|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Mua nhà thời COVID-19: 'Ham thì cũng ham thật nhưng không dám liều'

06:51 | 24/08/2020
Chia sẻ
Tâm lí thận trọng và chờ đợi hiện đang lấn át trên thị trường nhà đất. Theo các chuyên gia, nếu tình hình dịch COVID-19 kéo dài đến hết quí III năm nay thì rất có thể nó sẽ tác động đến sự phục hồi của nền kinh tế và ảnh hưởng đến sức cầu của thị trường bất động sản.
Săn bất động sản mùa dịch, nhà đầu tư đã thận trọng hơn - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản có hiện tượng bán tháo căn hộ chung cư mong thoát nợ. (Ảnh: Hạ Vũ)

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến thị trường bất động sản đã khó càng thêm khó, nhiều doanh nghiệp sống phụ thuộc vào vốn vay đang phải đối mặt với sức ép lớn trong việc cân đối dòng tiền dẫn đến việc phải "bán lúa non" dự án.

Gần đây, hàng loạt ngân hàng thương mại cũng đua nhau rao bán khoản nợ hoặc ra thông báo phát mại các tài sản thế chấp (nhà đất, chung cư, đất nền, khách sạn,...) của các doanh nghiệp nhằm thu hồi nợ. 

Thị trường BĐS cũng đang xuất hiện nhiều quảng cáo rao bán tháo, bán cắt lỗ căn hộ chung cư đến từ các nhà đầu tư cá nhân. Song, đây cũng là lúc một số nhà đầu tư đang có tiền nhàn rỗi và những người chưa có căn nhà thứ nhất nghe ngóng chờ cơ hội mua được nhà giá rẻ hơn.

Săn bất động sản mùa dịch, nhà đầu tư đã thận trọng hơn - Ảnh 2.

Ngấm đòn COVID-19, nhiều người mua nhà phải rao bán cắt lỗ căn hộ. (Ảnh chụp màn hình).

Ham thật nhưng không dám liều

Trao đổi với người viết, anh Hải, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết: "Nói là giảm giá nhưng phải có nguồn tiền sẵn thì mới mua được. Còn ham thì cũng ham thật nhưng không dám liều. Chẳng hạn, nếu bây giờ đi vay ngân hàng để ôm đất mà không gặp thời, không bán được, còng lưng đi trả lãi vay cũng ốm".

Cũng theo anh Hải, thời điểm này, nếu ai còn đủ nguồn lực mà gặp BĐS giảm giá, cắt lỗ có thể xem xét mua vào. Nhưng nếu ai không còn đủ lực thì không nên "liều" bởi rất khó đoán định được khả năng phục hồi của thị trường trong tương lai gần.

Cũng như anh Hải, nhiều nhà đầu tư mà người viết tiếp xúc trong thời gian đã thận trọng hơn rất nhiều. Bởi thực tế, cả nhà đầu tư lẫn người mua nhà hầu hết đều phải sử dụng vốn vay. 

Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận Kinh doanh Nhà ở, Savills Việt Nam cho biết, khi thị trường đi xuống, đa số các nhà phát triển BĐS đều sẽ giữ tâm lí thận trọng do không chắc chắn về thị trường, còn các nhóm hay cá nhân đầu tư sẽ khá e dè do việc mua bán tài sản hay dự án đều phải cần một nguồn vốn lớn.

Cũng có không ít bộ phận các đơn vị chủ đầu tư phải bán tháo bớt tài sản và các danh mục đầu tư của mình do thua lỗ trong kinh doanh. Tuy nhiên, theo vị này, thời điểm khó khăn này lại là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp hay cá nhân có khả năng tài chính, kinh nghiệm trong việc đầu tư BĐS trong và ngoài nước.

Chia sẻ tại một tọa đàm diễn ra mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính cho biết, cả nhà đầu tư và người dân hiện nay đều đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, khẩu vị rủi ro và họ trở nên thận trọng hơn.

Bởi trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tiền mặt được coi là vua nên việc xuống tiền sẽ trở nên đắn đo hơn. Thêm vào đó, khung pháp lí cho BĐS vẫn rất chậm, ví dụ như pháp lí cho loại hình condotel, đã 4 năm trôi qua nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện.

Dự báo về giá BĐS trong thời gian tới, một số chuyên gia cho rằng, nếu ảnh hưởng dịch bệnh còn kéo dài thì trong tương lai gần sẽ xuất hiện làn sóng cắt lỗ, giảm giá. Đặc biệt là những nhà đầu tư mua chung cư để cho thuê hay không đủ tiềm lực tài chính dài hạn.

Ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng nghiên cứu DKRA Việt Nam nhận định, mặt bằng giá sơ cấp phân khúc căn hộ trên thị trường thời gian gần đây không những giảm mà còn tăng.

Về giá thứ cấp, xét về cục bộ có một số nhà đầu tư gặp áp lực về thu nhập, tài chính cũng như việc thanh toán tiền theo tiến độ, họ chấp nhận bán cắt lỗ hoặc giảm bớt một phần lợi nhuận. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số lượng nhà đầu tư bán cắt lỗ cũng chưa đủ lớn để kết luận thị trường đang giảm giá.

Về sức cầu, theo ông Thắng, thị trường cũng ghi nhận sự sụt giảm nhẹ thời gian gần đây. Tuy nhiên, mức giảm này không có lớn để nói rằng đây là một tín hiệu bi quan. Bởi sức cầu của phân khúc căn hộ trên thị trường vẫn rất tốt.

"Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nếu không được kiểm soát mà kéo dài đến hết quí III năm nay thì rất có thể nó sẽ tác động đến sự phục hồi của nền kinh tế và ảnh hưởng đến sức cầu của thị trường BĐS. Lúc này, việc giảm giá là không tránh khỏi", ông Thắng nhận định.

Hà Lê