|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khó hơn cả thời COVID, doanh nghiệp 'cạn' đơn hàng, xoay xở mọi cách giữ việc cho lao động

20:14 | 01/12/2022
Chia sẻ
Theo các doanh nghiệp, tình trạng đơn hàng giảm sút đang khiến người lao động bị ảnh hưởng việc làm, nhà máy phải thu hẹp quy mô ngay trong mùa cao điểm cuối năm. Khó khăn này được dự báo còn kéo dài nên các doanh nghiệp phải tìm mọi cách, áp dụng nhiều giải pháp để duy trì sản xuất và lực lượng lao động cho công ty.

'Đói' đơn hàng, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất

Những ngày qua, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng nên phải cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm đang diễn ra ngày một nhiều tại các doanh nghiệp thuộc ngành hàng sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may,..

Điển hình trong lĩnh vực da giày, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, doanh nghiệp có số lao động nhiều nhất TP HCM với khoảng 50.000 lao động, thông báo sẽ cho 40% lượng lao động, tương đương 20.000 công nhân các xưởng thuộc khối sự nghiệp nghỉ luân phiên trong ba tháng, hưởng lương 180.000 đồng/ngày trong thời gian nghỉ. 

Hồi đầu tháng 11, Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) cũng đã thông báo cho gần 1.200 công nhân về việc chấm dứt hợp đồng lao động do "cạn" đơn hàng. Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) cũng dự kiến cắt giảm hơn 1.500 lao động.

Hay Công ty CP Tập đoàn Gia Định với khoảng 5.000 công nhân cũng cho biết đã phải cắt giảm 20% lao động vì không đủ đơn hàng để sản xuát.

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định, cho biết: "Cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành, Tập đoàn Gia Định đang trong tình trạng thiếu đơn hàng nên phải cắt giảm khoảng 20% lượng lao động bên cạnh việc chia ca để công nhân làm việc luân phiên, giảm giờ làm, bỏ tăng ca", ông Trung cho biết.

Cũng theo doanh nghiệp này, hiện nay hầu hết thị trường đều sụt giảm đơn hàng so với cùng kỳ năm 2021 và tiếp tục xu hướng giảm mạnh hơn trong những tháng tới. Dự báo tình hình thị trường nửa đầu năm 2023, thậm chí cả năm 2023 vẫn rất ảm đạm.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cao su - Nhựa TP HCM, cho biết đơn hàng của các doanh nghiệp tại thị trường châu Âu và Mỹ đều giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân số đơn hàng giảm 20%, có những doanh nghiệp giảm 30% đơn hàng. 

"Việc cắt giảm có thể sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đơn hàng trở lại nhưng muốn giữ cũng không được, do không có lương để trả cho người lao động khi tình hình khó khăn về đơn hàng được dự báo kéo dài đến giữa năm 2023, nên doanh nghiệp không thể "gồng" 8 - 9 tháng để giữ chân lao động", ông Quốc Anh nói.

Hay với ngành dệt may, các doanh nghiệp cho biết tình hình lúc này còn khó hơn thời điểm COVID-19 bùng phát khi nhà máy bị giảm 20-50% đơn hàng, doanh nghiệp hoạt động gần như không có lợi nhuận nhưng vẫn cố gắng duy trì sản xuất và đảm bảo có việc làm cho công nhân.

Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, cho biết: "Hồi đầu năm, để phục vụ nhu cầu tăng sản xuất sau dịch, công ty tuyển rất nhiều lao động thời vụ. Có thời điểm, lao động thời vụ chiếm hơn một nửa tổng số lao động của công ty nhưng hiện nay do đơn hàng giảm, công ty không còn duy trì hình thức tuyển dụng nhóm lao động này và với các lao động nghỉ việc đều không tuyển bù như trước. Lượng lao động hiện tại còn chưa đến 50% so với hồi đầu năm".

