Thị trường chứng khoán 9/3: VN-Index lao dốc kỉ lục, 11 tỉ USD vốn hóa toàn thị trường bay hơi
Kết phiên, VN-Index giảm 55,95 điểm (-6,28%) xuống 835,49 điểm. HNX-Index giảm 7,32 điểm (-6,44%) xuống 106,34 điểm và UPCoM-Index giảm 2,98 điểm (-5,38%) còn 52,44 điểm.
Đây là phiên giảm mạnh nhất (tính theo tỉ lệ %) của VN-Index trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Thanh khoản trên HOSE tăng cao so với phiên trước khi khối lượng khớp lệnh đạt hơn 273 triệu đơn vị, tương ứng hơn 4.300 tỉ đồng.
Tính chung cả HOSE, HNX và UPCoM, khoảng 11 tỉ USD vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã bay hơi trong phiên hôm nay 9/3.
Thị trường chìm sâu trong sắc đỏ suốt phiên giao dịch. Một loạt các mã giảm sàn bao gồm tất cả các nhóm ngành. Cụ thể trên cả 3 sàn có 675 mã giảm điểm, trong đó có 263 mã giảm sàn. Toàn bộ nhóm VN30 đều đi xuống, trong đó có 23 thành viên giảm sàn.
Trong hoàn cảnh này, một vài cổ phiếu đi ngược như AMD hay QCG tăng trần. GAB cũng ghi nhận tăng 6,1%. Các mã này gần như đều duy trì mức tăng trong cả phiên. Cổ phiếu MSN của Masan có lúc đi lên nhưng kết phiên cũng rơi vào sắc đỏ. Toàn thị trường chỉ ghi nhận 81 mã tăng trong phiên hôm nay.
Chi tiết đáng quan tâm trong phiên 9/3 đến từ thị trường phái sinh khi lần đầu tiên cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm sàn. Trong đó, ghi nhận lệnh bán hợp đồng (Short) trước khi kết thúc ATC VN30F2003 lên tới hơn 12.000 hợp đồng và hơn 3.000 hợp đồng giá sàn nhưng đối ứng chỉ số ít lệnh mua (long).
Hết phiên sáng, VN-Index giảm 51,59 điểm (-5,79%) xuống 839,85 điểm. HNX-Index giảm 6,97 điểm (-6,13%) xuống 106,69 điểm và UPCoM-Index giảm 2,47 điểm (-4,46%) còn 52,95 điểm.
Thị trường ghi nhận hơn 600 mã giảm trên 3 sàn, trong đó hơn 170 mã giảm sàn đã nói lên diễn biến chủ đạo của phiên. Tình hình thêm tiêu cực về cuối phiên sáng khi nhiều mã giảm sàn hoặc cận sàn, đặc biệt là nhóm VN30. Bên cạnh nhóm dầu khí, nhóm ngân hàng cũng giảm xuống mức thấp nhất và trắng bên mua tại loạt mã như VCB, BID, CTG và STB.
Đáng chú ý, giá trị giao dịch tăng cao sau nửa ngày, riêng HOSE mức khớp lệnh đạt gần 3.000 tỉ đồng (cả phiên thứ 6 tuần trước giá trị khớp lệnh cả phiên khoảng 2.600 tỉ đồng).
Tính đến 10h30, VN-Index giảm 43,41 điểm (-4,87%) xuống 848,03 điểm, HNX-Index giảm 6,1 điểm (-5,37%) còn 107,56 điểm.
Nửa thời gian phiên sáng trôi qua và không nhiều tín hiệu tích cực. MSN là cổ phiếu duy nhất trong nhóm VN30 tăng giá, trở thành cứu cánh cho thị trường.
Các mã trụ giảm sâu, đặc biệt nhóm dầu khí như GAS, PLX giảm sàn sau thông tin giá dầu thế giới sụt 30% ngay đầu phiên 9/3.
Toàn thị trường chứng kiến việc giảm sàn xảy ra với nhiều mã đáng chú ý khác như BVH, HCM hay PVD. "Họ FLC" cũng sàn hàng loạt với FLC, ROS hay ART. Tuy nhiên, AMD tăng trần với lượng khớp lệnh tăng vọt hơn 20 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã ngân hàng có thời điểm nhích lên trong thời gian ngắn nhưng lực cung mạnh lại đẩy mức giá đi xuống.
Tính đến 9h30, VN-Index giảm 44,43 điểm (-4,98%) xuống 847,01 điểm. HNX-Index giảm 6,12 điểm (-5,38%) xuống 107,54 điểm và UPCoM-Index giảm 1,8 điểm (-3,25%) còn 53,62 điểm.
Toàn thị trường giảm mạnh ngay sau ATO khi phiên đầu tuần diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 phức tạp, trong ba ngày Việt Nam ghi nhận 14 ca nhiễm mới sau nhiều ngày không có dịch. Ngoại trừ số ít mã mang tính đầu cơ như AMD hay GAB đi ngược, gần như toàn bộ các mã khác bao gồm các cổ phiếu trụ đều giảm mạnh.
Bên cạnh đó, diễn biến giá dầu đã giảm không phanh khi Arab Saudi giảm giá bán và tăng sản lượng. Giá dầu Brent giao sau giảm 30% xuống 31 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Giá dầu WTI giảm 27% xuống 30 USD/thùng, ngưỡng đáy 4 năm, theo CNBC.
Với diễn biến phức tạp của giá dầu và dịch COVID-19, hợp đồng tương lai Dow 30 ghi nhận giảm hơn 1.200 điểm, cho thấy các nhà đầu tư đang dự báo chỉ số Dow Jones cơ sở sẽ sụt trên 1.300 điểm khi thị trường mở cửa.
Các chỉ số thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt trong sắc đỏ, tiêu biểu chỉ số Nikkei giảm khoảng 6%, Hang Seng mất hơn 4%.