|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khách không đội mũ bảo hiểm, rủi ro rình rập tài xế Grab

11:27 | 10/09/2018
Chia sẻ
Nộp tiền phạt cho cảnh sát giao thông, công ty khóa tài khoản là những nguy cơ mà tài xế Grab đối mặt hàng ngày do khách không đội mũ bảo hiểm.
khach khong doi mu bao hiem rui ro rinh rap tai xe grab 'Khách bây giờ coi thời gian, công sức của tài xế Grab như cỏ rác'

Nhận một cuốc xe có giá 37 nghìn đồng ở phố Đại Từ, Hà Nội, anh Nguyễn Văn Khiêm đưa mũ bảo hiểm cho vị khách trước khi lưu thông. Nhưng khi tới một ngã tư, một cảnh sát giao thông chặn xe với lý do người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm.

"Hóa ra khách đã bỏ mũ khỏi đầu mà tôi không biết. Tôi bảo khách đây là lỗi của anh ta nên anh ta phải nộp phạt, nhưng anh ta không chịu. Sau đó, trong lúc tôi thảo luận với cảnh sát giao thông, anh ta lặng lẽ biến mất. Vì thế, tôi phải nộp tiền phạt", Khiêm kể.

Câu chuyện của Khiêm khá phổ biến trong giới tài xế. Khá nhiều đối tác của Grab, Mai Linh, FastGo, VATO kể rằng họ có thể gặp họa bất kỳ lúc nào vì khách không đội mũ bảo hiểm.

"Mất tiền vì nộp phạt cho cảnh sát giao thông là vấn đề phổ biến nhất. Rất nhiều khách tự ý bỏ mũ bảo hiểm nhưng không báo tài xế. Nếu cảnh sát yêu cầu dừng xe, khách có thể bỏ đi, bỏ mặc chúng tôi gánh hậu quả", Trần Văn Viễn, một tài xế Grab ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thổ lộ.

Viễn từng chở một cô gái từ phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội tới phố Xuân Đỉnh thì bị cảnh sát giao thông vượt lên và yêu cầu dừng xe. Khi ngó ra phía sau, anh thấy khách không đội mũ bảo hiểm. Trong lúc Viễn giải thích với cảnh sát, cô gái rút điện thoại ra bấm mải miết. Sau khi nộp phạt 150 nghìn vì lỗi không đội mũ bảo hiểm, Viễn tiếp tục hành trình và trách cô gái. Nhưng vị khách đáp trả rằng cảnh sát giao thông chặn xe vì anh vượt qua ngã tư khi đèn tín hiệu vẫn hiển thị màu đỏ.

"Câu trả lời vô trách nhiệm của cô ta khiến tôi cảm thấy uất ức vô cùng", Viễn nói.

khach khong doi mu bao hiem rui ro rinh rap tai xe grab
Khách bỏ mũ bảo hiểm ra khỏi đầu là nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với tài xế xe ôm. Ảnh: Nhạc Dương

Phùng Đức Mạnh, một tài xế ở quận Long Biên, Hà Nội, khẳng định anh không bao giờ chở những khách không chịu đội mũ bảo hiểm.

"Nếu khách không muốn đội mũ bảo hiểm, tôi sẽ yêu cầu khách hủy cuốc. Trong quá trình di chuyển, tôi cũng thường xuyên liếc gương chiếu hậu để xem mũ bảo hiểm còn trên đầu khách không. Từng bị phạt một lần nên tôi cảnh giác lắm", Mạnh nói.

Ngoài nguy cơ vi phạm luật giao thông, đối tác xe ôm còn có nguy cơ bị khóa tài khoản nếu khách không đội mũ bảo hiểm.

"Thanh tra của Grab có thể chụp ảnh nếu khách không đội mũ bảo hiểm. Sau đó họ sẽ khóa tài khoản của đối tác", Mạnh nói.

Lý do khách không muốn đội mũ bảo hiểm

Không thích đội mũ, chủ quan là lý do phổ biến nhất khiến nhiều hành khách không muốn đội mũ bảo hiểm.