Da giày, dệt may, gỗ là các ngành hàng có số lao động bị ảnh hưởng đến việc làm cao nhất. (Ảnh: Dony.vn)

Báo cáo được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố tại Hội nghị về tình hình cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp cho biết da giày là ngành có số lao động bị ảnh hưởng đến việc làm cao nhất với hơn 171.400 lao động, chiếm 36,3%, tiếp đến dệt may có 131.340 lao động, chiếm 27,8%...Những thực tế này đã phản ánh phần nào khó khăn chung của các ngành hàng khi phải thu nhỏ quy mô vì thị trường suy thoái trong mùa tiêu dùng cuối năm.  

Lao động là tài sản số 1, vận dụng mọi cách để có việc làm cho công nhân

Các doanh nghiệp cho biết, trước tình trạng nhu cầu nhập khẩu giảm sút, nhiều đơn hàng chỉ hoà vốn thậm chí thua lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn "gồng mình" nhận làm để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại và giữ việc người lao động.

Tổng giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết công ty phải nhận làm thêm những sản phẩm không phải thế mạnh hoặc đơn hàng số lượng ít để có việc làm cho người lao động. Ngoài ra, công ty chuyển sang tìm những đơn hàng số lượng nhiều, giá rẻ để duy trì hoạt động sản xuất của nhà máy.

"Chúng tôi phải tối ưu tất cả chi phí để đưa ra mức giá cạnh tranh nhất có thể, cố gắng lấy được đơn hàng thực hiện dù những đơn đầu tiên gần như không có lời. Nhưng đây là sự nỗ lực, trước mắt là để có việc cho người lao động, thứ hai là với đơn hàng số lượng lớn mình cần thời gian để công nhân quen việc, năng suất tăng thì mới hy vọng có lợi nhuận", ông Phạm Quang Anh chia sẻ.

Ngoài ra, theo doanh nghiệp này, công ty cũng áp dụng các giải pháp tạm thời như cho công nhân luân phiên làm việc khoảng 4-5 ngày/tuần, không tăng ca hay cho công nhân ở xa về quê ăn Tết sớm nhưng vẫn giữ các chế độ phụ cấp, chuyên cần...cho người lao động.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Ảnh: Như Huỳnh)

Ở góc độ hiệp hội, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cũng cho rằng ngành dệt may xác định lao động là tài sản số 1, trên cả tài sản thiết bị, công nghệ, nhà xưởng nên dù trong bối cảnh hiện nay, những đơn vị thiếu hụt đơn hàng cũng đang tìm cách xoay sở để giữ chân người lao động.

“Nhiều đơn vị đã phải chuyển từ sản xuất may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị để có công việc cho người lao động, giữ chân họ trong khi chờ ngành dệt may phục hồi vào năm sau. Chúng tôi nhận định sự phục hồi mạnh mẽ sẽ rơi vào quý III - IV/2023", ông Vũ Đức Giang thông tin.

Cũng theo ông Vũ Đức Giang, thị trường nội địa chính là giải pháp để các doanh nghiệp duy trì chính sách lao động. Theo đó, rất nhiều nhãn hàng mới gia nhập thị trường như Tổng công ty May 10 vừa ra mắt hàng loạt nhãn hàng mới, mở hàng loạt cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Ngoài ra, thương mại điện tử cũng là một giải pháp đã được các doanh nghiệp áp dụng hiệu quả trong tình hình hiện nay. Trong năm 2021, tại nhiều doanh nghiệp tỷ trọng bán hàng online mới chỉ ở mức 7-8% thì sang năm nay đã tăng lên 18-20%, có doanh nghiệp đã lên tới 50%.

Bên cạnh đó, ngành dệt may cũng đang nỗ lực để đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Hiện thị trường của các nước khu vực Trung Đông đang là một yếu tố thúc đẩy khả năng xuất khẩu trong thời gian tới.

"Trước đây Việt Nam sản xuất các sản phẩm áo sơ dài qua gối để xuất khẩu cho các nước đạo Hồi, nhưng tỷ trọng rất thấp. Từ năm 2021 đến nay, số lượng này lại tăng rất mạnh nhờ các đơn hàng từ một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Sri Lanka, Myanmar chuyển qua. Điều này có được là nhờ Việt Nam đã chủ động được nguồn nguyên liệu", ông Vũ Đức Giang cho biết.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Như Huỳnh