, nguồn ngân sách chính phủ sẽ chấm dứt sau ngày 21/11 nếu Quốc hội không thể thông qua dự luật chi ngân sách và thuyết phục Tổng thống Trump đặt bút kí.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, đồng thời cũng là nhà lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, nhận định Hạ viện (do Đảng Dân chủ kiểm soát) và Thượng viện (do Đảng Cộng hòa lãnh đạo) có thể đạt được một thỏa thuận giúp duy trì hoạt động của chính phủ, nhưng ông Trump có thể "thổi bay" thỏa thuận này.

"Tôi tin rằng bản thân Quốc hội Mỹ có thể đi đến một thỏa thuận để nhanh chóng chi ngân sách cho chính phủ", ông Schumer phát biểu trước báo giới tại Tòa nhà Quốc hội.

"Tuy nhiên, tôi ngày càng lo ngại Tổng thống Trump có thể đóng cửa chính phủ lần nữa vì cuộc điều tra luận tội chống lại ông ta. Ông Trump luôn muốn chuyển hướng sự chú ý của dư luận".

Đại diện Văn phòng Quản lí và Ngân sách của Nhà Trắng chưa phản hồi yêu cầu bình luận của CNBC.

Việc chính phủ Mỹ đóng cửa kể, kể cả trong thời gian ngắn, đã trở thành một cảnh tượng lặp đi lặp lại dưới thời Tổng thống Trump khi mà các bên không thể thống nhất trong vấn đề cấp kinh phí cho bức tường biên giới ở phía tây nam nước Mỹ và vấn đề dân nhập cư.

Đợt đóng cửa kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ (35 ngày) đã ảnh hưởng đến nhiều cơ quan chính phủ hồi tháng 12/2018 và tháng 1/2019, buộc hàng trăm nghìn công nhân viên chức bị chậm lương hai tháng.

Kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội chống lại Tổng thống Trump hồi tháng trước và tiến hành tìm kiếm tài liệu cũng như thu thập lời khai từ các quan chức chính phủ, ông Trump đã lên tiếng phản đối. Ông Trump cho rằng cuộc điều tra chẳng khác gì một cuộc thanh trừng đối thủ nhằm vô hiệu hóa kết quả bầu cử năm 2016.

Hạ viện đang xem xét liệu ông Trump có lạm dụng quyền lực để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2020 thông qua việc thúc giục Tổng thống Ukraine điều tra đối thủ chính trị - cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden - nhân vật từng nằm trong ban lãnh đạo một công ty khí đốt Ukraine.

Đây là lần thứ tư một Tổng thống Mỹ phải đối mặt với cuộc điều tra luận tội. Hạ viện đã lên kế hoạch bỏ phiếu sớm nhằm thiết lập thủ tục cho quá trình luận tội.

Nếu Hạ viện luận tội Tổng thống Trump, Thượng viện sẽ phải tổ chức một phiên tòa để quyết định có buộc ông từ chức hay không. Tùy thuộc vào khả năng và thời điểm Hạ viện hành động mà phiên tòa của Thượng viện có thể gây ảnh hưởng đến dự luật chi ngân sách của chính phủ.

Trước đó, Quốc hội đã thông qua một dự luật tài trợ, được gọi là dự luật tiếp tục (continuing resolution), nhằm duy trì hoạt động của chính phủ ở mức chi tiêu hiện tại cho đến ngày 21/11. Nguyên nhân là do các nhà lập pháp không thể nhanh chóng đồng thuận về dự luật phân bổ ngân sách thông thường.

Hạ viện đã thông qua 10 trong số 12 dự luật tài trợ cho các cơ quan chính phủ. Tuy nhiên Thượng viện chưa phê chuẩn bất kì dự luật nào do bất đồng về chi tiêu quốc phòng và an ninh biên giới, mặc dù Đảng Cộng hòa đang cố gắng thông qua 4/12 dự luật trong tuần này.

Quốc hội có thể phải thông qua kế hoạch chi tiêu tạm thời để ngăn chính phủ đóng cửa trong vài tháng nữa. Tuần trước, Thượng nghị sĩ Richard Shelby - Chủ tịch Ủy ban Phân bổ Ngân sách, cho biết Quốc hội có thể chỉ thông qua dự luật duy trì hoạt động tạm thời.

Yên Khê