|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đảng Cộng hòa tuyên bố cuộc điều tra luận tội vi phạm quyền của ông Trump, thực tế có đúng không?

14:10 | 26/10/2019
Chia sẻ
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa hôm 23/10 đã xông vào phòng điều trần tại Hạ viện, nơi một quan chức Lầu Năm Góc đang làm chứng trong khuôn khổ cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump, để hét lên rằng cuộc điều tra không công bằng và vi phạm quyền của ông Trump.
1

Một số nhà lập Đảng Cộng hòa cáo buộc Hạ viện điều tra không công bằng và vi phạm quyền của ông Trump. (Ảnh: Reuters)

Nhóm nghị sĩ này đã lặp lại ý kiến phản đối mà Luật sư Nhà Trắng Pat Cipollone thể hiện trong một bức thư gửi các Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ.

Trong bức thư, ông khẳng định các luật sư của Tổng thống Trump phải được phép tham gia, kiểm tra chéo nhân chứng, tiếp cận bằng chứng và phải được đảm bảo "các quyền cơ bản khác của người dân Mỹ".

Reuters đã kiểm tra qui trình điều tra trong quá khứ và lí giải tại sao, trái với khẳng định của Đảng Cộng hòa, cuộc điều tra luận tội hiện tại không vi phạm quyền qui định trong hiến pháp của Tổng thống Trump.

Đảng Dân chủ đã trao cho Tổng thống Trump biện pháp bảo vệ nào?

Thành viên của ba ủy ban Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo đã phỏng vấn các quan chức chính phủ trong phòng kín nhằm xây dựng hồ sơ ông Trump lạm dụng quyền lực buộc lãnh đạo Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vì lợi ích chính trị cá nhân.

Mặc dù Đảng Dân chủ chỉ đạo các cuộc phỏng vấn này, thành viên Đảng Cộng hòa thuộc ba ủy ban trên cũng có thể xem qua tài liệu và đưa ra câu hỏi cho nhân chứng. Tuy nhiên, luật sư của ông Trump không được phép tham dự các phiên điều trần.

Đảng Dân chủ cho biết họ sẽ sớm tổ chức điều trần công khai để đưa vụ việc của ông Trump ra trước cử tri Mỹ. Các nhà lãnh đạo Hạ viện đã ví cuộc điều tra của họ với thủ tục tố tụng của một đại bồi thẩm đoàn, hay giai đoạn sơ bộ của một vụ án hình sự được tiến hành trong bí mật.

Tổng thống Trump muốn gì?

Luật sư Nhà Trắng Pat Cipollone cho biết Hạ viện không "thiết lập bất kì thủ tục nào có lợi cho Tổng thống Trump, kể cả các biện pháp bảo vệ cơ bản nhất theo đúng qui trình của Hiệp pháp và tính công bằng cơ bản" và đi ngược lại mọi tiền lệ trong quá khứ.

Vị luật sư này cho rằng: Ngoài việc cho phép ông Trump tiếp cận bằng chứng, kiểm tra nhân chứng và luật sư của ông được tham dự các phiên điều trần, ba ủy ban Hạ viện cũng phải tiết lộ bằng chứng có lợi cho Tổng thống Mỹ.

Luật sư Cipollone lập luận, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa nên được phép ban hành trát hầu toàn, điều này cho phép họ đưa ra bằng chứng riêng và có thể làm suy yếu chứng cứ của Đảng Dân chủ.

Nhà Trắng còn cho biết cuộc điều tra luận tội không hợp pháp vì toàn thể Hạ viện chưa tổ chức bỏ phiếu thông qua cuộc điều tra này.

Chuyện gì từng xảy ra trong các cuộc điều tra luận tội trong quá khứ?

Trong qui trình luận tội của Mỹ, Hạ viện tiến hành điều tra và bỏ phiếu để luận tội, sau đó Thượng viện tổ chức một phiên tòa để kết luận có tội hay vô tội và liệu tổng thống có thể tiếp tục tại vị hay không.

Một số biện pháp bảo vệ mà Nhà Trắng yêu cầu mới đây đã từng được trao cho cựu Tổng thống Bill Clinton và Richard Nixon, hai tổng thống Mỹ phải đối mặt với các cuộc điều tra luận tội trong lịch sử hiện đại.

Hạ viện cho phép luật sư bào chữa của cựu Tổng thống Nixon phản hồi bằng chứng và lời khai trong cuộc điều tra luận tội. Tuy nhiên, ông Nixon đã từ chức vào năm 1974 trước khi bị luận tội.

25 năm sau, ông Clinton cũng được cho phép có biện pháp bảo vệ tương tự. Cựu Tổng thống Clinton bị luận tội bởi Hạ viện nhưng không bị Thượng viện kết án.

Trong cả hai trường hợp, Hạ viện đều tổ chức một cuộc bỏ phiếu toàn diện để có thể tiến hành cuộc điều tra luận tội.

Tuy nhiên, một số học giả nhận định trường hợp của ông Clinton rất khác biệt và không thể so sánh với cuộc luận tội của Tổng thống Trump, bởi Đảng Cộng hòa luận tội ông Clinton dựa trên bằng chứng được đưa ra trong một báo cáo của cựu công tố viên độc lập Kenneth Starr, người mà Đảng Dân chủ cáo buộc là thiếu khách quan về mặt chính trị.

Có phải cuộc điều tra luận tội chống lại ông Trump vi phạm hiến pháp?

Nhiều chuyên gia cho hay cuộc điều tra không vi phạm hiến pháp.

Ông Frank Bowman, giáo sư chuyên ngành luật tại Đại học Missouri, cho biết Hiến pháp Mỹ cho phép Hạ viện thiết lập qui tắc nền tảng riêng cho qui trình này.

Như vậy, Hạ viện không nhất thiết phải tổ chức bỏ phiếu phiên toàn thể để tiến hành điều tra luận tội và Hạ viện cũng không bị buộc phải để luật sư của ông Trump tham dự điều trần, ông Bowman nói.

"Ông Trump không có cơ sở để buộc Hạ viện tiến hành điều tra luận tội theo cách ông muốn", giáo sư Frank Bowman cho biết.

Ngoài ra, ông Bowman nói thêm rằng người khác nên quan ngại về tính công bằng trong vụ việc hơn khi Thượng viện tiến hành phiên tòa luận tội, khi mà Thượng viện hiện đang do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Tương tự Hạ viện, Thượng viện cũng có thẩm quyền để đặt ra các qui tắc luận tội riêng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia pháp lí cho rằng việc trao cho ông Trump các biện pháp bảo vệ cơ bản, đồng thời cho phép luật sư của ông tham dự điều trần sẽ giúp cuộc điều tra có vẻ công bằng hơn.

Đây có thể là một bước đi chính trị khôn ngoan đối với Đảng Dân chủ, theo ông Ross Garber, giảng viên bộ môn luật luận tội tại Trường Luật Tulane và từng đại diện cho 4 thống đốc trong quá trình luận tội của họ.

Các biện pháp bảo vệ trong quá trình tố tụng là chuẩn mực trong hệ thống pháp lí Mỹ nên việc bỏ qua chúng - những điều mà ông Trump xứng đáng nhận được - có thể khiến người dân Mỹ nghi ngờ tính hợp pháp của qui trình luận tội, ông Garner nói.

Yên Khê