|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Làm gì để 'khiến vàng sinh lợi' giữa mùa dịch COVID-19?

12:06 | 09/03/2020
Chia sẻ
"Làm sao khiến vàng sinh lợi?" là một trong những chủ đề chưa bao giờ cũ về cách thức đầu tư khôn ngoan để tiền đẻ ra tiền đã được cuốn sách nổi tiếng về cách tiết kiệm, làm giàu "Người giàu có nhất thành Babylon" đề cập.

Tuy nhiên, vừa bước qua một năm 2019 đầy khó khăn, COVID-19 như một gáo nước lạnh đổ xuống các nhà đầu tư. Hầu hết các hoạt động kinh tế đang chịu thiệt hại lớn vì dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa. Các kênh đầu tư cũng trở nên khó khăn để tạo ra lợi nhuận.

Riêng thị trường chứng khoán chứng kiến sự sụt giảm mạnh từ sau tết Nguyên Đán khiến không ít nhà đầu tư hoang mang. Các kế hoạch đầu tư theo các dự báo từ đầu năm 2020 đã gần như bị phá vỡ. 

"Đầu tư vào gì lúc này?" rõ ràng là câu một hỏi không dễ để trả lời. Nhất là khi diễn biến dịch bệnh còn đang phức tạp. 

Trong bối cảnh này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế có nhiều kinh nghiệm thực tế trong vai trò của của một chuyên gia am hiểu về các dự án đầu tư, thị trường tài chính, ngân hàng để nghe ông chia sẻ những góc nhìn về các kênh đầu tư hiện nay.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế

Mua vàng trên sóng đều là rủi ro

Thưa ông, giá vàng đã liên tục tăng kể từ đầu năm, đặc biệt kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, liệu đây có phải là kênh đâu tư sinh lợi và an toàn vào thời điểm này?

TS Đinh Thế Hiển: Trước hết nói về hành vi mua vàng, một câu hỏi đặt ra là: Ai dám bỏ vài tỉ đồng, chứ chưa nói đến vài chục tỉ đồng mua vài trăm đến cả nghìn cây vàng để ở nhà?

Vàng chỉ dành cho những người thật sự không đầu tư, tức người dân, những tiểu thương, công nhân mỗi tháng trích một ít tiền mua để dành, hay còn gọi là khoản tiết kiệm. 

Nhưng đến một lúc nào đó, khi lượng tích luỹ đã đủ lớn thì người ta lại có xu hướng chuyển qua kênh đầu tư khác như mua nhà, mua đất...

Do vậy, bây giờ vàng có lên 15% thì người ta cũng chưa có sự quan tâm để bán đất mà mua vàng.

Cách đầu tư vàng sinh lời năm 2020

Có một số trường hợp có thể chuyển từ các nguồn tiền khác sang vàng như những người đã có đất, họ có thể bán đất để mua vàng. 

Hay một số cán bộ hưu trí có tài khoản ngân hàng vài trăm triệu đồng, cũng có thể suy nghĩ chuyển qua vàng. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, chưa thấy có hiện tượng này trong thực tế.

Còn đối với các nhà đầu tư chứng khoán, họ lại càng không rút tiền để mua vàng, bởi so với khoản lời 5-7% mỗi lần "nhích qua nhích lại" thì lợi nhuận của vàng chẳng là gì đối với họ.

Nếu xét về lợi nhuận, vàng lên chỉ giúp cho những người đánh tài khoản, 5% đã là siêu lợi nhuận. Còn những người đầu tư thật sự thì đó không phải là đầu tư mà là tiết kiệm. 

Nhưng mua vàng trong sóng đều là rủi ro mà tỷ lệ chiến thắng thị trường là rất thấp. Hơn nữa, cơ chế nền tảng đầu tư vàng ở Việt Nam và trên thế khác nhau.

Trên thế giới, những nhà giàu, trung lưu, tài sản của họ đều giao ủy thác cho các quản trị viên của các tổ chức tài chính và họ có công thức để chuyển dịch nhằm đảm bảo tài sản của nhà đầu tư an toàn.

Còn ở Việt Nam, từ trung lưu trở lên thì hầu như không cần ai quản lí. Họ vẫn thích khiến cho "tiền đẻ ra tiền" bằng việc mua đất, cứ đất và đất.

Do đó, người nước ngoài mua vàng nhiều hơn người Việt. Nhưng không phải cá nhân đứng ra mua mà là tổ chức ủy thác tự cân bằng quản lí tài sản để chuyển dịch cho an toàn.

Chứng khoán không phải là "vùng đất lành"

Đối thới thị trường chứng khoán thì sao? Nhà đầu tư cá nhân có thể kì vọng gì vào kênh đầu tư này không, thư ông?

Có nên đầu tư chứng khoán

TS Đinh Thế Hiển: Đối với chứng khoán, các tổ chức, các quĩ đầu tư buộc phải tham gia đầu tư để phân bổ tài sản của mình nhiều hơn chứ không phải là kênh hiệu quả của nhà đầu tư cá nhân.

