|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung gặp trở ngại khi Chile hủy tổ chức APEC

08:48 | 31/10/2019
Chia sẻ
Tổng thống Donald Trump dự kiến kí kết thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu với Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng tới, tuy nhiên kế hoạch này đã vướng phải một trở ngại vào ngày 30/10 khi Chile hủy tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC, nơi hai nhà lãnh đạo dự định gặp nhau.
1

Tổng thống Trump gặp mặt Phó Thủ tướng Lưu Hạc tại Phòng Bầu dục hôm 11/10. (Ảnh: Bloomberg)

Ngày 30/10, Chile tuyên bố hủy tổ chức thượng đỉnh APEC với lí do tình trạng xã hội bất ổn tiếp tục làm rung chuyển thành phố Santiago. Thông báo này dường như đã khiến Nhà Trắng bất ngờ. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump vẫn khẳng định họ sẽ tiếp tục thúc giục các bên liên quan hoàn tất thỏa thuận thương mại giai đoạn một trong vài tuần tới.

Theo Bloomberg, không rõ liệu các quan chức chính phủ Mỹ có thể tìm được địa điểm thay thế cho cuộc gặp Trump - Tập hay không. Các nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC thông tin họ không có kế hoạch tổ chức sự kiện ở nơi khác.

Địa điểm dự phòng

Bloomberg dẫn ba nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán song phương Mỹ - Trung cho biết các bên đã xem xét một số địa điểm khác trong thời gian gần đây khi các cuộc biểu tình dẫn đến việc hủy bỏ hội nghị APEC leo thang ở Chile.

"Chúng tôi muốn hoàn tất giai đoạn một của thỏa thuận thương mại mang tính lịch sử với Trung Quốc trong cùng khung thời gian và khi có thông báo, chúng tôi sẽ phát thông tin đến các bạn", phát ngôn viên Nhà Trắng Hogan Gidley cho hay trong một email.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Bloomberg. Đại diện Thương mại Mỹ Rober Lighthizer nói "Miễn bình luận!" khi được các phóng viên đặt câu hỏi về việc hủy bỏ sự kiện sẽ thay đổi kế hoạch như thế nào.

Triển vọng của một cuộc họp Trump - Tập tại Santiago vào tháng tới đã hỗ trợ tích cực thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm có thể sớm kết thúc.

Chỉ số S&P 500 Index giảm xuống mức thấp nhất phiên giao dịch 30/10 sau thông tin Chile hủy tổ chức APEC.

Mỹ - Trung có thực sự muốn chốt thỏa thuận như kế hoạch?

"Tôi luôn xem Chile chỉ là nơi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có mặt cùng lúc để kí kết thỏa thuận", bà Brendan McKenna, chiến lược gia tiền tệ tại Wells Fargo Securities (New York), cho hay.

"Nếu hai bên đã có sẵn thỏa thuận mà họ sẵn sàng kí kết, tôi nghĩ họ sẽ tìm cách để chốt nó", bà nói.

Các quan chức chính phủ Mỹ và Trung Quốc đã làm việc trong nhiều tuần để soạn thảo nội dung của thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà ông Trump tuyên bố sau cuộc họp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Phòng Bầu dục hôm 11/10.

Hai bên gần đây cho biết họ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong thỏa thuận này, cụ thể Trung Quốc sẽ tiếp tục mua nông sản Mỹ và thực hiện cam kết về sở hữu trí tuệ và tiền tệ, đổi lại ông Trump hứa sẽ không áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, hoàn thành công việc trước hội nghị thượng đỉnh APEC ở Chile (dự kiến diễn ra trong hai ngày 16 - 17/11) luôn được xem là một thách thức lớn.

1

Tình trạng bạo động tại Santiago, Chile. (Ảnh: Bloomberg)

Mặc dù việc Chile hủy tổ chức APEC là một rào cản mới đối với chính phủ Mỹ và Trung Quốc, nó lại giúp các nhà lãnh đạo có thêm thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, thời hạn kí kết thay đổi cũng có thể làm giảm áp lực đối với hai bên trong việc đạt thỏa thuận ban đầu và tiến tới một cuộc đàm phán toàn diện hơn.

"Nếu Mỹ - Trung có ý định kí kết thỏa thuận giai đoạn một, việc hủy bỏ hội nghị APEC chỉ là một khó khăn về địa điểm tổ chức, chứ nó không thể làm tổn hại đến thỏa thuận", theo chuyên gia Jude Blanchette của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.

"Tuy nhiên, nếu một hoặc cả hai nghĩ họ không thể chốt thỏa thuận vào giữa tháng 11, việc hủy bỏ sự kiện APEC chỉ là một cái cớ để câu giờ".

Thêm nhiều bất ổn

Rủi ro đối với doanh nghiệp và thị trường tài chính là việc hủy bỏ cuộc họp APEC sẽ chỉ kéo dài tình trạng bất ổn, vốn gây thiệt hại cho hoạt động đầu tư và tăng trưởng trên toàn thế giới thời gian qua.

Điều đó có thể thúc đẩy ông Trump chốt thỏa thuận để chứng minh cho thế giới và cử tri đang trong tâm trạng hoài nghi ở Mỹ rằng chính sách thuế quan của ông cuối cùng đã mang lại kết quả khi chiến dịch tái tranh cử đang diễn ra.

"Có khả năng các vòng đàm phán cấp thấp hơn sẽ tiếp tục kéo dài mà không có kết quả cụ thể", ông Edward Alden, thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định.

Theo ông Alden, chính phủ Mỹ thường sẽ giúp Chile giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị để hội nghị thượng đỉnh có thể tiến hành. "Nhưng thay vào đó, Nhà Trắng lại đang dính đến cuộc điều tra luận tội và khủng hoảng do chính họ tạo ra".

Tổng thống Trump nhiều lần lạc quan rằng thỏa thuận thương mại sẽ được chốt tại hội nghị thượng đỉnh APEC.

"Rủi ro lúc này là nếu APEC bị hoãn, điều đó cho thấy tình trạng bất ổn xuất phát từ chiến tranh thương mại có thể kéo dài lâu hơn", ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank AG, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

"Sự việc làm tăng khả năng Mỹ - Trung có thể chẳng bao giờ đi đến được thỏa thuận giai đoạn hai hay giai đoạn ba, và do đó bất ổn về cơ bản vẫn cứ ở đó".

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.