Hiệu ứng thu nhập (Income Effect) là gì? Hiệu ứng thu nhập và sự thay đổi của cầu
Hình minh họa
Hiệu ứng thu nhập
Khái niệm
Hiệu ứng thu nhập trong tiếng Anh là Income Effect.
Hiệu ứng thu nhập trong kinh tế vi mô là sự thay đổi của cầu hàng hóa hoặc dịch vụ, gây ra bởi sự thay đổi sức mua của người tiêu dùng do thu nhập thực tế thay đổi. Sự thay đổi này có thể là do thu nhập thực tế của người tiêu dùng tăng lên hoặc do giá các hàng hóa mà họ thường phải mua đang tăng hoặc giảm.
Hiệu ứng thu nhập và sự thay đổi của cầu
Thay đổi trong thu nhập thực tế có thể là do kết quả của thay đổi của thu nhập danh nghĩa, giá cả hoặc biến động tiền tệ.
Khi thu nhập danh nghĩa tăng mà không có bất kì thay đổi nào về giá, người tiêu dùng có thể mua nhiều hàng hóa hơn với cùng mức giá. Đối với hầu hết mọi hàng hóa, điều này sẽ làm tăng cầu của người tiêu dùng.
Nếu xảy ra giảm phát, tức là giá cả hàng hóa trong nền kinh tế giảm, còn thu nhập danh nghĩa vẫn như cũ, thì người tiêu dùng có thể và cũng thường mua nhiều hàng hóa hơn.
Hai trường hợp trên tương đối đơn giản. Tuy nhiên, khi giá tương đối của các hàng hóa khác nhau thay đổi, thì sức mua của thu nhập người tiêu dùng so với từng loại hàng hóa sẽ thay đổi và hiệu ứng thu nhập thực sự phát huy tác động. Các đặc tính của hàng hóa sẽ tác động đến việc liệu hiệu ứng thu nhập dẫn đến tăng hay giảm cầu đối với hàng hóa.
Hàng hóa thông thường là những loại hàng hóa có cầu tăng khi thu nhập của người dân và sức mua tăng lên. Đối với hàng hóa thông thường, việc giảm giá tương đối của hàng hóa sẽ dẫn đến sự gia tăng về lượng cầu bởi vì giá thấp hơn có nghĩa là người tiêu dùng có tổng sức mua lớn hơn và có thể tăng mức tiêu thụ chung.
Hàng hóa thứ cấp là hàng hóa có cầu giảm khi thu nhập thực tế của người tiêu dùng tăng hoặc cầu tăng khi thu nhập giảm.
Hàng hóa thứ cấp thường được coi là có chất lượng thấp hơn, nhưng vẫn đủ dùng cho những người có ngân sách eo hẹp, ví dụ giấy vệ sinh thô ráp. Người tiêu dùng thích hàng hóa chất lượng cao hơn, nhưng họ cần phải có thu nhập lớn hơn để có thể chi trả cho mức giá cao.
Ví dụ về hiệu ứng thu nhập
Ví dụ, hãy xem xét một người tiêu dùng thường ngày mua một chiếc bánh sandwich phô mai giá rẻ để ăn cho bữa trưa tại nơi làm việc, nhưng đôi khi lại vung tiền ăn hotdog. Nếu giá của một chiếc sandwich phô mai tăng so với bánh hotdog, điều đó có thể khiến họ giảm số lần mua bánh hotdog đi vì giá bánh sandwich phô mai hàng ngày cao làm giảm thu nhập thực của họ.
Trong tình huống này, việc tăng giá làm tăng nhu cầu đối với bánh sandwich phô mai và giảm nhu cầu đối với hàng hóa thay thế bình thường là bánh hotdog.
(Theo investopedia)