Nguyên tắc đầu tư của nhà đầu tư Warren Buffett dựa trên cơ sở không mất tiền và dài hạn. Còn lướt sóng là thắng đó, thua đó, không có cơ sở, logic nào mà chỉ tạo cảm giác cờ bạc.

Những nhà đầu tư cá nhân có tiền nhàn rỗi. Người nào cũng nói là mua rồi để một thời gian sau bán nhưng có người nào làm được chuyện đó đâu.

Bất động sản phải chờ cú huých hạ tầng

Với kênh bất động sản thì sao, xu hướng thị trường bất động sản sắp tới sẽ như thế nào? Theo ông, có cơ hội nào cho nhà đầu tư trong năm nay hay không?

TS Đinh Thế Hiển: Bất động sản khi đã tăng quá cao sẽ cần có thời gian chững lại là tất yếu theo chu kì khoảng 5 năm. 

Thực tế thị trường có nhịp, tăng quá cao thì đến cuối năm 2018 đã chững lại. Chỉ có căn hộ vẫn tăng do trước đó chưa tăng và nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, thị trường căn hộ đến đên cũng sẽ đứng lại khi đã mức tăng giá cao, vượt qua sức mua của những người đang có nhu cầu mua nhà, là các gia đình Officer trẻ. 

Trong năm 2019, giá căn hộ tăng cảm giác bất động sản vẫn còn tốt nhưng thực chất các đất nền đã đứng lại. Chẳng hạn ở khu vực Nhơn Trạch, một số cò đất cũng thừa giao dịch đất tại khu vực này trong 2019 đã vắng.

Hai lí do khiến thị trường đứng lại là chu kì lướt sóng đã qua và những người đầu tư lâu dài thấy giá này chưa êm so với mặt bằng bây giờ. Giống như một cơn điên, giá tăng đến một lúc nào đó thì người ta phải tỉnh ra.

Riêng ở một số khu vực tạm gọi là xa xôi, hay còn gọi là thị trường ngách thì vẫn có thể tăng trưởng tốt. Điển hình như những khu vực có hạ tầng, có khu công nghiệp mọc lên làm tăng thu nhập của người dân địa phương, kích thích nhu cầu mua nhà ở, kinh doanh.

Do đó sắp tới, chỉ có chờ cú huých chuyển động hạ tầng lớn thì mới có thể tạo sóng lâu cho thị trường được. Nhưng đó không phải là năm 2020. 

Năm 2020 vẫn chưa phải là năm giải ngân cho các dự án hạ tầng trọng điểm, mà dự kiến phải qua năm 2021-2022.

Riêng bất động sản nghỉ dưỡng, liệu thị trường này có phải là nơi đầu tư hiệu quả, đặc biệt sau khi có các thông tin hỗ trợ về pháp lí?

Lưu ý khi đầu tư bất động sản

TS Đinh Thế Hiển: Về bất động sản nghỉ dưỡng, trở lại thời kì đang đỉnh điểm vào năm 2018 đầu năm 2019, chủ đầu tư rất có niềm tin vào các dự án nghỉ dưỡng nên khi làm một dự án vẫn ngó đến dự án khác. Tiền chưa có nhưng mà tin là sẽ có và muốn mua thêm 2-3 dự án nữa.

Không ít chủ đầu tư "đứng núi này trông núi nọ" sẵn sàng dùng tiền đặt cọc của khách hàng để mà mua thêm đất làm dự án khác. 

Trong khi đó, chủ đầu tư không cần biết dự án của mình có thành công hay không. Đó là điểm chung của thời kì đang đỉnh điểm.

Đến khi xuất hiện một chủ đầu tư đuối sức, muốn bán lại dự án vì không thể bán cho khách hàng, thì nhìn lại những chủ đầu tư khác cũng khó khăn, cuối cùng tất cả dự án đều đứng hình.

Khi mà cuộc chơi trong các đô thị lớn như TP HCM bị hạn chế, chỉ có thị trường qui mô nhỏ mới tiềm năng, còn thị trường qui mô lớn không thể nào tiêu hóa được. Trong khi đó, giá một condotel giờ tới 40 triệu đồng/m2, tức ngang giá với một căn hộ tại TP HCM. Việc hút nhà đầu tư cá nhân mua vào không dễ như trước.

Tóm lại, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện có hai vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, giá đang quá cao nên thị trường cần một thời gian để điều chỉnh. 

Thứ hai, có nhiều đại gia (chủ đầu tư) đang bị kẹt vốn vài trăm tỉ đồng vào những dự án đã xuống tiền, mua đất phát triển condotel có thể làm mất giá trị căn hộ một khi tiêu chí rất quan trọng là các dịch vụ tiện ích đi kèm của dự án không thực hiện đúng cam kết.

Giữ tiền vẫn là ưu tiên hàng đầu

Nói như vậy, hiện kênh đầu tư nào cũng có rủi ro nhiều hơn thuận lợi, vậy theo ông nhà đầu tư cá nhân nên làm gì trong lúc này?

TS Đinh Thế Hiển: Nguyên tắc thị trường đang giai đoạn quan sát thì cứ giữ tiền để canh. Thời điểm này chưa xuống được tiền thì giữ tiền vẫn là ưu tiên số một.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguyên Ngọc