|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Động lực tăng giá vàng chưa rõ ràng

00:18 | 13/03/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia nhận định, động lực tăng giá vàng chưa rõ ràng trong thời gian tới trước tác động dài hạn của việc giá hàng hóa tăng.
Động lực tăng giá vàng chưa rõ ràng - Ảnh 1.

Giá vàng trong nước tuần qua có những phiên tăng mạnh. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Trong khi giá vàng trong nước và thế giới đã có một tuần giao dịch “bùng nổ” với những phiên giao dịch tăng “dựng đứng”, hơn 3 triệu đồng/lượng, tương đương hơn 4% giá trị giao dịch thì các chuyên gia nhận định, động lực tăng giá vàng chưa rõ ràng trong thời gian tới trước tác động dài hạn của việc giá hàng hóa tăng.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 68- 69,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 280 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Với giá này, giá vàng trong nước đang lùi về mức giao dịch đầu tuần, thậm chí tính chung cả tuần, giá vàng giảm 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Dù giá vàng trong nước đã lùi về mốc trên 69 triệu đồng/lượng sau những ngày liên tục tăng “nóng” nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở ngưỡng 14 triệu đồng/lượng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng trong nước và thế giới chưa có sự liên thông với nhau, nên nhiều thời điểm giá vàng trong nước đều cao hơn giá thế giới.

Xét về dài hạn, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Vndirect nhận định, đà tăng của giá vàng có thể sớm kết thúc. Bởi, vàng vốn dĩ được coi là “tài sản trú ẩn an toàn” và dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi khi các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn. Tuy vậy, đà tăng của giá vàng thường không kéo dài và sẽ quay đầu giảm trở lại khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.

Trên cơ sở này, các chuyên gia của Vndirect nhận định, trong khoảng thời gian 3 - 12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ "phai nhạt". Động lực khi đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn.

Đáng chú ý, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 3 thì áp lực đè lên giá vàng sẽ lớn dần. Vậy nên, đà tăng ngắn hạn của giá vàng có thể sớm kết thúc và bước vào một giai đoạn điều chỉnh khi Fed đẩy nhanh quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành trong năm 2022.

Trước đó, trong tuần, giá vàng trong nước liên tục tăng “dựng đứng” từ phiên giao dịch đầu tuần từ 7 - 9/3, có thời điểm xô đổ mọi kỷ lục thời đại khi đạt mốc trên 74 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, ngay sau đó, chỉ trong hai ngày 10 -11/3, giá vàng “lao dốc”, trở về mốc giao dịch như đầu tuần và tiếp tục xu hướng giảm trong phiên giao dịch cuối tuần. 

Điều này có nghĩa nhà đầu tư nào chót mua vàng lúc giá đỉnh cao thì đã chịu lỗ khoảng 4 triệu đồng/lượng ngay trong tuần.

Trên thị trường thế giới, giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần 11/3 giảm, nhưng tăng trong cả tuần này, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đàm phán về xung đột tại Ukraine có tiến triển và động thái của Mỹ trong việc hủy bỏ quy chế tối huệ quốc dành cho Nga đã khiến vàng tăng sức hấp dẫn.

Theo số liệu của Công ty Phần mềm và Dữ liệu tài chính FactSet (Mỹ), trong cả tuần, giá vàng tăng 0,9%.

Stephen Innes, đối tác quản lý tại Công ty Quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sỹ) cho biết, động lực đi lên của giá vàng đến từ rủi ro địa chính trị đã yếu đi nhanh chóng.

Tuy nhiên, điều chưa rõ vào thời điểm này là về tác động dài hạn của việc giá hàng hóa tăng, khi các lệnh trừng phạt Nga có thể khiến các chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn.

Giá vàng đã có được động lực sau tin Mỹ và các đối tác sẽ hủy bỏ quy chế tối huệ quốc dành cho Nga, một động thái sẽ khiến thuế quan đánh vào hàng hóa của Nga tăng.

Trước đó, trong phiên cuối tuần, giá vàng giao tháng 4 giảm 15,4 USD, tương đương 0,8%, xuống 1.985 USD/ounce.

Diệp Anh