Chuyên gia: Nhiều nhà đầu tư vẫn sẵn sàng xuống tiền mua vàng
Vàng lên ngôi, gửi tiết kiệm vẫn có lợi suất dương
Tại tọa đàm trực tuyến "Bất động sản trong vòng xoáy bất định: Xoay chuyển và thích nghi" do Nhịp sống doanh nghiệp BizLIVE tổ chức mới đây, các chuyên gia, chủ đầu tư đã trả lời nhiều câu hỏi đang rất được quan tâm: Nếu có vốn muốn đầu tư thì rót vào đâu, vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm hay bất động sản?
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, trong cương vị nhà đầu tư, rót tiền vào đâu tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro. Có những nhà đầu tư sợ rủi ro thì tiết kiệm vẫn là kênh ưa thích. Còn nếu không thích rủi ro, có thể chia tiền ra mỗi chỗ một ít. Riêng với những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, sẽ có lựa chọn đầu tư riêng.
"Phương châm của tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư là nên đa dạng hóa và rủi ro. Nhiều nhà đầu tư thích lướt sóng và dùng đòn bẩy khá lớn, thậm chí vay cả tín dụng đen, khi thị trường đi xuống, chắc chắn sẽ lỗ vốn và phá sản", TS. Lực chia sẻ.
Đối với bất động sản, theo TS. Lực, hiện cả nhà đầu tư và người dân đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, khẩu vị rủi ro sau đại dịch, họ trở nên thận trọng hơn, đặc biệt pháp lí bất động sản vẫn chưa hoàn thiện.
Theo chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tiền mặt được coi là vua nên nhà đầu tư sẽ trở nên đắn đo hơn đối với việc xuống tiền là tất yếu.
Trong khi đó, bất động sản cũng gặp thách thức đến từ các kênh đầu tư khác. Trong thời điểm hiện nay, xuất hiện nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn bất động sản. Trong đó, đáng chú ý là kênh đầu tư vào vàng đã có mức tăng gần 30% kể từ đầu năm.
Ông Lực cũng cho biết, từ khi Chính phủ có Nghị định 24, vàng đã qua thời kì lướt sóng nhưng nhiều nhà đầu tư hiện nay cho biết vẫn sẵn sàng xuống tiền mua vàng.
Đối với thị trường chứng khoán, đây luôn là kênh hấp dẫn. Tuy nhiên kênh này đòi hỏi phải theo dõi thị trường chặt chẽ, phải động não suy nghĩ.
Và theo ông Lực, ước tính khoảng 60,65% tiền của nhà đầu tư vẫn vào tiết kiệm. Kì vọng lạm phát 4% với lãi suất 6%, như vậy vẫn có lợi suất dương.
Bất động sản vẫn có cơ hội
Dưới tác động của đại dịch COVID-19, tổng giá trị sang nhượng BĐS đã giảm 0,4% so với cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm trong khi giá cổ phiếu ngành giảm tới 16% so với đầu năm, là 1 trong 10 lĩnh vực có giá cổ phiếu giảm mạnh nhất (chỉ số VNIndex giảm 14% so với đầu năm).
“Dù vậy, chúng tôi vẫn nhận thấy cơ hội ở ba lĩnh vực liên quan đến bất động sản”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Thứ nhất là cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp nhờ việc dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ hai là logistics, trong một báo cáo mới ra, Savills đánh giá Việt Nam là một trong ba thị trường hấp dẫn nhất châu Á về logicstics.
Thứ ba là nhu cầu về nhà ở với mức giá phải chăng hơn vẫn rất cao.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần lưu ý là BĐS luôn tăng giá. Mức độ tăng theo số liệu nghiên cứu trong nhiều năm, dao động từ 5-7%/năm, rõ ràng có gì đó hơn gửi tiền tiết kiệm. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể khai thác BĐS đó để cho thuê, vì vậy luôn có cơ hội để có nguồn thu.
Ông Đính cho rằng, hiện tại, thị trường vẫn có nhiều sản phẩm tốt ở vị trí đắc địa, nhà ở vị trí đắc địa luôn có khả năng tăng giá cao, vị trí ở các khu vực tốt. Ngoài ra, đất nền tại nhiều địa phương có tốc độ phát triển kinh tế mạnh, giá đang nằm ngưỡng thấp chứ chưa phải giá đô thị hóa, nó sẽ trở thành giá đô thị hóa khi địa phương đó hoàn thành hạ tầng.
Dưới góc độ của chủ đầu tư, Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Phúc Land cho rằng, kênh bất động sản ngoài lợi nhuận còn là kênh tích lũy tài sản mà khách hàng quan tâm hiện nay.
Dù vậy, việc chọn thời điểm xuống tiền mua bất động sản vẫn luôn là yếu tố được nhà đầu tư quan tâm. Nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề có nên chờ đợi bất động sản xuống giá vào năm sau để đầu tư hay không?
Theo ông Đinh Thế Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Hải Phát Land cho rằng, quan điểm của một đơn vị trong ngành bất động sản, theo ông mua ở thời điểm nào thì bản thân nhà đầu tư phải xác định nhu cầu của mình: Trung hạn, ngắn hạn, dài hạn cũng như nhu cầu để ở hay ở hay để kinh doanh.
"Trong thời điểm này, tôi cho rằng đầu tư rất phù hợp bởi trong giai đoạn khó khăn thì các chủ đầu tư và nhà môi giới BĐS đều đưa rất nhiều ưu đãi”, ông Quỳnh khuyến nghị.