|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng sẽ còn tăng trước viễn cảnh kinh tế thế giới u ám

07:05 | 22/07/2020
Chia sẻ
"Trong quí tới, giá vàng trong nước cũng như giá vàng thế giới vẫn sẽ ở mức cao, do viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế thế giới trong và sau đại dịch COVID-19", Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra dự báo.

Giá vàng được dự báo sẽ còn tăng

Giá vàng tính đến 22h tối qua trên thị trường thế giới tiếp tục tăng lên 1.840 USD/oz. Tính từ mức đáy 1.492 USD/oz vào ngày 21/3, giá vàng đã tăng 23%, ghi nhận đà tăng giá mạnh của giá vàng thế giới kể từ đợt sóng tăng mạnh từ khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.

Trong nước, giá vàng tiếp tục xu hướng leo cao trước những diễn biến bất ngờ và kém tích cực của tăng trưởng kinh tế thế giới. Giá vàng trong nước kết thúc quí II tại 49,68 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 5,7% so với đầu quí II và tăng 17,6% so với đầu năm. 

Theo mức giá niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng SJC ngày 21/7 tiếp tục tăng lên mức 50,95 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 51,37 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Giá vàng sẽ còn tăng trước viễn cảnh kinh tế thế giới u ám - Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng thế giới trong vòng 1 năm (Nguồn: Goldprice.org)

Căng thẳng địa chính trị và dịch bệnh khiến triển vọng kinh tế thế giới trở nên bấp bênh, các đồng tiền lớn suy yếu, tất cả đẩy nhu cầu mua vàng của nhà đầu tư tăng cao đã khiến giá vàng chạm mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, theo phân tích của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).

Nguyên nhân chính cho việc tăng mạnh của giá vàng là do sự bất an của người dân quốc tế và trong nước đối với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu hay Ấn Độ (quốc gia tiêu thụ vàng nhiều thứ hai trên thế giới). 

"Trong quí tới, giá vàng trong nước cũng như giá vàng thế giới vẫn sẽ ở mức cao, do viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế thế giới trong và sau đại dịch COVID-19", Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đưa ra dự báo.

Các Ngân hàng Trung Ương tiếp tục bơm tiền trước viễn cảnh kinh tế u ám

Dự báo của VEPR đặt trong bối cảnh Mỹ và các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng âm. 

Theo số liệu ước tính lần thứ ba của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), GDP của Mỹ quí I/2020 thu hẹp 5% (qoq) và 0,3% (yoy), so với mức tăng trưởng cùng kì năm trước (2,1% và 2,33%), dù chưa có con số thống kê chính thức, GDP của nước này sẽ còn bị thu hẹp nhiều hơn nữa.

Lo ngại với tình hình dịch bệnh bùng phát trên toàn nước Mỹ, Fed hạ lãi suất xuống mức 0- 1/4% vào tháng 3 và giữ mức lãi suất này suốt 6 tháng đầu năm, đồng thời tiếp tục mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp trong các nỗ lực bơm thêm tiền ra thị trường.

Đồng thời, một loạt các gói hỗ trợ tài khóa đã được tung ra, ước tính sẽ làm hụt thu ngân sách khoảng 2 nghìn tỉ USD trong năm tài khóa 2020.

Với nền kinh tế châu Âu, VEPR dự báo kinh tế khối này sẽ tiếp tục đà suy yếu vốn đã tồn tại từ trước đại dịch. Cụ thể, khu vực EU27 và EA19 suy giảm lần lượt tại mức âm 2,6% (yoy) và âm 3,1% (yoy) trong quí I/2020.

Trước sự bùng phát của COVID-19, vào tháng 4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bổ sung thêm 120 tỉ EUR vào chương trình mua tài sản (APP) đến cuối năm 2020 đồng thời bổ sung thêm chương trình mua khẩn cấp đại dịch (PEPP) trị giá 750 tỉ EUR.  Bước sang tháng Sáu, ECB chi thêm 600 tỉ EUR, nâng tổng trị giá của PEPP lên mức 1350 tỷ EUR.

