|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng ủng hộ tăng 'chiếc bánh' ngân sách cho TP HCM và đề án thành lập TP Thủ Đức

21:03 | 23/08/2020
Chia sẻ
Dù đạt được những thành quả lớn lao nhưng TP HCM cũng có những điểm nghẽn như tăng trưởng GRDP chưa tương xứng với tiềm năng; văn hóa, xã hội còn bất cập; khoảng cách phát triển, chênh lệch mức sống là vấn đề cần giải quyết.

Theo thông tin từ Báo Chính phủ, ngày 23/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM để góp ý dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ TP HCM nhiệm kì 2020 - 2025.

Ủng hộ tăng ngân sách cho TP HCM

Thủ tướng bày tỏ ủng hộ 4 đề án đột phá của TP gồm: Đề án điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách nhà nước cho TP HCM để TP có "chiếc bánh ngân sách" lớn hơn; Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM; Đề án thành lập TP Thủ Đức; Đề án phát triển trung tâm tài chính TP HCM.

Với đề án thành lập TP Thủ Đức, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với TP HCM, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đề án, chú ý các yếu tố qui hoạch, huy động nguồn lực, phương thức quản lí, báo cáo cấp thẩm quyền theo qui định.

Về đề án phát triển trung tâm tài chính TP HCM, Thủ tướng đề nghị TP HCM và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu kĩ, đánh giá tác động ảnh hưởng, đặc biệt lưu ý các điều kiện cần thiết, công cụ, phương pháp tổ chức quản lí, huy động nguồn lực quốc tế và trong nước để phát triển trung tâm tài chính TP HCM.

Thủ tướng ủng hộ tăng "chiếc bánh" ngân sách cho TP HCM và đề án thành lập TP Thủ Đức - Ảnh 1.

Đây là lần thứ 6 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP HCM trong vòng 3 năm qua. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cho biết trong bối cảnh khó khăn hiện nay, kì vọng của cả nước đối với sự phát triển của TP HCM là rất lớn. 

Với vai trò là trung tâm, đầu tầu kinh tế của cả nước, có vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, TP HCM phải áp dụng các tiêu chí về phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.

Vẫn còn nhiều điểm nghẽn

Nhất trí với đánh giá tình hình như trong dự thảo báo cáo của TP HCM, Thủ tướng cho rằng TP đạt được những thành quả lớn lao nhưng cũng có những điểm nghẽn. 

Tăng trưởng GRDP (tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn) chưa tương xứng với tiềm năng. Văn hóa, xã hội còn bất cập, khoảng cách phát triển, chênh lệch mức sống ở một  TP lớn là vấn đề đặt ra.

Nếu TP cứ đi theo mô hình cũ thì khó có thể phát triển, nếu không đổi mới cách làm, không có sự tăng năng suất lao động cần thiết thì GRDP của các địa phương khác có thể bắt kịp và vượt TP HCM.

Do đó, Thủ tướng mong muốn với vị thế của mình, TP HCM cần dẫn đầu về vấn đề này. Môi trường đầu tư cần thông thoáng, cởi mở, thu hút hơn nữa. 

Một nguy cơ nữa là với cơ cấu dân số và tỉ lệ sinh hiện nay thì trong khoảng 15 năm nữa TP HCM sẽ đối mặt tình trạng già hóa dân số, mất cân bằng giới tính. 

Đội ngũ cán bộ, năng lực quản trị một TP 15 triệu dân là điểm then chốt để TP HCM có thể thành công. Lựa chọn cán bộ giỏi, vừa có đức, vừa có tài để gánh vác sứ mệnh của thành phố là vô cùng quan trọng, phải vừa vận dụng đúng pháp luật và giải quyết được bài toán phát triển của TP.

Thủ tướng ủng hộ tăng "chiếc bánh" ngân sách cho TP HCM và đề án thành lập TP Thủ Đức - Ảnh 2.

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Thủ tướng, với một TP lớn, không chỉ vấn đề phát triển kinh tế mà phải chú trọng giải quyết vấn đề xã hội như an ninh trật tự, ùn tắc giao thông… 

Trong năm nay, việc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra đối với TP HCM là rất khó khăn, nhất là tăng trưởng, thu ngân sách nhà nước. 

Thủ tướng mong muốn TP HCM cũng đặc biệt quan tâm tháo gỡ cho các doanh nghiệp, xây dựng hệ thống doanh nghiệp phát triển. Thành phố phải thực hiện kết luận thanh tra một cách chặt chẽ, thu hồi tài sản, đất đai vi phạm về cho nhà nước.

Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025, Thủ tướng đề nghị  phân tích, đánh giá rõ hơn yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến sự phát triển của TP để có giải pháp, nhất là vấn đề khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực, hạ tầng, thách thức về biến đổi khí hậu… 

Trong đó, Thủ tướng đề nghị cân nhắc mục tiêu phấn đấu sớm trở thành TP công nghiệp thông minh, hiện đại, hội nhập, trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính có tầm khu vực và toàn cầu.

Nhắc lại phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 2018 về việc 3 TP của Việt Nam tham gia mạng lưới thành phố thông minh ASEAN (gồm Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng), Thủ tướng cho rằng phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông phải đúng hướng, cần đề cập điều này ngay trong văn kiện đại hội chứ không chỉ đề án riêng. Xây dựng thành phố xanh, TP số, xã hội số, kinh tế số… là những vấn đề đặt ra trực tiếp đối với TP HCM.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, Thủ tướng cho rằng cần tính toán phù hợp hơn, trong đó chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người mà TP đưa ra là thấp so với tầm vóc và định hướng phát triển của mình.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung quan trọng. Đầu tiên là cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. 

TP HCM cũng như Hà Nội không thiếu nguồn lực mà thiếu cơ chế chính sách để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực, nếu làm tốt thì nguồn lực rất lớn, đặc biệt là quản lí đất đai, tạo quĩ đất sạch, đấu giá đất hiệu quả thì hoàn toàn đủ nguồn lực cho phát triển các công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu của TP và liên vùng.

Cần mở cửa quốc tế hơn nữa

Báo cáo cũng cần nhấn mạnh đến rà soát, điều chỉnh qui hoạch phát triển TP gắn với vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập trong qui hoạch hiện nay. 

Phải có qui hoạch rộng hơn để tăng cường liên kết vùng, đảm bảo TP HCM vừa đóng vai trò trung tâm, vừa phát triển bền vững, hài hòa, tạo động lực cho hai vùng kinh tế trọng điểm và cả nước.

Dẫn ý kiến cho rằng dự thảo Báo cáo Chính trị mới tập trung tâm thế vào quốc nội, tính quốc tế còn hạn chế, Thủ tướng cho rằng trong xu thế vươn lên cạnh tranh toàn cầu, TP HCM cần mạnh dạn mở rộng tiếp cận quốc tế nhiều hơn nữa trong hoạch định chiến lược phát triển. 

TP cần đi đầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, do đó, cần nâng tỉ lệ ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển lên 5 - 7% tổng chi ngân sách hoặc 2% GRDP của TP trong 5 năm tới. 

Với tư cách là trung tâm của vùng thì TP HCM cũng nên dành ít nhất 5% nguồn lực, ngân sách, vốn tín dụng, đất đai để cùng các địa phương cùng vùng kinh tế trọng điểm giải bài toán phát triển vùng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Kiều

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.