|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ doanh nghiệp F&B đau đầu với bài toán thiếu nhân sự sau kỳ nghỉ Tết

09:49 | 12/02/2025
Chia sẻ
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều quán ăn, nhà hàng rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khi người lao động vẫn chưa trở lại đi làm.

Gần một tuần nay, chị Nguyễn Hoa, chủ một quán ăn ở Mỹ Đình (Hà Nội) luôn trong tình trạng quá tải khi hai nhân viên chạy bàn chưa đi làm. Theo kế hoạch, quán chị sẽ mở lại vào mùng 8 Tết âm lịch nhưng đến nay chưa ai trở lại. Nhân viên đầu tiên báo với chị là mùng 10 sẽ đi làm nhưng sau đó mất liên lạc, còn người thứ hai báo nghỉ ốm, chưa đi làm được.

Do thiếu người, chị Hoa phải nhờ mẹ từ quê lên phụ giúp, đồng thời đăng tuyển nhân viên. “Năm nào quán tôi cũng gặp tình trạng trên, nếu các bạn muốn nghỉ cứ báo trước để quán đăng tuyển nhân sự, chứ bây giờ tìm người không kịp”, chị nói.

Làm trong lĩnh vực nhà hàng 11 năm nay, chị Hiền, chủ một quán ăn ở Hà Nội không quá bất ngờ với tình trạng trên. Theo chị, nguyên nhân dẫn đến việc nhiều nhân sự trong ngành F&B nghỉ việc sau Tết là muốn tìm công việc mới. Song, điều này sẽ gây xáo trộn cho quán trong một thời gian dài vì không dễ để tìm người thạo việc. Khi tìm được người thì quán cũng mất công đào tạo lại.

Để giải quyết tình trạng trên, chị áp dụng phương pháp 50:50, nghĩa là tiền thưởng Tết sẽ được chi trả 50% trước, sau khi nhân viên đi làm sẽ nhận phần còn lại, còn ai nghỉ việc sẽ mất luôn phần đó. Qua ba ngày khai xuân mới đi làm mà không đăng ký trước sẽ bị giảm 50% thưởng, có hẹn trước giảm 30% thưởng.

Ngoài ra, để khích lệ tinh thần cho nhân viên, quán sẽ lì xì 200.000 đồng cho người đi làm đúng ngày, muộn một ngày lì xì chỉ còn 50.000 đồng.

Nhiều quán ăn, nhà hàng thiếu hụt nhân sự trầm trọng sau dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh minh hoạ: Lâm Anh).

Còn theo quan điểm của anh Nguyễn Cường - Founder ProEdge Collective, việc nhân sự quay lại chậm hoặc không quay trở lại làm việc sau Tết là vấn đề luôn tồn tại ở nhiều cửa hàng, không chỉ trong ngành F&B. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này và người làm chủ không thể can thiệp được.

“Để giải quyết vấn đề này là kiểm soát và chuẩn bị tốt. Thông thường, tôi sẽ tuyển một bạn ở vị trí trung gian, quản lý ở giữa làm cầu nối giữa chủ và nhân viên. Người này sẽ nắm bắt và tương tác tốt hơn với nhân viên”, anh nói.

Ngoài ra, anh Cường còn cho rằng việc giữ lại lương và thưởng là phương pháp để giữ người sau Tết, song cần có sự tính toán cẩn thận để hai bên đạt được thoả thuận tốt nhất.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Hoàng Tùng, chuyên gia F&B đã chỉ ra ba nguyên nhân chính khiến nhân sự trong ngành liên tục nghỉ việc sau dịp Tết Nguyên đán. Thứ nhất là người lao động không coi đây công việc toàn thời gian mà coi là công việc bán thời gian. Vì vậy, sự gắn bó với công việc không được cao, khi có lựa chọn tốt hơn thì họ dễ dàng chuyển đổi.

Thứ hai, Tết là kỳ nghỉ kéo dài. Ở một số vùng quê, các hoạt động kéo dài đến rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch) nên một số người chọn cách nán lại để vui chơi giải trí dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết. Thứ ba là đãi ngộ trong ngành F&B không được cao, không được tốt như các ngành nghề khác khiến nhân sự không có sự gắn bó.

Để cải thiện vấn đề này, ông Tùng cho rằng cần mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng tốt văn hoá doanh nghiệp để nhân viên hiểu, có cam kết và gắn kết với công việc mình. Thứ hai là chế độ lương thưởng, đãi ngộ thực sự phải tốt để giữ chân người lao động. Bên cạnh thưởng cũng cần có phạt, nhắc nhở nghiêm túc với những trường hợp đi ngược lại nội quy.

Điểm cuối cùng mà vị chuyên gia khuyến nghị là các doanh nghiệp cần có kế hoạch dự phòng. Dự phòng ở đây là chuẩn bị các phương án về mặt nhân sự trước và sau Tết, luôn cần có những động thái chủ động tuyển dụng, tìm kiếm người lao động để trám vào các vị trí nếu xảy ra tình trạng thiếu hụt.

Lâm Anh

Trình Quốc hội điều chỉnh GDP 2025 tăng 8% trở lên, lạm phát 4,5 - 5%, đầu tư toàn xã hội tăng thêm 3 tỷ USD
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.