ECB quyết định giữ nguyên mức lãi suất hiện tại (từ âm 0,5% đến 0%). ECB cũng tiếp tục tái đầu tư các khoản thanh toán gốc từ chứng khoán đáo hạn được mua theo APP để duy trì điều kiện thanh khoản thuận lợi và mức độ phong phú của tiền tệ.

VEPR cho rằng, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng đang cản trở lĩnh vực sản xuất, trong khi đợt bùng phát lần thứ hai của COVID-19 có thể dẫn đến tái phong tỏa và giãn cách xã hội. Ngoài ra, các yếu tố địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và các lỗ hổng bảo mật ở các thị trường mới nổi khiến triển vọng tăng trưởng khu vực đồng tiền chung Euro tiếp tục giảm.

Giá vàng sẽ còn tăng trước viễn cảnh kinh tế thế giới u ám - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm của VEPR

Cũng như EU, nền kinh tế Nhật Bản đang chịu ảnh hưởng nặng nề thêm từ đại dịch. Sau những ảnh hưởng nặng nề từ nửa cuối năm 2019 do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, kinh tế Nhật Bản trong quí I/2020 tăng trưởng âm 1,9% (yoy) do những ảnh hưởng bất lợi mới của COVID-19.

Theo đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn giữ chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua việc đặt lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn (10 năm) ở mức khoảng 0%, với mục đích đạt mục tiêu lạm phát 2%.

Để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn trước mắt, BoJ thực hiện mua thêm tài sản bao gồm trái phiếu chính phủ; mua ETF và JREIT trị giá 12 nghìn tỉ JPY và 180 tỉ JPY; mua thêm 3,2 nghìn tỉ JPY thương phiếu và 4,2 nghìn tỉ JPY trái phiếu doanh nghiệp cho tới cuối tháng 9.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc nỗ lực tái phục hồi, nhưng theo VEPR, triển vọng của quốc gia này còn nhiều bất trắc.

Trong quí II/2020, kinh tế Trung Quốc bắt đầu hồi phục tăng trưởng ở mức 3,2%, sau khi sụt giảm mạnh vào quí I ở mức âm 6,8%. Tuy nhiên, chỉ số PMI giữ mức trên 50 bắt đầu từ tháng 3, đạt mức 50,9 trong tháng 6, hồi phục từ mức 35,7 điểm của tháng 2.

Chỉ số phi sản xuất NMI cũng suy giảm mạnh trong quí I nhưng có dấu hiệu hồi phục trong quí II, đạt 54,4 điểm vào tháng 5.

VEPR đánh giá, mặc dù hai chỉ số về sản xuất đều tăng nhưng sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc được đánh giá là chậm hơn so với kỳ vọng. Dịch bệnh làm tăng đáng kể tỉ lệ thất nghiệp ở cả thành thị lẫn nông thôn lên mức xấp xỉ 6%.

Trước tình hình kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 khiến nhu cầu hàng hoá sụt giảm mạnh cả trong và ngoài nước, cộng với việc quan hệ giữa Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác ngày càng xấu đi và lũ lụt nghiêm trọng đang xảy ra tại một số địa phương, nền sản xuất Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị thu hẹp trong thời gian tới.

Đồng nhân dận tệ liên tục yếu đi trong quí I, có lúc đạt đỉnh 7,16 CNY/USD vào cuối tháng Năm. Trong bốn tháng đầu năm, Trung Quốc đã chi khoảng 16,4 tỉ USD dưới dạng các gói kích thích kinh tế cùng với 112,5 tỉ USD dưới hình thức cắt giảm thuế, phí để vực dậy nền kinh tế.

Tính đến tháng 5, PBoC đã ba lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại, đồng thời cung cấp khoảng 1,8 nghìn tỉ CNY cho các ngân hàng thương mại để đảm bảo khả năng cung cấp vốn cho nền kinh tế. 

Hoàng Trung