|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đi từ yêu cầu kí một thỏa thuận toàn diện duy nhất sang tiếp cận từng giai đoạn nhỏ, liệu Tổng thống Trump có sai lầm?

11:30 | 01/11/2019
Chia sẻ
Theo Bloomberg, các quan chức Trung Quốc đang nghi ngờ khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại dài hạn và toàn diện với Mỹ, ngay cả khi hai bên đang tiến gần đến việc kí kết thỏa thuận giai đoạn một.
1

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Vấn đề khó vẫn còn, thỏa thuận thương mại toàn diện có đang trong tầm với?

Trong nhiều cuộc đối thoại riêng tại Bắc Kinh thời gian gần đây, các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo họ sẽ không nhượng bộ trong những vấn đề hóc búa nhất.

Nhóm quan chức này vẫn lo ngại về bản chất bốc đồng của Tổng thống Trump và nguy cơ ông rút lui khỏi thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai bên muốn đặt bút kí trong vài tuần tới.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã bế mạc Hội nghị Trung ương 4 tại Bắc Kinh vào ngày 31/10. Trong các cuộc họp trước thềm Hội nghị quan trọng này, một số quan chức bày tỏ họ không kì vọng nhiều về khả năng các vòng đàm phán trong tương lai có thể tạo ra ý nghĩa lớn, trừ khi Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ nhiều thuế quan hơn.

Trong một số trường hợp, họ còn kêu gọi du khách Mỹ truyền tải thông điệp trên về cho Washington, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết.

Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã tạo ra một rào cản khác cho quá trình đàm phán khi ông đột ngột tuyên bố hôm 30/10 rằng Chile hủy tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC do bạo động xã hội leo thang. Thành phố Santiago, Chile là địa điểm hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp mặt và kí kết thỏa thuận sơ bộ ban đầu.

Trong phiên giao dịch hôm 31/10, thị trường chứng khoán Mỹ không biến động nhiều và lợi suất trái phiếu chính phủ đi xuống do lo ngại cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể kéo dài.

Trước đó, một báo cáo cho thấy một chỉ số đánh giá triển vọng ngành sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2. Còn vào ngày 30/10, chính phủ Mỹ công bố tăng trưởng GDP quí III chững lại còn 1,9%, mức yếu nhất kể từ cuối năm 2018.

Trong một dòng tweet hôm 31/10, Tổng thống Trump cho biết đang tìm kiếm địa điểm mới để kí kết thỏa thuận sơ bộ cùng Chủ tịch Tập Cận Bình, mà theo lời ông Trump nó sẽ tương đương "khoảng 60% thỏa thuận toàn diện".

Theo chính quyền Tổng thống Trump, thỏa thuận thương mại giai đoạn một phải dẫn đến một thỏa thuận toàn diện, có liên quan đến việc cải cách kinh tế đáng kể hơn so với những gì được đề cập trong thỏa thuận ban đầu.

Tuy nhiên, quan chức Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ. Họ cho biết một thỏa thuận như vậy đòi hỏi Mỹ phải dỡ bỏ thuế quan hiện đang áp lên 360 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc - một bước đi mà nhiều người đánh giá là ông Trump không sẵn sàng chấp nhận.

Nguồn tin thân cận với Trung Quốc thông tin rằng không nhất thiết phải dỡ bỏ toàn bộ thuế quan ngay lập tức, nhưng đây phải là một phần của thỏa thuận tiếp theo.

Trung Quốc cũng muốn ông Trump hủy bỏ đợt thuế quan dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12 đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng mà người Mỹ ưa thích như điện thoại thông minh và đồ chơi như một phần của thỏa thuận giai đoạn một.

1

Chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. (Ảnh: Bloomberg)

Bắc Kinh đang rất cởi mở và sẵn sàng nối lại đàm phán sau giai đoạn một, nhưng cả hai bên đều nhận thấy việc đạt được thỏa thuận về các cải cách cơ cấu sâu sắc trong nền kinh tế Trung Quốc mà phía Mỹ đang tìm kiếm sẽ rất khó khăn.

Trung Quốc đã tuyên bố trong nhiều tháng qua rằng thỏa thuận cuối cùng phải bao gồm việc Mỹ loại bỏ toàn bộ thuế quan trừng phạt, đồng thời Bắc Kinh cũng phản đối yêu cầu cải cách ở một số lĩnh vực như doanh nghiệp nhà nước vì điều đó có thể gây ảnh hưởng đến quyền lực của Bắc Kinh.

Về mặt chính trị, ông Tập Cận Bình không thể chấp nhận bất kì thỏa thuận nào còn duy trì thuế quan trừng phạt. Những người theo chủ nghĩa dân tộc trong chính phủ Trung Quốc đã gây áp lực buộc ông phải tránh kí một thỏa thuận "bất bình đẳng" tương tự như thời Trung Quốc bị các nước đế quốc xâu xé.

Ông Trump đã sai lầm?