"Hôm 22/8, tôi bắt xe ôm Grab và không đội mũ bảo hiểm vì thấy vướng. Sau đó cảnh sát giao thông chặn xe và phạt chị tài xế vì lỗi người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm. Đó là lỗi của tôi nên tôi nộp tiền cho chị ấy", Đàm Quang Lâm, một thanh niên ở quận Đống Đa, Hà Nội, kể.

Song những khách hảo tâm như Lâm khá hiếm. Trong nhiều trường hợp, khách thường cãi cùn khiến tài xế rơi vào thế khó.

"Nếu tài xế tranh cãi với khách, rất có thể khách sẽ bỏ đi rồi báo lên tổng đài khiến tài xế bị khóa tài khoản. Nhưng nếu khách không nhận lỗi và nộp phạt, tài xế sẽ phải nộp và chuốc lấy cảm giác ấm ức", Trương Thanh Tuyền, một tài xế ở quận Hà Đông, Hà Nội tâm sự.

Một bộ phận khành khách không muốn đội mũ bảo hiểm vì sợ bẩn và lây bệnh.

"Nhiều mũ có thời hạn sử dụng lâu song tài xế không giặt, rửa nên chúng chứa nhiều bụi, đất bên trong, gây cảm giác khó chịu cho hành khách. Tôi từng hủy chuyến hai lần sau khi thấy mũ bảo hiểm bẩn", Đỗ Hương Lan, một nữ công chức ở Hà Nội, kể.

khach khong doi mu bao hiem rui ro rinh rap tai xe grab
Mùi hôi trong mũ bảo hiểm của tài xế là một trong những lý do khiến nhiều hành khách, đặc biệt là phụ nữ, không muốn đội mũ.

Lưu Thị Nhâm, một người thường xuyên gọi xe ôm Grab, mong rằng các tài xế thường xuyên giặt mũ bảo hiểm, đặc biệt vào mùa hè.

"Thời tiết nóng nực mùa hè khiến mồ hôi của hành khách dễ bám vào mũ, gây nên mùi khó chịu. Phụ nữ rất nhạy cảm với mùi và bụi bẩn nên chúng tôi thường bỏ mũ bẩn, hôi ra khỏi đầu. Đây là lý do khiến tôi hay gọi Grab Car mỗi khi đi quãng ngắn", Nhâm nói.

Tài xế nhận diện những người ngại đội mũ bảo hiểm

"Mấy cô gái mặc trang phục hở hang hoặc lòe loẹt, trang điểm đậm, xức nước hoa quá đà thường tranh thủ bỏ mũ bảo hiểm ra khỏi đầu trong khi xe chạy. Hồi tháng trước, tôi chở vài khách như vậy và thường xuyên phải nhắc nhở mỗi khi họ bỏ mũ ra. Những nam giới có ngoại hình bặm trợn cũng thường xuyên bỏ mũ bảo hiểm", Ngô Thanh Lợi, một tài xế Grab ở quận Cầu Giấy, nói.

khach khong doi mu bao hiem rui ro rinh rap tai xe grab
Câu chuyện của một đối tác Grab liên quan tới việc khách không chịu đội mũ bảo hiểm.

Những anh chàng xịt gôm lên tóc để đi chơi cũng thường tỏ ra không thoải mái khi phải đội mũ bảo hiểm. Đó là nhận xét của Hà Xuân Thịnh, một tài xế ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

"Mấy cô gái có vẻ sang, chảnh cũng ngại đội mũ bảo hiểm. Tôi nghĩ họ cảm thấy mũ bảo hiểm khiến độ sang của họ giảm. Thậm chí có cô nói với tôi rằng họ sẽ xin cảnh sát giao thông bỏ qua nếu họ chặn xe của tôi", Thịnh nói.

Bài học chung của giới tài xế là nhắc nhở khách đội mũ nghiêm chỉnh ngay từ đầu, và thỏa thuận rằng khách sẽ phải nộp phạt nếu cảnh sát giao thông dừng xe vì lỗi của khách.

"Mọi tài xế đều thuộc lòng những bài học kinh nghiệm, nhưng sự cố vẫn có thể xảy ra nếu khách cố tình hành xử vô ý thức. Tôi coi việc khách bỏ mũ bảo hiểm là một dạng rủi ro trong nghề mà tôi phải chấp nhận", Thịnh giãi bày.

Xem thêm

Nhạc Dương

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...