Băn khoăn bài toán đầu tư vào đâu để 'tiền đẻ ra tiền'
Tại tọa đàm "Cơ hội đầu tư trong vòng xoáy bất định" được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, bất động sản đã có những phân tích, nhận định liên quan đến các kênh đầu tư hiện nay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, trước đây có 5 kênh đầu tư truyền thống như ngân hàng, bất động sản, vàng, gửi tiết kiệm,... Hiện nay có thêm các kênh đầu tư khác như quĩ đầu tư.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, trong bất cứ quyết định đầu tư nào mục tiêu đầu tiên là phải bảo toàn vốn. Thứ hai là tính thanh khoản, mua đi bán lại được. Và thứ ba là đầu tư vào cái gì để tăng lợi nhuận.
"Trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng, chúng ta không thể quá lạc quan. Vì vậy theo tôi mục tiêu bảo toàn vốn và thanh khoản là tiêu chí đầu tiên cho nhà đầu tư. Căn cứ vào hai mục tiêu này, tôi cho rằng hiện nay tiền gửi ngân hàng và vàng là hai kênh đầu tư ít rủi ro", ông Hiếu nói.
Nhìn nhận dưới góc độ tài chính cá nhân, TS. Ngô Minh Hải, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Văn Lang cho rằng, COVID-19 là cơ hội để mọi người nhìn lại và cơ cấu danh mục đầu tư của mình. Dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi thứ trong cuộc sống, do đó cần suy nghĩ xem quản trị tài chính của mình đã tốt hay chưa rồi sau đó mới quan tâm đến “tiền đẻ ra tiền”.
"Trước đây chỉ có vàng, chứng khoán, bất động sản nhưng nay có thêm tiền ảo, trái phiếu. Nếu nhìn như vậy, cơ hội mua bất động sản giá rẻ, công ty giá rẻ, tài sản giá rẻ đang hiện hữu. Vấn đề là nhà đầu tư phải xác định tầm nhìn ngắn hạn hay dài hạn. Mỗi kênh đầu tư đều có dư địa của nó, nên nhà đầu tư cá nhân chọn kênh nào để hợp khẩu vị của mình", ông Hải cho hay.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Lan cho rằng, nguồn lực đầu tư tư nhân vẫn tăng trong năm nay bởi nhà đầu tư có niềm tin rằng dịch bệnh sẽ qua và thị trường sẽ hồi phục. Còn đầu tư vào đâu sẽ tùy thuộc vào nguồn lực và ngân sách của mỗi nhà đầu tư.
Theo bà Hương, chứng khoán và vàng vốn là những kênh quen thuộc với nhà đầu tư sành sỏi và am hiểu. Với bất động sản cũng vậy, đây là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
"Tôi quan sát 8 tháng qua, các bất động sản đầu tư thuần túy có thể bị ảnh hưởng nhưng nhiều nhà đầu tư hiện nay vẫn có niềm tin vào các sản phẩm giá trị thật. Các sản phẩm phục vụ an cư cho người dân vẫn có mức độ giao dịch ổn định", CEO Đại Phúc Land cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fullbright Việt Nam, giai đoạn này, ảnh hưởng của chính trị vào chính sách kinh tế là rất lớn. Điển hình như tình hình bầu cử ở Mỹ, chính trị ở Anh hay Nhật Bản,…
Do đó, việc chủ động bơm tiền từ chính sách tiền tệ, tăng chi ngân sách và giảm thu tài khoá là cách trước mắt để cứu người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn về trung và dài hạn thì việc bơm tiền mạnh có thể sẽ có những rủi ro. Song, rủi ro không hoàn toàn là xấu.
Vị này phân tích thêm, các cuộc khủng hoảng trước đây để lại hậu quả rất nặng nề nguyên nhân là do sự yếu kém dồn lại trong hệ thống tài chính. Chính phủ Việt Nam không thể cung cấp tài chính giúp cho các doanh nghiệp tồn tại nhưng cách Chính phủ Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp hiện nay là việc duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.
"Đối với các nhà đầu tư, họ sẽ nhìn vào hệ thống tài chính mà ở Việt Nam sẽ là các ngân hàng thương mại. Nếu như những ngân hàng thương mại vẫn đứng vững thì các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản vẫn khả quan", ông Thành nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Thành, phải nhìn chứng khoán và bất động sản từ hai phía. Về thị trường chứng khoán, tác động tiêu cực của dịch COVID-19 sẽ làm lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết giảm, nhưng có thể tăng lên vào năm sau. Vấn đề là niềm tin của nhà đầu tư đặt vào đó căn cứ vào lợi nhuận kì vọng của các doanh nghiệp mà nhà đầu tư quyết định mua hay không.
Thứ hai, phải xem xu hướng của các quĩ đầu tư nước ngoài, họ lạc quan hay bi quan. Nếu mình mua vào mà họ bán ra thì giá chứng khoán khó tăng.
Vấn đề thứ ba theo ông Thành, đó là các nhà đầu tư mua bất động sản hay chứng khoán trong thời điểm này sẽ là tầng lớp trung lưu cấp trên (nhóm xếp trên tầng lớp trung lưu) với số lượng ngày càng tăng lên.
"Hiện tại, tầng lớp trung lưu chưa bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19. Nhóm nhà đầu tư này có thể xuống tiền cũng có thể chưa mà chúng ta khó có thể dự báo được", ông Thành nói.