|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giá dầu rơi tự do 30%, loạt thị trường từ cổ phiếu tới trái phiếu, ngoại hối đều náo loạn

09:32 | 09/03/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh nhà đầu tư vốn đã lo lắng về dịch COVID-19, việc giá dầu thô giảm sốc 30% ngay khi thị trường mở cửa sáng 9/3 đã kéo theo biến động tiêu cực dữ dội ở hàng loạt thị trường khác. VN-Index mất gần 5%. Với chứng khoán Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones được dự báo sẽ giảm hơn 1.100 điểm.
Giá dầu rơi tự do 30%, loạt thị trường từ cổ phiếu tới trái phiếu, ngoại hối đều náo loạn - Ảnh 1.

Nhà giao dịch trên Sàn Chứng khoán New York (NYSE), Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Theo cập nhật của CNBC sáng 9/3 theo giờ Việt Nam (tức tối Chủ nhật 8/3 theo giờ Mỹ), hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones (DJIA) đang giảm khoảng 1.080 điểm, cho thấy các nhà đầu tư đang dự báo chỉ số Dow Jones cơ sở sẽ sụt trên 1.100 điểm khi thị trường mở cửa.

Hợp đồng tương lai các chỉ số S&P 500 và Nasdaq-100 cũng dự báo mức sụt giảm đáng kể.

Đây là những tín hiệu cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục phải trải qua quãng thời gian sóng gió phía trước sau khi chịu đựng hai tuần thị biến động mạnh bất thường giữa những tin tức về dịch COVID-19 và quyết định hạ lãi suất của Fed. Liên tục trong 4 phiên gần đây, chỉ số S&P 500 đều biến động trên 2,5%.

Lo ngại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục làm đứt gãy chuỗi cung ứng và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, nhà đầu tư rút tiền khỏi thị trường cổ phiếu để chuyển sang các tài sản an toàn hơn như trái phiếu, vàng.

Sau khi giá dầu lao dốc 30% ngay đầu phiên 9/3, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kì hạn 10 năm cũng phá đáy lịch sử và có lúc rơi xuống dưới 0,5%. (Lợi suất giảm đồng nghĩa với giá trái phiếu tăng).

Thứ Sáu tuần trước (6/3), cuộc đàm phán giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đổ vỡ. OPEC đề nghị cắt giảm sản lượng thêm 1,5 triệu thùng một ngày để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh nhu cầu suy yếu do dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động kinh tế. Tuy nhiên Nga không đồng ý.

14 thành viên OPEC và các nước đồng minh khác cũng không thể thống nhất về việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đang áp dụng hiện nay. Điều này có nghĩa là vào tháng 4 tới khi thỏa thuận hết hiệu lực, các quốc gia sẽ có thể khai thác và bán bao nhiêu dầu tùy thích.

Vương quốc dầu mỏ Saudi Arabia lập tức chuyển từ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu sang chính thức hạ giá bán dầu thô kể từ tháng 4.

Theo CNBC, sáng sớm 9/3 giá dầu thô Brent tham chiếu quốc tế giảm 30% xuống còn 32,05 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giảm 27% còn 30 USD/thùng. Nhiều chuyên gia dự báo giá dầu có thể sẽ giảm chỉ còn khoảng 20 USD/thùng.

Giá dầu rơi tự do 30%, loạt thị trường từ cổ phiếu tới trái phiếu, ngoại hối đều náo loạn - Ảnh 2.

Hôm 8/3, ông Adam Crisafulli, Nhà sáng lập công ty phân tích Vital Knowledge nhận định: "Đối với các thị trường tài chính, dầu thô bây giờ là vấn đề lớn hơn cả dịch COVID-19. Nếu giá dầu Brent cứ tiếp tục lao dốc thì chỉ số S&P 500 sẽ gần như không thể hồi phục được".

Theo Bloomberg, cổ phiếu năng lượng và hàng hóa chỉ chiếm khoảng 5% chỉ số S&P 500 nhưng việc giá dầu cắm đầu giảm sâu càng làm tâm lí nhà đầu tư thêm tiêu cực.

Chỉ số biến động CBOE nhảy vọt hơn 8 điểm lên mức cao nhất kể từ năm 2011, cho thấy nhà đầu tư đang dự đoán thị trường chứng khoán Mỹ sắp biến động dữ dội.

Tại châu Á, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 và Topix của Nhật Bản cùng sụt khoảng 5,7% ngay đầu phiên giao dịch sáng 9/3.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng mất hơn 4%. Ở Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite sụt gần 2%, Shenzen Component và Shenzen Composite mất lần lượt 2% và 1,7%.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm gần 4%. Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 sụt xấp xỉ 6%. Chỉ số Straits Times Index của Singapore giảm hơn 3,5%.

Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index cũng sụt gần 44 điểm, tương đương 4,92% chỉ sau ít phút mở cửa phiên giao dịch 9/3.

Tính chung chỉ số MSCI châu Á ngoại trừ Nhật Bản (Asia ex-Japan) giảm gần 3,8%.

Công cụ FedWatch của CME Group hiện nay đang dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách vào ngày 17-18/3 tới. Hôm 3/3, Fed đã có phiên họp bất thường và đột ngột hạ lãi suất 50 điểm cơ bản xuống khoảng mục tiêu 1-1,25%.

Đồng Yen Nhật – được coi là loại tài sản tránh bão an toàn – tăng giá mạnh so với USD trong bối cảnh nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn dịch COVID-19 và dầu thô lao dốc. Giá trị Yen Nhật hiện nay đang ở mức cao nhất so với USD kể từ năm 2016.

Tiền tệ của những nước xuất khẩu dầu cũng nhanh chóng biến động mạnh. Đồng krone của Na Uy giảm xuống mức thấp nhất kể từ ít nhất năm 1985 so với USD. Đồng peso của Mexico cũng rơi xuống đáy hơn ba năm.

Song Ngọc