Cho đến nay, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã tuyên bố rằng thuế quan đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc (áp dụng từ đầu cuộc chiến thương mại) phải được duy trì trong thời gian dài như một cách buộc Trung Quốc thực thi cam kết.

Câu hỏi về tương lai của cuộc đàm phán phản ánh một sự thay đổi trong chiến lược của phía Mỹ. Sau khi tăng thuế quan, gây áp lực lên Trung Quốc vào mùa hè năm nay và khẳng định bản thân chỉ đồng ý với một thỏa thuận toàn diện, Tổng thống Trump vào hồi đầu tháng 10 đã chuyển sang chiến lược tiếp cận từng bước.

Thỏa thuận giai đoạn đầu mà các nhà đàm phán còn đang soạn thảo nội dung dự kiến sẽ bao gồm việc Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ cũng như một số sản phẩm khác như máy bay.

Đồng thời, Trung Quốc cũng phải cam kết bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ và không thao túng tiền tệ. Đổi lại, ông Trump đồng ý hoãn thuế quan có hiệu lực vào ngày 15/10 và các cố vấn của ông đã nhấn mạnh khả năng hủy luôn đợt thuế ngày 15/12.

Tuy nhiên, nhiều cải cách kinh tế sâu rộng hơn lại không nằm trong thỏa thuận, chẳng hạn như vấn đề trợ cấp cho doanh nghiệp của chính phủ Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Trump và doanh nghiệp Mỹ đang muốn giải quyết.

Sự thiếu vắng những bước đi như vậy trong thỏa thuận đã dấy lên câu hỏi rằng cuộc chiến thương mại của ông Trump có đáng để Mỹ đánh đổi giá trị kinh tế không.

Để chặn trước những người chỉ trích rằng ông không nhận về nhiều lợi ích từ Trung Quốc trong quá trình đàm phán, ông Trump lập luận rằng các vấn đề hóc búa hơn sẽ được giải quyết trong tương lai.

"Vòng đàm phán cho thỏa thuận giai đoạn hai sẽ bắt đầu gần như ngay lập tức sau khi chúng ta kết thúc giai đoạn một", ông chia sẻ với báo giới hồi đầu tháng 10.

Hôm 31/10, phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere cho biết Tổng thống Trump "muốn những thay đổi cơ cấu thực sự mang lại kết quả thực tế, có thể kiểm chứng và có thể thực thi được", từ đó xây dựng hoạt động thương mại công bằng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc chuyển sang hướng kí kết nhiều thỏa thuận nhỏ lại cho thấy sự phản kháng từ phía Trung Quốc trước những yêu cầu của Mỹ cũng như sự nhượng bộ của Nhà Trắng khi từ bỏ lập trường không kí kết gì cho đến khi mọi vấn đề nhức nhối được giải quyết.

"Thậm chí nếu hai bên kí thỏa thuận giai đoạn một, giai đoạn hai sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều bởi mọi vấn đề hóc búa đều bị dồn lại tại đây", ông Eswar Prasad, giáo sư Đại học Cornell và từng là thành viên Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định.

Trong các cuộc trao đổi gần đây với các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Trung Quốc, ông Prasad cho biết tâm trạng chung của họ là hoài nghi. "Họ khá bi quan", ông nói. "Họ sợ thỏa thuận đang đàm phán với ông Trump có thể bay biến".

Khác biệt giữa hai bên thể hiện rõ ràng ngay cả khi ông Trump tuyên bố thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào đầu tháng trước.

Đằng sau cánh cửa đóng kín, tâm trạng của mọi người không hề thoải mái. Theo nguồn tin thân cận, hai bên vẫn tranh luận về cách phân chia nội dung đàm phán giữa các giai đoạn và nên tuyên bố gì chỉ vài phút trước khi báo giới xuất hiện.

Ông Trump tuyên bố trước báo chí rằng có thể có đến ba giai đoạn cho một thỏa thuận, trong khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc từ chối thảo luận chi tiết.

"Chúng tôi đồng tình rằng việc đưa mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung về đúng hướng là điều tốt cho cả Trung Quốc, Mỹ lẫn thế giới và chúng tôi đang đạt được rất nhiều tiến bộ theo hướng tích cực", ông Lưu nói.

Bộ Thương mại Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận về cuộc đàm phán. Tuy nhiên, một cựu quan chức cho biết Washington và Bắc Kinh có thể còn cả một con đường dài phía trước.

"Nếu Mỹ yêu cầu quá nhiều, chẳng hạn như về các thay đổi mang tính cấu trúc có thể ảnh hưởng tới mô hình kinh tế Trung Quốc, thỏa thuận có thể không hoàn thành trong nhiệm kì Tổng thống đầu tiên của Trump", ông Zhou Xiaoming, một cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định.

Trong khi đó, Trung Quốc muốn có thỏa thuận càng nhanh càng tốt, mặc dù thỏa thuận hoàn thiện sẽ bao gồm việc loại bỏ toàn bộ thuế quan trừng phạt, ông Zhou nói.

Khả Nhân