|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng trong nước bỏ xa giá vàng thế giới, vì sao?

23:29 | 06/03/2021
Chia sẻ
Những ngày gần đây, giá vàng trong nước và thế giới luôn có khoảng cách chênh lệch lớn, thậm chí có thời điểm lên tới 8 triệu đồng/lượng. Điều gì đang diễn ra với thị trường nhạy cảm này đang là câu hỏi lớn.
Giá vàng trong nước bỏ xa giá vàng thế giới, vì sao? - Ảnh 1.

Giá vàng trong nước bỏ xa giá vàng thế giới, vì sao? (Ảnh: Báo Thanh Niên).

Sự biến động không cùng nhịp

Đầu giờ chiều 6/3, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 55,1-55,62  triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). 

Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank hôm nay, giá vàng trong nước hiện đắt hơn giá thế giới khoảng 8 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và các khoản phí).

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc giá vàng trong nước chênh lệch với giá thế giới đến 8 triệu đồng/lượng là điều không bình thường. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh chính sách chống vàng hoá trong 10 năm qua thì điều này có thể lý giải được.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, chính sách chống vàng hoá thời gian qua đã rất thành công và Ngân hàng Nhà nước hầu như đã kiểm soát được thị trường vàng. 

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị nhập khẩu vàng duy nhất, có thể điều chỉnh nguồn cung ra thị trường.

Đó như một "chiếc van" khiến hai thị trường trong nước và thế giới không thể thông nhau. Điều đó dẫn đến sự biến động không cùng nhịp của giá vàng trong nước và thế giới làm cho chênh lệch lớn nhưng mặt khác lại tạo ra sự ổn định tương đối cho thị trường trong nước.

Vị chuyên gia này dẫn chứng, giá vàng thế giới những ngày qua có lúc xuống rất thấp nhưng cũng có lúc tăng rất cao, còn giá vàng trong nước thì vẫn bình ổn ở mức 55-56 triệu đồng/lượng. 

Đó chính là lý do khiến khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới bị kéo giãn.

Thực tế thị trường đã cho thấy, giá vàng trong nước có lúc ngang bằng hoặc thấp hơn giá thế giới và trong thời gian gần đây giá vàng trong nước lại đắt hơn giá thế giới bởi luôn luôn biến động không cùng nhịp.

Chẳng hạn, tuần qua, giá vàng trong nước có nhiều phiên biến động không cùng nhịp với giá vàng thế giới. Cụ thể là giá vàng trong nước sáng 2/3 giảm mạnh và đã tuột khỏi mốc 56 triệu đồng/lượng. 

Trong khi đó, tại thị trường châu Á giá vàng đi lên trong phiên sáng ngày 2/3 trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm và sự lạc quan về gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD đã làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lời này.

Hoặc trong phiên 5/3, giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong gần chín tháng trước áp lực từ sự gia tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ của Mỹ. 

Giá vàng giao ngay có lúc giảm 0,9% xuống còn 1.695,26 USD/ounce, đánh dấu lần đầu tiên rơi xuống dưới mốc 1.700 USD/ounce kể từ tháng 6/2020. Giá vàng trong nước phiên này chỉ giảm khoảng 150 nghìn đồng/lượng, tương đương gần 0,3%.

Tính chung cả tuần qua, các doanh nghiệp vàng trong nước đã điều chỉnh giá vàng SJC giảm khoảng 500 nghìn đồng/lượng, tương đương khoảng 1%. Trong khi đó, tính chung cả tuần qua giá vàng thế giới giảm 1,8%. 

Như vậy, có thể thấy, giá vàng trong nước đang biến động chậm hơn giá vàng thế giới. Sự biến động không cùng nhịp này đã kéo giãn khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Đầu tư vàng luôn tiềm ẩn rủi ro

Áp lực từ lợi suất trái phiếu và đồng USD mạnh lên "đè nặng" giá vàng trong tuần qua, đẩy kim loại quý này có lúc xuống mức thấp nhất trong gần chín tháng.

Ông David Meger, Giám đốc mảng giao dịch kim loại tại công ty môi giới đầu tư High Ridge Futures cho biết sự lạc quan về triển vọng nền kinh tế tiếp tục thúc đẩy lợi suất trái phiếu tăng cao hơn. Điều đó đã “thổi bay” động lực tăng của nhiều thị trường hàng hóa, bao gồm cả vàng.

Một yếu tố được giới phân tích chú ý là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm 4/3 lặp lại cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và linh hoạt cho đến khi thị trường lao động Mỹ hoàn toàn phục hồi.

Phát biểu đó đã làm thất vọng các nhà đầu tư vào vàng, những người kỳ vọng ông sẽ hành động để đối phó với sự gia tăng gần đây của lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ – một diễn biến đã đẩy giá vàng xuống dưới 1.700 USD/ounce.

Các nhà phân tích của ngân hàng HSBC cho biết trong một ghi chú rằng những phát biểu của ông Powell dù không mới nhưng đã dập tắt mọi khả năng Fed sẽ hành động để kiểm soát lợi suất trái phiếu.

Nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục lên cao hơn nữa, giá vàng và các kim loại quý khác có thể sẽ còn xuống thấp hơn.

Ông Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích trưởng tại công ty môi giới ActivTrades nhận định thị trường vàng vẫn đang trong xu hướng giảm và đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ sớm tăng trở lại.

Nói về triển vọng đầu tư của kim loại quý này, giới chuyên gia trong nước liên lục cảnh báo về sự rủi ro và cần sự tỉnh táo đối với kênh đầu tư này. 

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu luôn cảnh báo, đầu tư vàng tuy là kênh có thể được xét tới trong năm 2021 nhưng nó luôn tiềm ẩn rủi ro. 

Biến động của giá vàng không thể lường trước và rất khó đoán định. Chính vì vậy, bài học "không nên bỏ trứng vào một rỏ" luôn cần thiết đối với kênh đầu tư vàng thời điểm này.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra lời khuyên, tại thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 7-8 triệu đồng/lượng thì không nên mua vào.

Đỗ Huyền

Nghiên cứu giảm thuế phí năm 2025, kéo dài thời gian giảm 2% VAT đến tháng 6/2025
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm tổng kết, đánh giá, đề xuất ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025, nhất là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025.